Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Ngày chưa đến trường của những đứa trẻ theo bố mẹ về quê

Có thêm kỳ nghỉ dài khi dịch Covid-19 bùng phát, những đứa trẻ gốc Hà Nội theo bố mẹ bỏ phố về quê ngày ngày dắt nhau khám phá núi rừng, vừa chơi vừa học.

NGÀY CHƯA ĐẾN TRƯỜNG CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ THEO BỐ MẸ VỀ QUÊ

Theo bố mẹ rời thành phố về vùng ven đô sinh sống, những đứa trẻ gốc Hà Nội như Ong, Bin, Gấu... có thêm kỳ nghỉ dài khi dịch Covid-19 bùng phát. Không đến trường, chúng cùng nhau khám phá thiên nhiên, rừng núi.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 1

- Anh Huy, mau lên. Bên trái hay bên phải?

- Trái, cái lối mòn đấy em thấy không, vạch tán cây ra, Gấu.

Vén những lùm cây quanh mình, Huy và Gấu nhanh chóng lẩn vào đám cỏ rậm rạp, cao quá đầu người. Đây là con đường ra suối hai anh em mới khám phá được vài ngày nay.

Theo bố mẹ rời nội thành Hà Nội về vùng ven thuộc huyện Quốc Oai sinh sống, hơn nửa năm là quãng thời gian đủ để thế giới của hai cậu bé thay đổi hoàn toàn. Gấu (8 tuổi) bảo cậu sắp biến thành "người rừng" vì ngày nào cũng lên đồi, đi suối. Đôi chân của Gấu dần quen với đất, cỏ. Nước da đen lại nhưng khỏe. Còn nụ cười thì mải miết theo trên gương mặt lúc nào cũng lấm lem.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 2

Không chỉ anh em nhà Gấu, còn có Ong, Bin, Vy... và rất nhiều đứa trẻ khác trong thôn Đồng Bèn (Đông Xuân, Quốc Oai) cũng theo bố mẹ lên vùng lưng đồi lưng núi này sinh sống. Cứ chiều chiều, chúng lại chạy ra sân, réo nhau từ đồi bên này sang đồi bên kia:

- Anh Huy ơi! Thỏ ơi! Gấu ơi! Đá bóng nào...

Khoảng 30 phút, cả đội có mặt tại sân bóng nhà Bin. Đứa 6 tuổi, 8 tuổi, 15 tuổi, 16 tuổi, đội hình lớn bé đều có, tất cả được vào sân, không ai dự bị. Cả một khoảng không gian với tiếng cười, nói của đám trẻ, vang xa tận những ngọn đồi kế bên, nơi những áng mây tím đang lẳng lặng trôi khi ngày dần buông xuống.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 5
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 8

Ngôi nhà mới bên dòng suối

6h, Mặt Trời ló rạng sau nhà, tiếng chim hót líu lo và bầu không khí lẫn sương đêm còn mang theo hơi lạnh. Khu vườn của gia đình chị Thanh Hương bắt đầu thức giấc.

"Gấu, Thỏ, Huy, dậy đi các con, ăn sáng rồi chuẩn bị ra vườn làm cỏ với bố kìa", chị Hương bày những phần ăn đơn giản ra bàn rồi đợi các con.

Hắt những dòng nước mát lạnh lên mặt cho tỉnh ngủ, Gấu giới thiệu đó là nước suối do bố dẫn đường ống từ trên thác nước về.

"Bố con bảo ở đây có hai thứ miễn phí, một là nước, hai là không khí. Ngày nào ngủ dậy thì ra ngoài rửa mặt rồi ngửa cổ lên hít thở thật nhiều", cậu bé 8 tuổi cười nói.

Chưa đầy một năm trước, cuộc sống của gia đình 5 người chị Hương, anh Hùng, Huy, Thỏ và Gấu còn gắn với tiếng còi xe, những sớm tất bật tới nơi làm việc, những con phố quyện đều trong hơi thở phố thị. Dùng xong bữa sáng, chị Hương ngồi vào bàn làm việc. Chiếc laptop để trên lan can, kéo thêm cái ghế, chị ngồi ngay phía hiên nhà, nhìn ra khoảng sân trước mặt xanh mướt nào cỏ, nào nắng. Trong lúc mẹ làm việc, 4 bố con phân công nhau người cắt cỏ, người quét, kéo xe, đổ cỏ.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 9
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 12

Làm cỏ trong sân xong, Gấu và Thỏ xin phép mẹ ra bờ suối. Lạch suối nhỏ chảy ngay trong khu vườn của gia đình là một phần tạo ra thế giới kỳ diệu trong mắt những đứa trẻ.

Trước đây, thời gian còn sống trong nội đô, cứ cuối tuần, cả gia đình chị Hương lại đi xa đâu đó để hít thở không khí, gần với thiên nhiên. Những đứa trẻ vì thế cũng không quá xa lạ với đồi cây, dòng suối.

"Nhưng bây giờ dòng suối này giống như của chúng con vì nó chảy vào trong vườn đấy ạ, từ trên thác dẫn về, đổ xuống vườn rồi chảy mãi ra tít đồi bên", Thỏ reo lên khi chạy lại phía dòng suối. Càng gần, tiếng nước chảy càng rõ. Nắng cũng đổ dài theo vạt suối nhỏ, lấp lánh vui tươi như ánh mắt của cô bé.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 15

"Gấu, Huy, bắt cua với bố không?", câu hỏi cất lên từ phía xa. Dù chưa nhìn thấy bố, Gấu và Huy đã reo lên đồng ý. Cá, cua, ốc... dòng suối mang về cho những đứa trẻ vô vàn điều kỳ thú.

Cua, cá đủ to thì được chế biến thành những món ăn trong bữa cơm của gia đình. "Có lần, chúng con bắt được 30 con cua to lắm, rồi Gấu chế biến, thế là trưa hôm đó cả nhà được thưởng thức", Huy tự tin kể về thành quả của mấy anh em.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 16

Gấu học lớp 3, bố mẹ gửi cậu vào trường Tiểu học Đông Xuân, một ngôi trường làng đúng nghĩa. Bạn học của Gấu là những trẻ em dân tộc Mường - chiếm phần đông dân số của khu vực này. Thế là từ ngày tới trường, Gấu cũng biết bỏ dép chạy chân đất, lăn lộn tới lấm lem quần áo, những điều mà trước đây cậu bé ít có dịp để làm.

Gấu biết "2.000 đồng ở Hà Nội mua được một cái kẹo mút. Còn ở đây con mua được một gói snack". Khi được hỏi thích ở nơi nào hơn, Gấu đắn đo mãi: "Ở đâu cũng có cái hay nhưng mà lúc dịch bệnh căng thẳng thì có lẽ ở trên đồi như này thích hơn ạ".

Quyết định về đây sinh sống và cho Gấu, Thỏ theo học trường làng, chị Hương, anh Hùng từng vấp phải sự phản đối của bố mẹ, bởi ông bà sợ chất lượng giáo dục sẽ giảm đi so với việc sống trong Hà Nội. Vợ chồng chị bàn bạc rồi sau đó mới đưa ra quyết định.

"Dạy con đôi khi không cần tới nhiều sách vở. Dạy con từ đời sống hàng ngày, cho con được làm, tiếp thu và nhận thức. Còn gì quý hơn là để con về gần với thiên nhiên, cho con được tự học, tự trưởng thành", chị Hương nói.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 21

Chục con cua lớn, nhỏ là thành quả của một buổi ra suối Gấu mang về cho mẹ. Huy, Gấu và mẹ nhanh chóng vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Gấu chiên cua, cắm cơm, Huy sơ chế đồ ăn, mẹ Hương nấu chính. Công việc được phân chia rõ ràng. Trong khi đó, Thỏ và bố Hùng đảm nhiệm việc phơi quần áo.

Quần áo cái còn móc thì treo, không còn thì vắt lên dây phơi một cách dân dã. Dàn phơi cũng do bố Hùng làm, căng từ hai đầu của phía bờ tường, không cầu kỳ. Là dân kiến trúc, đồ đạc, ngóc ngách trong nhà đều do anh Hùng tự làm. Đến cả ngôi nhà cũng một tay anh cất nóc, lợp sàn. Đó cũng là điều khiến lũ trẻ trong thôn trầm trồ thích thú. Chúng rỉ tai nhau: "Ai tới Đồng Bèn thì cũng qua thăm nhà chú Hùng, vì tất cả đều là chú ấy tự làm. Chú ấy tự làm cả cái nhà đó".

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 22
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 25

Khác với hai em, cậu anh cả Nhật Huy lại đang theo học Học viện Âm nhạc Quốc gia. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Huy nghỉ ở nhà, các môn văn hóa được chuyển sang học trực tuyến. Môn năng khiếu của cậu là guitar thì tự ở nhà ôn luyện rồi chơi nhạc kết hợp với Gấu.

Gấu được bố mẹ cho học chơi trống. Thỉnh thoảng chủ các homestay quanh vùng sẽ đặt lịch để Huy và Gấu tới đó biểu diễn. Mỗi lần như vậy, bố mẹ sẽ là người vận chuyển nhạc cụ, còn hai cậu lo nhiệm vụ làm chủ sân khấu. "Đi show vừa để luyện tay nghề, vừa kiếm tiền để tự lập hơn", Nhật Huy nói.

"Tự lập" là hai từ ấp ủ trong đầu cậu thanh niên mới lớn. Cũng bởi vậy khi bố Hùng cất xong ngôi nhà gỗ, Huy chủ động xin dọn ra đó. Ngôi nhà gỗ chỉ chừng 10 m2, nằm ngay trong vườn, cạnh xưởng làm việc của bố.

Thỉnh thoảng đây là chỗ tụ tập của cả 3 anh em. Phía trong, Huy để một chiếc bàn học nhỏ, chăn gối thì trải ra sàn. Bên ngoài là bậc thềm, có thêm vòi nước sinh hoạt bố Hùng lắp đặt. Đây cũng là nước được dẫn từ trên thác về, mát lạnh.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 28

15h, Huy đóng chiếc laptop, kết thúc buổi học văn hóa online.

- Gấu, đi thác không?

Tầm này nắng vẫn còn nên nóng nực. Thác nước trở thành nơi giải nhiệt lý thú cho cả hai cậu bé hiếu động. Sau cái gật đầu của Gấu, hai đứa chẳng nghĩ ngợi gì thêm, leo từ nhà gỗ xuống vườn rồi chạy một mạch ra phía bờ rào, men theo những con đường nhỏ.

Những bụi cỏ lớn, che cả lối đi dưới chân nhưng chẳng thể làm khó Huy và Gấu.

- Gấu, lối bên trái.

- Đoạn này cúi đầu xuống.

- Tránh bụi có gai kia ra kìa.

...

Huy cẩn thận ghi nhớ tất cả sau những lần lên thác, trở thành người dẫn đường đầy tin cậy. Gặp con dốc thoai thoải, Huy cẩn thận bám vào phần rễ cây chìa ra để tránh trơn. Còn Gấu đi theo sau anh trai, làm lại y hệt những động tác vừa trông thấy.

Dãy núi nhỏ là điểm tựa cho tổ ấm của gia đình 5 người, cũng là vùng đất cho những đứa trẻ như Huy, Gấu, Thỏ được mặc sức khám phá.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 31

Tiếng thác ngày một gần, trước mặt hai anh em dần hiện ra một khoảng nước lớn mà chúng gọi với nhau là "bể bơi". Hơi lạnh phả ra, dòng nước đổ xuống, bắn tung lên những giọt xối xả.

- Nhìn kìa, đến rồi.

Gấu reo lên rồi nhanh chóng lột chiếc áo phông ra, chẳng kịp đợi anh trai, cậu lao mình xuống dòng nước mát lạnh. Ngụp lặn một hồi mới ló lên mặt nước, Gấu cười sảng khoái. Không chần chừ thêm nữa, Huy cũng nhanh chóng bỏ áo, dép rồi nhảy xuống vui đùa với em trai.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 34

Sau ngày dài, những đứa trẻ trở về nhà khi trời đã chập choạng tối. Dùng bữa với bố mẹ xong, đứa nào cũng mệt nhoài. Ba anh em ngồi ra trước bậc thềm, bần thần nghĩ xem nên làm gì tiếp.

"Hay mình bê đàn ra vườn chơi, ngồi dưới gốc cây bố mắc đèn kia kìa", Thỏ nhanh nhảu với ý tưởng vừa nảy ra trong đầu. Còn gương mặt của Huy và Gấu thì sáng rực lên tỏ vẻ đồng ý. Vậy là trống, đàn guitar, ukulele được mấy anh em khệ nệ vác ra vườn.

Giữa khu vườn nhỏ, dưới gốc cây sáng đèn của bố, bản nhạc được cất lên bởi sự kết hợp của cả ba:

"Ông bà anh đưa nhau đi khắp phố xa

Bà ngồi trên gác baga chiếc xe đạp tróc sơn

Ông mua tặng bà anh một đóa hoa

Và đó là món quà đầu tiên...".

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 35

Trước lúc đi ngủ, Gấu nằm cạnh anh trai, thủ thỉ xem ngày mai nên chơi trò gì tiếp. Huy xoay qua, xoay lại rồi cố dỗ dành cho em ngủ sớm:

- Em thích chơi gì đã chứ?

- Hay là đá bóng, hôm nay mải đi thác nên không đá rồi.

- Cũng được nhỉ.

- Thế mai rủ cả Ong và mấy bạn xóm bên đấy được không?

- Ong à? Được, mấy lần trước đá không có Ong. Gấu ngủ đi, mai anh đưa sang rủ bạn ấy đi đá bóng.

Gia đình Ong cũng từ Hà Nội chuyển về Đồng Bèn sinh sống. Mắc hội chứng tự kỷ, Ong còn gặp khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc khi tức giận. Đó cũng là lý do thỉnh thoảng cậu bé không có mặt trong sân bóng.

Lâu lâu, đám nhỏ trong thôn lại kéo nhau qua rủ cậu bé đi chơi. Chẳng ai bảo ai, chúng tự hiểu được cảm xúc của người bạn đặc biệt ấy. Ý nghĩ về buổi hẹn ngày mai cứ thế quanh quẩn trong đầu Gấu rồi theo cậu bé chìm vào giấc ngủ.

Bên ngoài, trăng đã lên cao, sáng vằng vặc. Bầu trời thoáng đãng, lấp lánh sao và những cơn gió mang theo hơi sương phả vào căn nhà gỗ của đám trẻ trong một đêm tĩnh mịch, yên bình.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 36

Chuyện của Ong và chú mèo Ướt

- Ong này, em Gấu rủ con chiều nay đi đá bóng. Con thấy sao?

- Vâng, được mẹ ạ, con sẽ giành chiến thắng nhé.

Ong đáp lại câu hỏi của mẹ Thùy Linh một cách rành mạch trong khi tay còn mân mê với cuốn truyện tranh trên tay.

Hai năm 9 tháng là quãng thời gian chị Bạch Thùy Linh nhớ được từ khi gia đình chuyển từ nội thành Hà Nội về vùng ngoại ô này sinh sống, bắt nguồn từ lý do chuyển trường của Ong. Ong là cậu bé mắc chứng tự kỷ, việc tìm được một ngôi trường phù hợp cho con đôi khi trở thành vấn đề mà chị Linh và chồng trăn trở.

Ong theo học trường thuộc xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Để tiện cho việc tới trường hòa nhập của con, anh Dũng và chị Linh mua một khoảng đất đồi rồi san ra đặt móng, dựng nhà.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 37

Nhà Ong có nuôi đàn mèo, trong đó có một chú mèo rất thân thuộc với cậu bé, được đặt tên là Ướt. Mèo Ướt quen với cách bày tỏ tình cảm bằng những cái ôm hôn, ghì chặt trong lòng của Ong. Nó là con mèo duy nhất không bỏ chạy trước những cơn mưa cảm xúc ấy. Cứ thấy Ong ở đâu là có thêm chú mèo lẽo đẽo theo sau. Khi thì quấn dưới chân, lúc ở trong vòng tay rồi có khi trên vai, trên cổ.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 40

Ong thích đọc truyện tranh và chơi ghép hình. Bố mẹ chuẩn bị cho cậu những thùng chứa lớn để mỗi lần đọc truyện xong, con sẽ tự giác dọn dẹp, cất gọn mọi thứ. Mái hiên nhỏ trước cửa trở thành thư viện cho mỗi chiều khi cả Phong, Mai Hương, My My... và những đứa trẻ hàng xóm khác có mặt.

- Ong, cậu đọc tới đâu rồi.

- Vẫn là tập hôm qua, Phong nghe nhạc không?

Ong cắm tai nghe, một bên cậu đeo, bên kia đưa cho Phong rồi chúng quay vào nghiền ngẫm những cuốn truyện tranh đang cầm trên tay.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 43

Chị Linh trầm ngâm khi kể câu chuyện của Ong. Đôi khi vì một chút tiến bộ của cậu bé (thứ mà những đứa trẻ khác đã thành thạo từ rất lâu) như tự đi ngủ, kiềm chế cơn nóng giận, chị quá đỗi vui sướng.

Đôi lúc chị quên cả câu chuyện rằng con là trẻ, rồi đến khi một đứa trẻ khác bảo rằng chúng không chấp nhận con bạn vào chơi một trò đồng đội nữa, vì con bạn khi bị thua, bị trêu, bị lêu lêu thì dễ nổi nóng và xông vào động chân động tay với bạn khác. Chị cũng chạnh lòng.

Rồi chị lại nghĩ về quãng thời gian bên cạnh đồng hành cùng con với chứng tự kỷ đã ngót 8 năm. Có những lúc khó khăn gấp nhiều lần như vậy, chị lại gọi con về và kiên nhẫn tìm cách giúp con hiểu cách chơi đồng đội, về luật thắng thua… cho đến khi cậu bé sẵn sàng hòa nhập hơn.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 46

Trong câu chuyện của mẹ con Ong, chưa từng thiếu đi hình bóng xuất hiện của người bố - anh Dũng. Với chị Linh, anh Dũng vừa là chồng, vừa là người bạn tri kỷ đồng hành, hỗ trợ. Đam mê nấu ăn, những ngày rảnh rỗi, anh Dũng lại vào bếp cho hai mẹ con. Từ phở, xôi, lẩu... món nào cũng kỳ công nấu nướng.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 47

Trong thời gian nghỉ dịch, Ong tiếp tục học online. Thỉnh thoảng nhớ trường, Ong xin mẹ được chạy qua đó "thăm". Chỉ đứng dưới dốc, nhìn chiếc cổng trường khép hờ rồi lại vui vẻ chạy về.

Là giáo viên dạy tiếng Anh, chị Linh cũng thực hiện can thiệp trực tiếp với con. Đến nay, vốn ngôn ngữ của cậu bé cũng tiến bộ rất nhiều. Thỉnh thoảng, Ong qua nhờ các bạn hàng xóm quay giúp video để thuyết trình bằng tiếng Anh hoặc trực tiếp trò chuyện với mẹ.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 50
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 53

- Ong có nhà không cô Linh ơi?

- Có này các con, sang đây chơi.

Tiếng mấy đứa trẻ hàng xóm léo nhéo gọi. Nói là "hàng xóm" nhưng mỗi nhà một mảnh đồi, muốn chạy từ bên này qua bên kia chơi, chúng phải leo lên leo xuống vài con dốc. Câu trả lời của chị Linh đôi lúc chỉ mang tính "cho có" bởi chẳng đợi chị đồng ý, chúng đã réo nhau chạy một mạch sang đó. Đứa ngồi học tiếng Anh, đứa lại nằm bò ra giường lắp ghép hoặc đuổi nhau chạy quanh nhà.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 54
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 57

Cuộc sống của gia đình nhỏ tới nay có thể gọi là êm đềm dù những ngày tháng dài rộng sau này họ vẫn còn nhiều điều cần giải quyết. Nhưng rồi mọi thứ cũng ổn.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 58

Những buổi tối ở Đồng Bèn, khi nhà nhà đã cơm nước xong, mọi người tụ nhau lại tập hát. Những ông bố, bà mẹ cầm trên tay lời nhạc đã được in sẵn, phân chia đoạn rõ ràng. Những đứa trẻ như Gấu, Huy... cũng có mặt.

Hôm nay, chị Linh tiếp tục trong vai trò cô giáo thanh nhạc, đồng hành cùng cả làng với bài hát Chị ong Nâu phiên bản song ngữ Việt - Anh. Nền nhạc là bản phối guitar và trống của Huy và Gấu. Lời bài hát do chị Thùy Linh đảm nhận.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 59

22h, chị Linh cho Ong đi ngủ. Giấc ngủ đến với những đứa trẻ đặc biệt như Ong lúc nào cũng khó khăn bởi năng lượng hưng phấn quá cao. Chị chọn cách xoa dịu con bằng âm nhạc - những bài hát thiếu nhi song ngữ do chính chị thu âm.

Khi nhà văn làm mẹ, không gì hạnh phúc hơn được tự tay viết sách cho con mình đọc. Khi ca sĩ làm mẹ, điều tuyệt vời nhất là được hát, làm nhạc cho con mình nghe mỗi ngày. Những điều nhỏ bé ấy không tạo ra kết quả nhanh thần tốc như học toán, học văn, nhưng lại là những trái quả nhai lâu mới thấy rõ vị ngọt.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 64

Một ngày bên ngôi nhà tự tay thiết kế

Là kiến trúc sư, anh Tuấn Anh tự tay hoàn thiện bản thiết kế cho ngôi nhà của mình sao cho mộc mạc mà tiện nghi nhất. Phía trước hiên nhà là vạt cỏ chạy dài; góc trái hiên anh giữ nguyên cây đa cổ thụ đã sừng sững ở đó bao năm; bên phải là con đường nhỏ ôm trọn khu nhà, thẳng xuống sân bóng.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 65
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 68

Là người yêu thiên nhiên, cây cỏ, anh Tuấn Anh thuyết phục vợ là chị Thục Quyên cùng hai con chuyển về vùng ven sinh sống. "Lúc đầu, ý định của tôi chỉ là về sống gần thiên nhiên. Khi ấy, hai con là Anh Minh (Bin) đang học lớp 6 và Hà Vy lớp 8. Vấn đề lớn đặt ra cho cả nhà chính là việc học của bọn nhỏ", anh Tuấn Anh kể.

Điều mà anh cảm thấy may mắn là việc hai con thi đỗ học bổng của ngôi trường cách Đồng Bèn không xa; anh tìm được quả đồi "như trong mơ" để dựng nhà; bởi sự chan hòa của những người hàng xóm cũng vừa bỏ phố; và vì sự ủng hộ của cả gia đình.

Chuyển về đồi không bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Vy và Bin ở nhà học online. Lịch học của hai chị em có phần bận rộn, có những ngày phải tới 15h, cả hai mới bắt đầu rảnh tay.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 71

Trước vạt cỏ xanh rì, chị Quyên ngồi xuống, cảm nhận được mùi hương cây lá phảng phất quanh nhà, xen vào từng cơn gió mát mẻ của buổi chiều thu.

"Tự dưng thấy khỏe khoắn bao nhiêu", chị Quyên nói trong khi tay vuốt ve đàn chó con mới biết đi được vài hôm.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 76

Sau lúc nghỉ, anh Tuấn Anh lại bắt tay vào công việc. Chiều nay, anh dọn lại phần cỏ trong sân bóng, kịp để các con chơi cùng các bạn trong làng như đã hẹn trước. Rồi chặt một vài cành muồng đem trồng quanh đó.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc kiến trúc của anh ít hẳn đi. Anh trở về với khoảng đồi của gia đình, ngày nào cũng cùng hai người làm vườn lao động. Khi trồng cây, cuốc đất, lúc lại làm thêm bậc đá, nuôi gà... "Bỗng một ngày được làm anh nông dân, chẳng lo nghĩ gì, thật là sướng", anh cười sảng khoái.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 77
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 80

17h, quanh những con dốc lại í ới tiếng gọi nhau của đám trẻ con chuẩn bị qua sân bóng nhà Bin và Vy. Chúng nhanh nhập cuộc khi buổi chiều dần hết.

Mải miết cho tới khi hoàng hôn dần buông xuống, khi quanh vùng vọng lại tiếng mấy bà mẹ gọi con về ăn cơm, chúng mới chịu dừng trận đấu.

bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 81
bo pho ve que,  tre em Ha Noi anh 84

19h, lũ trẻ hối nhau về nhà cho kịp giờ cơm tối. Trước lúc ra về, Hà Vy cất tiếng hỏi Huy từ xa:

- Anh Huy, sau này thành nhạc sĩ, anh có viết nhạc về tụi mình không? Về những đứa trẻ ở Đồng Bèn ấy.

- Có, anh hứa!

Huy đáp lại chắc nịch rồi cùng Gấu và Thỏ ra về. Sau lưng là Vy, Bin và bố Tuấn Anh đang đứng chờ cho đám trẻ đi khuất.

Phía xa những ngọn đồi lúc này vẫn ửng lên một chút ráng. Vài công trình sáng đèn, làm việc tới đêm để kịp cho tiến độ xây dựng. Để không lâu nữa, vùng đất lưng đồi lưng núi ấy cũng sẽ đón thêm những đứa trẻ về.

Thạch Thảo

Bạn có thể quan tâm