Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày tượng đài Van Persie sụp đổ trong mắt CĐV Arsenal

CĐV Arsenal khó tính, Robin van Persie cũng chẳng phải dạng vừa. Mối quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên chính thức chấm dứt sau màn ăn mừng cuồng nhiệt của cầu thủ này ngày 10/11/2013.

Phút 26, từ quả phạt góc của Wayne Rooney, Robin van Persie băng cắt và đánh đầu chuẩn mực, đưa bóng về góc xa khung thành Arsenal. Đó là bàn thắng duy nhất của trận đấu, và MU giành chiến thắng chung cuộc 1-0.

Tuy nhiên, điều đọng lại sau cùng không phải tỷ số, mà chính là màn ăn mừng cuồng nhiệt của Van Persie. Hiếm khi người ta thấy anh vui sướng như vậy, và càng ngạc nhiên hơn khi thứ năng lượng phấn khích đó được sinh ra sau khi cầu thủ này ghi bàn vào lưới chính đội bóng cũ.

Robin van Persie anh 1

Màn ăn mừng phấn khích biến Persie thành "cái gai" trong mắt CĐV Arsenal. Ảnh: Getty Images.

Với CĐV Arsenal, nhìn đội nhà thua trận trước MU đã là nỗi cay đắng. Và bàn thắng của Van Persie cùng pha ăn mừng quá khích này là chất xúc tác hoàn hảo, chuyển hóa cay đắng thành ngọn lửa phẫn nộ, đánh sập hình ảnh tượng đài mà anh dày công xây dựng suốt gần thập niên tại Arsenal.

20 tháng trên giường bệnh

Van Persie cập bến Arsenal mùa hè 2004 từ Feyenoord và được xếp vào dạng "quy hoạch" đặc biệt của HLV Arsene Wenger. Ông kéo Persie từ cầu thủ chạy cánh vào chơi ở vị trí cao nhất trên hàng công với kỳ vọng tìm ra cái tên kế thừa xứng đáng cho Thierry Henry tại Arsenal.

Sau 3 mùa giải, Van Persie ghi tổng cộng 34 bàn với thành tích ghi bàn tăng lên theo từng mùa. Bộ kỹ năng của cầu thủ này dần hoàn thiện, và các CĐV cũng dần nhớ tới Van Persie với vai trò tiền đạo cắm nhiều hơn. Sau khi "King" Henry rời đi, Van Persie trở thành ứng viên số một kế thừa "ngai vàng" để lại tại sân Emirates.

Tuy nhiên, khi chỉ vừa ra khơi, con thuyền sự nghiệp của cầu thủ này đã va phải tảng đá sắc nhọn của thực tại phũ phàng. Đó là chấn thương.

Robin van Persie anh 2

Có những thời điểm, sự nghiệp của Van Persie tưởng chừng như bị hủy hoại hoàn toàn bởi những chấn thương. Ảnh: Getty Images.

Tháng 1/2007, chấn thương mu bàn chân ở trận gặp MU buộc cầu thủ người Hà Lan phải rời xa sân cỏ trong 5 tháng. Đó là điểm khởi đầu cho những năm tháng kinh hoàng của Van Persie trong màu áo Arsenal.

Thống kê chỉ ra trong 4 năm tiếp theo khoác áo "Pháo thủ", Van Persie chấn thương thêm 10 lần. Lần nặng nhất, anh rời xa sân cỏ tổng cộng 154 ngày trong khi lần nhẹ nhất cũng là 1 tuần.

Tính cả những lần đau nhẹ và chấn thương vặt, cầu thủ này dành khoảng 20 tháng, tương đương 2 mùa giải, để chống chọi với chấn thương. Từ làm bạn với sân cỏ và những bàn thắng, Van Persie phải học cách làm bạn với bệnh viện và những chấn thương. Nếu hỏi ai là người bạn thân nhất với cầu thủ người Hà Lan khi ấy, câu trả lời có lẽ không ai khác ngoài Abou Diaby, một bệnh binh trong lịch sử "Pháo thủ".

Robin van Persie anh 3

2011/12, mùa giải lành lặn đầu tiên của Van Persie sau 4 năm, cầu thủ này lập tức chứng tỏ đẳng cấp và xô đổ hàng loạt kỷ lục ghi bàn của Arsenal. Ảnh: Getty Images.

Sụp đổ

Giai đoạn 2006 - 2012 chứng kiến một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất lịch sử Arsenal. Để có tiền bù lỗ và chi trả những khoản nợ liên quan tới xây sân Emirates, "Pháo thủ" buộc phải bán đi những ngôi sao sáng giá nhất.

Từ nhân tố cuối cùng của thế hệ vàng như Thierry Henry, Patrick Vieira tới những thành viên ưu tú của lứa mới như Cesc Fabregas, Samir Nasri hay Emmanuel Adebayor, tất cả đều dứt áo ra đi. Nền tảng tài chính của "Pháo thủ" không đủ đáp ứng yêu cầu của họ, và chỉ trong khoảng nửa thập kỷ, các "Gooners" phải chứng kiến cuộc chảy máu lực lượng lớn chưa từng có trong lịch sử đội bóng.

Tuy nhiên, có một người vẫn ở lại. Đó là Robin van Persie.

Van Persie chấn thương nhiều, nhưng không có nghĩa là cầu thủ này không thi đấu hay ghi bàn. Barcelona, Man City hay Man United cũng từng ngỏ ý muốn sở hữu cầu thủ người Hà Lan. Tuy nhiên, sau tất cả, cầu thủ người Hà Lan vẫn ở lại. Anh ở lại vì cái tình với đội bóng, vì cái nghĩa với HLV Wenger, và vì cả niềm tin yêu của CĐV trong suốt thời gian làm bạn với chấn thương, giường bệnh.

Robin van Persie anh 4

Lứa cầu thủ tài năng của những Van Persie, Fabregas hay Nasri (từ trái sang) lẽ ra đã có thể tạo ra thế hệ vàng mới cho Arsenal nếu ở lại đội bóng. Ảnh: Getty Images.

Với đẳng cấp cùng dòng máu "Pháo thủ" sau 8 năm khoác áo đội bóng, Van Persie có đủ mọi tố chất để bước chân vào ngôi đền huyền thoại của Arsenal. Tuy nhiên, gió đã đổi chiều từ sau mùa giải 2011/12.

Kết thúc mùa giải đó, mùa giải mà Van Persie chạm tới phiên bản tốt nhất của bản thân với 37 bàn thắng sau 48 trận, anh quyết tâm dứt áo ra đi để gia nhập Man United. CĐV Arsenal sững sờ, nhiều người tức giận nhưng suy cho cùng, Van Persie vẫn được tôn trọng bởi những gì làm được cho đội bóng.

Ngày 3/11/2012, Van Persie ghi bàn ngay lần đầu gặp lại đội bóng cũ và giúp MU thắng chung cuộc 2-1, anh không ăn mừng. Nhưng chỉ một năm sau, sự chuyên nghiệp, nhã nhặn này đã biến mất. Sau bàn thắng vào lưới Arsenal, tiền đạo này lao phăm phăm giữa những tiếng hò reo không ngớt tại Old Trafford, lao tới và ôm chầm lấy Rooney trong niềm vui sướng vỡ òa.

Màn ăn mừng chẳng khác nào chọc tức các "Gooners", và ở một thái cực đối lập với sự hân hoan của Persie cùng đồng đội, đó là sự căm giận, sục sôi của CĐV Arsenal.

Từ thần tượng, chân sút người Hà Lan thành gã Judas (kẻ phản bội) đáng ghét. Tám năm miệt mài cống hiến tại Arsenal trở về con số 0, và hình ảnh tượng đài của cầu thủ này tại đội bóng cũng đổ sập trong mắt CĐV. Những gì còn lại của Van Persie tại London giờ chỉ là những tàn tro, hệ quả tất yếu của ngọn lửa căm phẫn tới từ các CĐV sau đêm Old Trafford định mệnh ngày 10/11/2013.

Robin van Persie anh 5

Màn ăn mừng của Van Persie là hệ quả của sự dồn nén lâu ngày bởi những hành động thiếu tôn trọng từ CĐV Arsenal.

Vì sao nên nỗi?

Thực tế, hành động không ăn mừng cho thấy Van Persie vẫn dành cho Arsenal tình cảm lớn. Tuy nhiên, trái ngược với sự chuyên nghiệp và thái độ vừa phải của chân sút người Hà Lan lại là cách hành xử quá khích, thiếu tôn trọng của các CĐV "Pháo thủ".

Ngày Van Persie ghi bàn đầu tiên vào lưới đội bóng cũ, anh không ăn mừng, nhưng các CĐV vẫn không ngừng chửi bới chân sút người Hà Lan.

Ngày Van Persie lần đầu trở lại sân Emirates, các đồng đội cũ dành cho anh sự tôn trọng dưới sân nhưng trên khán đài, những tiếng la ó, thóa mạ vẫn vang lên không ngớt.

Ngày Arsenal gặp lại MU tại Old Trafford, các CĐV "Pháo thủ" thậm chí sáng tác hẳn bài hát để chế giễu chân sút người Hà Lan.

Như chiếc lò xo bị dồn nén, bàn thắng cùng màn ăn mừng cuồng nhiệt tại Old Trafford chính là hệ quả tất yếu của những ức chế tích tụ lâu nay. Đó là sự phản kháng, lời đáp trả đanh thép của chân sút người Hà Lan dành cho các CĐV "Pháo thủ".

Old Trafford ngày 10/11/2013 chứng kiến hình ảnh tượng đài đổ sập trong mắt các CĐV Arsenal. Tuy nhiên, đó dường như là hành động mang tính cố tình của Van Persie. Anh sẵn sàng đánh đổi một thứ danh hiệu vô hình, trừu tượng để lấy những thứ tài sản hữu hình, giá trị hơn. Đó là bàn thắng, là vinh quang và danh hiệu, những thứ mà anh sẽ chẳng bao giờ có được nếu tiếp tục ở lại Arsenal.

Siêu phẩm 'Người Hà Lan bay' của Persie được tái hiện Trong trận thắng Tomsk 3-0 ở vòng 26 giải VĐQG Nga hôm 9/3, Dmitry Barkov mở tỷ số cho Khimki với pha bay người đánh đầu gợi nhớ siêu phẩm của Robin van Persie tại World Cup 2014.

Đội hình ngôi sao rời bỏ Arsenal trong những năm cuối của HLV Wenger

Huấn luyện viên Arsene Wenger chứng kiến giai đoạn khó khăn tại Arsenal, bởi ông phải để hàng loạt ngôi sao sáng giá của mình ra đi trong sự ngậm ngùi và tiếc nuối.

Những quyết định chuyển nhượng khó hiểu của HLV Wenger tại Arsenal

Những năm cuối của HLV Arsene Wenger tại Arsenal chứng kiến nhiều thương vụ khó hiểu, điển hình như trường hợp của Cohen Bramall, Wojciech Szczesny hay Serge Gnabry.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm