Nước Mỹ đã bước vào ngày bầu cử. Hàng chục triệu người sắp sửa đổ về các điểm bỏ phiếu để định đoạt kết quả cuộc đua được cho là sít sao nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại.
Phó Tổng thống Kamala Harris và ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump đang ở thế kèn cựa rất sát. Kết quả các đợt thăm dò cho thấy biên độ chênh lệch giữa hai ứng viên là rất mong manh.
Tình hình ở 7 bang chiến trường, gồm Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Arizona, Nevada, Georgia và North Carolina, cũng không mấy khác biệt. Chưa có cuộc khảo sát nào chỉ ra được ứng viên đang giành lợi thế. Các chuyên gia đều đồng tình rằng ai thắng ở Pennsylvania sẽ có nhiều khả năng trở thành tổng thống Mỹ thứ 47.
"Nếu thắng tại Pennsylvania, chúng ta sẽ giành được ưu thế", ông Trump nói tại buổi mít tinh ở Reading hôm 4/11 (giờ địa phương).
Sau đó cùng ngày, tại Pittsburg, cựu tổng thống mô tả cuộc bầu cử là sự lựa chọn giữa "thời đại hoàng kim" nếu ông quay lại Nhà Trắng hoặc "4 năm khổ đau, thất vọng và thảm hoạ" trong trường hợp bà Harris đắc cử.
Ông Trump vận động tranh cử ở Pittsburgh vào ngày cuối trước thềm bầu cử. Ảnh: New York Times. |
Cùng lúc đó, bà Harris dành cả ngày để vận động tranh cử ở bang chiến trường Pennsylvania và hạ màn chiến dịch ở Philadelphia. Sự kiện của bà Harris có sự góp mặt của nhiều tên tuổi trong làng giải trí như Lady Gaga và "nữ hoàng truyền hình" Oprah Winfrey.
"Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc bầu cử này", bà Winfrey nói. "Nếu không đi bỏ phiếu ngày mai, chúng ta hoàn toàn có thể sẽ không bao giờ được bỏ phiếu nữa".
Theo hệ thống bầu cử Mỹ, kết quả chung cuộc sẽ không được quyết định bởi số phiếu phổ thông mà được định đoạt bởi các phiếu đại cử tri. Do đó, các bang tranh chấp dự kiến sẽ phân định thắng bại trong cuộc đua năm nay bởi những khu vực bầu cử này được chỉ định số phiếu đại cử tri lớn.
Hơn 78 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm song kết quả chung cuộc nhiều khả năng sẽ chưa được công bố ngay trong đêm bầu cử hoặc thậm chí là vào ngày hôm sau - ngày 6/11. Nước Mỹ và nhiều người trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ phải "nín thở" chờ đợi kết quả bầu cử trong một khoảng thời gian nhất định.
Dù kết quả sau cùng ra sao, cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã để lại nhiều hệ luỵ. Nước Mỹ trở nên phân cực và bị chia rẽ sâu sắc do ảnh hưởng từ các chiến dịch tranh cử. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trong kịch bản bà Harris thắng cử và ông Trump nỗ lực phủ nhận kết quả bầu cử, Guardian nhận định.
Đám đông tập trung ở Pittsburgh để tham gia buổi mít tinh của bà Kamala Harris. Ảnh: New York Times. |
Xuyên suốt quá trình tranh cử, bà Harris đã nhiều lần tập trung vào mối đe doạ tiềm tàng về viễn cảnh ông Trump đắc cử tổng thống lần nữa.
Tại cuộc mít tinh trước 75.000 khán giả trên Ellipse ở thủ đô Washington, nơi ông Trump từng gián tiếp kích động cuộc bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, bà Harris nhắc lại thông điệp của mình.
"Nếu đắc cử, ông Trump sẽ lập tức trở lại Nhà Trắng với một danh sách kẻ thù. Còn tôi, nếu đắc cử, tôi sẽ bước vào đó với một danh sách những việc cần làm, tập trung vào những ưu tiên dành cho người Mỹ", bà Harris nói với đám đông.
Tại Ellipse (Washington), phó Tổng thống Kamala Harris gửi đi thông điệp về viễn cảnh ông Donald Trump quay lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Ở phía bên kia, ông Trump xây dựng chiến dịch tranh cử xoay quanh sự bất mãn của những người không hài lòng về màn thể hiện của chính quyền Biden. Cựu tổng thống cũng cho rằng nước Mỹ đang đứng trước nhiều nguy cơ nếu đảng Dân chủ cầm quyền.
Lối lập luận của ông Trump được thúc đẩy bởi những tuyên bố vô căn cứ và thuyết âm mưu về ông Joe Biden, bà Harris và một số chính trị gia khác.
Bên cạnh bức tranh kinh tế ảm đạm với tình trạng lạm phát cao, chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng tập trung vào vấn đề nhập cư và tình trạng an ninh ở biên giới.
Cựu tổng thống khắc hoạ bức tranh u ám về một nước Mỹ chứa đầy người nhập cư bất hợp pháp. Ông thậm chí gọi những người nhập cư không có giấy tờ là "động vật", "máu bùn" và nói rằng họ "đầu độc dòng máu của nước Mỹ".
Trong sự kiện tranh cử cuối cùng tại Pittsburg vào ngày 4/11 (giờ địa phương), ông Trump một lần nữa thể hiện lập trường cứng rắn với vấn đề đối ngoại khi tuyên bố sẽ áp thuế quan như một hình thức trừng phạt lên Mexico và Trung Quốc. Vị ứng viên đảng Cộng hòa cáo buộc song không đưa ra bằng chứng rằng hai quốc gia này là nguồn cung chất cấm fentanyl vào Mỹ.
Sự phân cực giữa hai chiến dịch tranh cử và loại ngôn từ được sử dụng bởi các ứng viên, đặc biệt là ông Trump và các đồng minh, là gây ra nỗi sợ hãi bao trùm về mối nguy bạo lực và tình trạng hỗn loạn trong ngày bầu cử. Thậm chí, trước cả ngày tổng tuyển cử, hòm bỏ phiếu tại một số tiểu bang đã bị phá huỷ, theo Guardian.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.