Theo New York Times, hồi đầu năm, công ty khởi nghiệp chia sẻ ôtô Getaround sa thải 150 nhân viên và thu hẹp một số hoạt động sau khi đổ quá nhiều tiền để mở rộng thần tốc. Hai tháng sau, dịch Covid-19 lan rộng khiến hoạt động kinh doanh trở nên tệ hại hơn.
Công ty này sa thải thêm 100 người, yêu cầu các nhân viên còn lại tình nguyện cắt giảm lương và vay 5-10 triệu USD từ chính phủ Mỹ. Nhưng điều bất ngờ đã đến vào tháng 5. Công việc kinh doanh khởi sắc trở lại. Doanh thu của Getaround tại Mỹ tăng vọt 40% so với năm ngoái.
Tháng trước, công ty đưa tất cả nhân viên bị giãn việc trở lại và bắt đầu tuyển dụng thêm. "Chúng tôi đã chứng kiến quá trình phục hồi rất nhanh", ông Sam Zaid, Giám đốc điều hành của Getaround, chia sẻ. Hiện công ty đang huy động thêm vốn đầu tư.
Cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ tăng trở lại ở Phố Wall. Ảnh: Getty Images. |
Khởi sắc trở lại
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu từ tháng 3, nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp đã chuẩn bị tinh thần cho dấu chấm hết. Hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Giới đầu tư mạo hiểm cảnh báo thời kỳ đen tối ở phía trước. Còn các chuyên gia dự đoán về sự khởi đầu của một cơn bão cuốn phăng mọi thứ sau một thập kỷ bùng nổ.
Hiện, nguồn vốn cho các công ty trẻ vẫn được duy trì, nhất là những công ty khởi nghiệp lớn. Chẳng hạn, ứng dụng giao dịch chứng khoán Robinhood và trang web truyền thông xã hội Discord huy động hàng trăm triệu USD vốn mới trong vài tháng gần đây. Những đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của các công ty công nghệ bắt đầu rầm rộ trở lại.
Thị trường chứng khoán bật xanh mạnh mẽ. "Mọi thứ nhìn chung tốt hơn đáng kể so với những gì chúng tôi lo sợ 90 ngày trước", New York Times dẫn lời Rich Wong, một nhà đầu tư tại Accel, nhận xét.
Hoạt động kinh doanh của startup chia sẻ ôtô Getaround khởi sắc trở lại vào tháng 5. Ảnh: New York Times. |
Bằng một cách nào đó, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ miễn nhiễm với những gì mà nền kinh tế thực của nước Mỹ đang hứng chịu. Hàng loạt nhà bán lẻ, chuỗi cửa hàng và các công ty khác đã nộp đơn xin phá sản. Nền kinh tế đối mặt với một trong những thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, ngành công nghệ gần như đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhu cầu tăng vọt đối với các startup công nghệ cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến, chăm sóc sức khỏe từ xa, thương mại điện tử, trò chơi điện tử và phần mềm cho nhân viên làm việc tại nhà. Nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thể dục hay hoạt động cho trẻ em cũng nhanh chóng chuyển hoạt động sang trực tuyến.
Điều đó không có nghĩa là các startup hoàn toàn không bị tổn thương. Một số công ty chứng kiến doanh thu sụt giảm. Startup dịch vụ khách sạn xa xỉ Stay Alfred, startup kế toán ScaleFactor và startup máy bán hàng tự động Stockwell mới đây bắt đầu ngừng hoạt động.
Nhưng hơn hết, tiền vẫn tiếp tục chảy vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Theo PitchBook và Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm Quốc gia Mỹ, những công ty này đã huy động được 34,3 tỷ USD trong quý II, giảm nhẹ so với 36 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn số tiền được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp lớn.
Hoảng loạn tan biến
Tháng 5, sự hoảng loạn trên khắp Thung lũng Silicon bắt đầu tan biến. Theo website Layoffs.fyi, việc sa thải bắt đầu chậm lại. Chỉ 5% trên tổng số hàng trăm công ty thực hiện sa thải nhân viên phải dừng hoạt động. Các đợt tuyển dụng cũng bắt đầu tăng trở lại. Theo công ty tuyển dụng Drafted, số bài đăng tuyển dụng trên mạng lưới của công ty đã tăng 30% trong tháng trước.
Chi tiêu của các startup cũng bắt đầu phục hồi. Brex, công ty cung cấp thẻ tín dụng cho khoảng 10.000 startup tại Mỹ, cho biết chi tiêu đối với những mặt hàng như phần mềm, máy chủ và quảng cáo hiện cao hơn 1/3 so với tháng 2.
"Tất cả như bừng tỉnh: 'Đợi đã, mọi người vẫn làm việc. Họ chỉ làm trực tuyến mà thôi'", New York Times dẫn lời nhà đầu tư Steve Sloane tại Menlo Ventures nhận xét.
Đại dịch khiến người tiêu dùng chuyển đời sống sang trực tuyến. Ảnh: New York Times. |
Vì đại dịch, nhiều công ty khởi nghiệp điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Một trong số đó là ActivityHero, không gian trực tuyến cho các hoạt động của trẻ em. Vào tháng 4, lượt đặt chỗ của startup San Francisco đã giảm 88% khi hàng loạt trại hè trên khắp đất nước hủy bỏ chương trình. Cô Peggy Chang, Giám đốc điều hành ActivityHero, lo ngại công ty sẽ trượt đến bờ vực phá sản trong năm nay.
ActivityHero sau đó khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra những hoạt động ảo, quảng bá với phụ huynh học sinh thông qua các lớp học miễn phí và giảm giá. Vào mùa hè, những lượt đặt chỗ đã tăng trở lại.
Envoy, startup ở San Francisco chuyên bán hệ thống đăng nhập cho các văn phòng, cũng chịu lỗ trong tháng 2 và tháng 3. Nhưng đến tháng 5, mọi thứ thay đổi sau khi công ty thành lập dịch vụ Protect có tính năng quản lý nhân viên và giới hạn sức chứa của văn phòng.
"Bất chấp logic"
Vào khoảng thời gian đó, nhiều người không thể làm việc tại nhà, các công ty phải tìm cách đưa một số lượng hạn chế nhân viên quay trở lại. Giám đốc điều hành Larry Gadea cho biết khoảng 100.000 nhân viên đã sử dụng hệ thống của Envoy tại 500 văn phòng. "Công việc kinh doanh của chúng tôi đã được cứu", ông nói.
Một số công ty khởi nghiệp lớn hơn cũng nắm bắt cơ hội huy động nhiều tiền hơn từ các nhà đầu tư. Hai dịch vụ giao hàng DoorDash và Instacart đã thu về hơn 600 triệu USD tiền tài trợ từ tháng 6, nâng mức định giá lên lần lượt 16 tỷ USD và 13,7 tỷ USD.
Ruben Flores-Martinez, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Cashdrop, cho biết anh đã cố gắng huy động vốn vào tháng 1. Dịch Covid-19 thúc đẩy người bán hàng chuyển sang trực tuyến. Hàng trăm người trong số đó sử dụng phần mềm của Cashdrop.
CEO Airbnb Brian Chesky mô tả sự phục hồi là "bất chấp logic". Ảnh: New York Times. |
Tháng 7, anh dễ dàng huy động 2,7 triệu USD tiền đầu tư. "Dịch bệnh đến và khiến mọi thứ tăng theo cấp số nhân", doanh nhân Flores-Martinez hào hứng.
Nhà sáng lập Cashdrop chưa gặp trực tiếp bất cứ nhà đầu tư nào. Đây là một điều bình thường trong thời kỳ dịch bệnh. Theo một cuộc khảo sát thực hiện với 150 công ty đầu tư mạo hiểm của OMERS Ventures hồi tháng 6, hơn 2/3 công ty cho biết sẵn sàng giao dịch từ xa.
50% tiết lộ các giao dịch của họ bằng hoặc thậm chí mạnh mẽ hơn trước đại dịch. Công ty cho thuê nhà Airbnb cũng chứng kiến số lượt đặt phòng tăng trở lại bằng thời điểm trước dịch.
Trong một cuộc họp trực tuyến gần đây, CEO Airbnb Brian Chesky bày tỏ sự ngạc nhiên khi hoạt động kinh doanh hồi phục. "Đây là điều mà tôi không bao giờ tưởng tượng được vào 8 tuần trước. Nó bất chấp logic", ông cảm thán.