Tháng 4/1997, huyện Nhà Bè được chia tách một phần để thành lập quận mới (quận 7). Bà Hồ Thị Phước (55 tuổi) khi đó quyết định bán khoảnh đất nhỏ ở Long An, gom hết tiền mua lại ngôi nhà ở hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát với mong ước đây sẽ là nơi an cư, lập nghiệp của gia đình.
Nhưng chỉ 3 năm sau, người phụ nữ cảm thấy hối hận với quyết định di cư của chính mình. Bởi từ đó đến nay, cuộc sống của gia đình 3 thế hệ bà Phước và hàng chục hộ dân cố cựu khác hoàn toàn bị đảo lộn vì cảnh nước ngập. Giữa một quận trung tâm phía Nam thành phố, bà Phước chưa bao giờ nghĩ phải rơi vào cảnh bì bõm lội nước ngay trong ngôi nhà của mình.
Cam chịu "sống chung với lũ"
3 tháng kể từ đợt triều cường đạt đỉnh hồi đầu tháng 8, con hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát vẫn ngập như dòng sông. Thế nhưng sau nhiều lần “gõ cửa” chính quyền lẫn cơ quan thoát nước đô thị quận, hàng chục hộ dân tại đây cho biết chỉ nhận lại sự im lặng kéo dài. Họ chỉ còn hai lựa chọn, một là tiếp tục nâng nhà, hai là “sống chung với lũ”.
Năm 2018, 3 mặt xung quanh hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát đều được cải tạo, nâng nền, đó là hẻm 749 Huỳnh Tấn Phát, tuyến Nguyễn Văn Quỳ, Huỳnh Tấn Phát (trục chính) nâng mặt đường, duy chỉ có hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát vẫn là vùng trũng.
Bà Phước cho biết dù đã nâng nền nhà lên 2 mét, xây thêm đê kè, mỗi khi đến đợt triều dâng, người phụ nữ vẫn chưa thôi rầu rĩ.
3 tháng cuối năm, mưa lớn cùng triều cường bắt đầu tăng dần. Bà Phước hàng ngày mở cửa rửa xe thuê từ sáng đến tối cũng không ai đến. “Nước ngập qua đầu gối thì ai dám lội vào đây rửa xe, mình ở nhà còn không thể bước ra huống hồ khách”, bà Phước chán nản cho biết sau 2 lần nâng nền lên 2 mét, người phụ nữ đã tự nhủ chấp nhận “sống chung với lũ”.
Ngập kéo dài hơn 3 tháng tại hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát, người dân chắn nước tạm bợ sau nhiều đợt nâng nền. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dù rút kinh nghiệm khi quyết định đắp nền cao hơn hẳn 1,1 m so với mặt đường, căn nhà khang trang của ông Võ Thanh Hùng (50 tuổi, người dân địa phương) cũng không thể tránh được những cơn “sóng” ập vào bất đắc dĩ. Còn với những người dân vãng lai, việc họ cố đưa những chiếc xe lành lặn rẽ nước vào con hẻm sẽ đều trở ra trong tình trạng chết máy.
“3 mặt xung quanh đều được nâng đường, trừ con hẻm 719, khiến nơi đây trở thành một lòng chảo trũng, hứng trọn mưa lẫn triều cường từ các nơi đổ về. Một cơn mưa có vũ lượng khoảng 100 mm cũng đủ làm nước ngập gần đến lưng quần”, ông Hùng ngán ngẩm.
Chuyển đến hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát đã 14 năm, ông Hùng chứng kiến hàng trăm người vội đến cũng vội đi. “Một số công ty thuê mặt bằng nhiều năm, họ sang sửa lại cả căn nhà, thế nhưng cũng không chịu đựng nổi mà ‘chạy mất dép’”, người đàn ông kể.
Dự án chống ngập bị lãng quên
Cách đường Huỳnh Tấn Phát hơn 8 km, tuyến đường ven sông Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương (quận 7) cũng là một trong những rốn ngập lâu năm của khu Nam TP.HCM. Những ngày triều cường đạt đỉnh, mực nước sông Sài Gòn dâng ngang mặt lộ. Không chỉ người dân vãng lai cảm thấy việc di chuyển bất tiện, những hộ kinh doanh nơi này cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Như ông Hùng, bà Phước hay nhiều hộ dân lâu đời khác trên đường Trần Xuân Soạn, họ đã thuộc lòng từng ngọn nước lên, xuống. Nhưng để thoát cảnh nước ngập, người dân nơi đây không thể cứ tiếp tục nâng nền, chắn đê. Thay vào đó, họ chờ đợi nhiều hơn về một giải pháp lâu dài để mỗi buổi sáng không phải lội nước đẩy xe đưa con đến trường và sinh hoạt không phải thu hẹp trong mỗi ngôi nhà của mình.
6 năm trước, người dân nơi đây vẫn hay nhắc về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng (dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu). Thế nhưng, lời cam kết hoàn thành của dự án bị dời lại 4 năm nay đã khiến những người dân không còn mặn mà khi kể đến. Giờ đây, mong ước đơn giản của họ chỉ là nước dù ngập sẽ nhanh rút.
Triều cường đạt đỉnh gây ngập nặng tại nhiều khu vực ở TP.HCM, khiến việc sinh hoạt, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Dự án chống ngập của thành phố đã bị lãng quên, còn chúng tôi phải gồng mình sống qua ngày trong cảnh ngập triền miên", ông Võ Thanh Hùng thở dài.
Công trình 10.000 tỷ được đầu tư với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Dự án khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại 3 lần. Đến nay, vướng mắc lớn nhất vẫn là dự án chưa được thống nhất phương án thanh toán cho nhà đầu tư.
Hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát vẫn mênh mông nước sau 3 tháng kể từ đợt triều cường lịch sử hồi tháng 8. Ảnh: Văn Minh. |
Tháng 4/2021, Chính phủ chấp thuận cho thành phố làm tiếp dự án theo cơ chế đặc thù nhằm tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND TP.HCM được yêu cầu hoàn thành dự án đúng quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Tuy nhiên, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký. Chỉ riêng một năm dự án tạm dừng, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi... đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.
Nhìn nhận không thể chậm trễ hơn nữa, hồi tháng 6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều tại TP.HCM phải hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng vào chậm nhất năm 2023.
Một, hai, thậm chí nhiều năm hơn nữa để hoàn thành dự án với thành phố chỉ là một cột mốc, nhưng với bà Phước, ông Hùng và hàng trăm hộ dân khác đang khổ sở sống giữa dòng nước ngập, đó có thể là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của họ.
Mục Xã hội gửi đến độc giả gợi ý về một số tác phẩm hay, tin tức xuất bản về chủ đề đô thị. Xem tại đây.