Người biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Ảnh: NPR. |
“Phụ nữ Mỹ bị tước quyền bởi 5 thẩm phán vốn không được bầu chọn, tại tòa án cực đoan ủng hộ phong trào MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại). Các thẩm phán này - do đảng Cộng hòa bổ nhiệm và được làm chủ tọa mà không cần chịu trách nhiệm giải trình - đã đánh cắp quyền được phá thai cơ bản”, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết hôm 24/6.
Ông đã gọi ngày thứ 6 vừa qua là “một trong những ngày đen tối nhất” trong lịch sử nước Mỹ, theo Guardian.
Quyết định gây bàng hoàng của của Tòa án Tối cao Mỹ nhằm lật ngược phán quyết trong vụ kiện Roe v Wade và xóa bỏ quyền phá thai của phụ nữ đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp đất nước. Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Barack Obama và một số chính trị gia đảng Dân chủ cũng lên án mạnh mẽ phán quyết này.
“Biến phụ nữ thành nô lệ”
Những người biểu tình, bất kể độ tuổi và giới tính, đã tập trung bên ngoài Tòa án Tối cao ở Washington ngay sau khi phán quyết được công bố. Với sự giận dữ và bất bình, họ cùng nhau dơ cao những tấm biển và hô vang các khẩu hiệu phản đối quyết định của tòa.
Làn sóng biểu tình trỗi dậy khắp nước Mỹ sau phán quyết của tòa án. Ảnh: AFP. |
“Suốt 30 năm, đây là cuộc chiến nhằm đảo ngược quyền cơ bản của phụ nữ và quyền con người trong việc đưa ra quyết định về cơ thể họ. Không có phản ứng nào khác ngoài sự phẫn nộ và hành động”, Sara Kugler ở Washington, D.C., đứng giữa đám đông bên ngoài tòa án, cho biết.
“(Quyết định này) sẽ không thành công. Việc phá thai vẫn sẽ xảy ra”, một cư dân Washington khác, yêu cầu chỉ dùng họ Cathy, nói với Guardian.
“Họ đang chia rẽ đất nước của chúng tôi nhiều hơn nữa và khiến nó trở nên phức tạp hơn. Họ vốn có thể ổn định nước Mỹ và dừng việc dồn ép đầy tính sùng đạo này lại. Và (thực tế rằng) sự dồn ép này đến từ những người như cựu Tổng thống Donald Trump - người thậm chí không có tư cách lãnh đạo chúng tôi - thật kinh khủng”, Cathy nói thêm.
Phán quyết của tòa án có nghĩa việc phá thai sẽ trở thành bất hợp pháp ở một nửa số bang của Mỹ trong tương lai gần.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc phá thai gần như đã bị cấm hoàn toàn ở Oklahoma, và sau khoảng 6 tuần nữa ở Texas. Các phòng khám ở ít nhất 8 tiểu bang khác, bao gồm Alabama, Arizona, Arkansas, Kentucky, Missouri, South Dakota, Wisconsin và West Virginia, cũng ngừng cung cấp dịch vụ phá thai sau phán quyết hôm 24/6.
“Việc ép buộc sinh con là (biến phụ nữ) thành nô lệ”, Joseph Little nói, tay cầm một tấm biển ghi khẩu hiệu tương tự khi đứng gần đám đông biểu tình ủng hộ quyền tự do sinh sản.
“Khi tước đi quyền của mọi người và nói với họ rằng sự lựa chọn của họ không còn quan trọng ở đất nước được cho là vùng đất tự do này, (các ông) đang đàn áp họ”, Little nói.
“Hôm nay, các tòa án đã quyết định chống lại đa số (người dân) ở đất nước này. Họ quyết định kiểm soát (quyền được phá thai) và áp bức chúng tôi”, anh nói thêm.
“Vấn đề sống còn”
Một nhóm nhà lập pháp đã rời khỏi Tòa án Tối cao ngay sau khi tin tức về phán quyết được công bố. Họ đi sau hàng rào thép với sự bảo vệ của các cảnh sát và thành viên đội chống bạo động, ngăn cách họ với những người biểu tình.
Một số người biểu tình la hét yêu cầu các nhà lập pháp tiếp tục chiến đấu, số khác gọi họ là “những kẻ giết trẻ em” và bàn tay họ đã “nhuốm máu”.
Cảnh sát New York bắt giữ một người biểu tình hôm 24/6. Ảnh: AFP. |
“Tôi không quan tâm cuộc bỏ phiếu hôm nay là gì. Họ không thể ngăn cản hay kiểm soát cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể”, Hạ nghị sĩ Maxine Waters, đảng viên Dân chủ từ California, nói với Guardian trước tòa án.
Khi được hỏi phe tôn trọng quyền lựa chọn dự định làm gì để đáp trả phán quyết của tòa án, bà nói: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy một lượng lớn phụ nữ bỏ phiếu. Hãy xem liệu chúng tôi có thể sớm đạt được điều gì đó bằng lá phiếu hay không. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể”.
Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, từ New York, cũng tham gia đám đông biểu tình. Cô kêu gọi mọi người "tràn xuống đường phố".
Các đảng viên Dân chủ đã chỉ trích phán quyết này như một đòn giáng đau đớn vào quyền lợi của hàng triệu người. Nhiều nhà lập pháp trước đây từng công khai chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ về việc phá thai cũng lên án quyết định này.
“Dịch vụ phá thai là chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi không quan tâm một Tòa án Tối cao cực hữu, vốn đang gặp khủng hoảng về tính hợp pháp, đã nói gì”, nghị sĩ Cori Bush, từ Missouri, người chia sẻ từng phá thai vào năm 17 tuổi, viết.
“Phán quyết mang tính phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và phân biệt giai cấp của họ sẽ không ngăn chúng ta tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà chúng ta cần”, bà nói thêm.
Ngoài các chính trị gia, các chuyên gia y tế cũng lên án phán quyết này là một cuộc tấn công vào quyền tự chủ và quyền chăm sóc sức khỏe.
“Quyết định ngày hôm nay là một đòn giáng trực tiếp vào quyền tự chủ về cơ thể, sức khỏe sinh sản, sự an toàn của bệnh nhân và sự bình đẳng về y tế ở Mỹ”, trường Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ tuyên bố.
Bà Crystal Echo Hawk, từ IllumiNative, tổ chức công bằng xã hội do phụ nữ bản địa lãnh đạo, cho biết: “Quyết định của Tòa án Tối cao đặc biệt nghiêm trọng đối với cộng đồng bản địa, chắc chắn điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng”.
“Tiếp cận dịch vụ phá thai và chăm sóc sinh sản là nền tảng cho sự an toàn và hạnh phúc - đây là vấn đề sống còn đối với nhiều người trong các cộng đồng bản địa”, bà nói thêm.