Ngập lụt vẫn tiếp diễn tại 9 tỉnh/thành phố miền Bắc trong nhiều ngày tới. |
Sáng nay (13/9), lũ trên thượng lưu các sông miền Bắc đã giảm đáng kể, về dưới mức báo động 1 như sông Thao tại Yên Bái, Bảo Hà, Lào Cai, sông Lô tại Tuyên Quang. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp trên các dòng sông ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ.
Lũ trên sông Cầu tại Bắc Ninh đã đạt đỉnh với mực nước 7,79 m vào tối qua, trên báo động 3 là 1,49 m, chỉ cách 5 cm so với lũ lịch sử 1971. Lúc 1h sáng nay, lũ vẫn cao 7,74 m, trên báo động 3 là 1,48 m. Dự báo ngày và đêm nay, lũ trên sông Cầu giảm rất chậm, duy trì trên mức báo động 3.
Lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình vẫn duy trì mức cao dù đã qua đỉnh. Lúc 1h sáng nay, lũ tại Bến Đế (Ninh Bình) cao 4,88 m, trên báo động 3 là 0,88 m. Lũ rút rất chậm nên ngày và đêm nay, sông Hoàng Long vẫn trên báo động 3, là một trong những điểm nóng về lũ ở thời điểm hiện tại.
Sông Thương tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) lúc 1h sáng nay, lũ cao 7,06 m, trên báo động 3 là 76 cm. Dự báo ngày và đêm nay, lũ rút rất chậm và duy trì trên mức báo động 3.
Sông Lục Nam tại Lục Nam (Bắc Giang) lúc 1h sáng nay, lũ cao 6,32 m, trên báo động 3 là 2 cm. Dự báo ngày hôm nay, lũ chững lại và vẫn duy trì trên báo động 3. Từ đêm nay, lũ trên sông Lục Nam xuống dưới báo động 3 và trên báo động 2.
Trên sông Thái Bình tại Hải Dương, lũ cũng đang xuống chậm. Lúc 1h sáng nay, lũ trên sông Thái Bình tại điểm đo Phả Lại cao 6,17 m, trên báo động 3 là 17 cm. Dự báo ngày và đêm nay, lũ trên sông Thái Bình xuống dưới báo động 3, trên báo động 2.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đã giảm trong đêm qua. Tính đến 6h sáng nay, theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, mực nước lũ là 10,05 m, dưới báo động 2 là 45 cm, đồng thời giảm 1,32 m so với thời gian đạt đỉnh vào đêm ngày 11/9. Dự báo ngày và đêm nay, lũ trên sông Hồng xuống dần dưới mức báo động 1.
Với diễn biến lũ như trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo tình trạng ngập lụt còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Mực nước lũ lên cao, duy trì nhiều ngày cũng có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Miền Bắc đang trải qua một đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Tại Hà Nội, nước lũ trên sông Hồng lên cao nhất 20 năm qua, tại sông Thao ở Yên Bái, đỉnh lũ cũng vượt qua kỷ lục năm 1968. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Nguyên hứng chịu một đợt lũ lụt nghiêm trọng như vậy. Bắc Giang, lũ tương đương năm 1986, 2008, gây thiệt hại rất lớn. Tính đến trưa 12/9, mưa lũ đã khiến 327 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất đặc biệt to lớn.
Dự báo thời tiết hôm nay và ngày mai ở miền Bắc tạnh ráo, thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu nạn các vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở các địa phương. Tuy nhiên, vào chiều tối có thể xuất hiện các cơn dông cục bộ ở một số địa phương, gây mưa lớn trong thời gian ngắn.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.