Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ngành xuất bản Malaysia đứng vững trước đại dịch

Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia cho biết yếu tố lớn nhất giúp phục hồi ngành sách ở nước này là sự đón đầu xu hướng trên các sàn thương mại điện tử.

Năm 2020, Kuala Lumpur được vinh danh là "Thủ đô sách thế giới", đưa Malaysia trở thành quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á nhận danh hiệu này.

Cũng trong năm qua, doanh thu ngành xuất bản Malaysia đạt khoảng 121 triệu USD. Sự nỗ lực phát triển văn hóa đọc cũng như việc tận dụng lợi thế của công nghệ kỹ thuật số đã giúp các đơn vị xuất bản, phát hành sách ở đây đứng vững trước đại dịch.

Ông Arief Hakim Sani Rahmat - Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia - chia sẻ thực trạng toàn ngành và kinh nghiệm phục hồi tổn thất nhờ chuyển đổi số.

Nganh xuat ban Malaysia anh 1

Ông Arief Hakim Sani Rahmat. Ảnh: NVCC.

Điểm sáng trong đại dịch

- Thực trạng ngành xuất bản Malaysia ra sao trong đại dịch, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn bộ chuỗi cung ứng sách từ các xưởng in, nhà xuất bản đến hiệu sách thực địa của chúng tôi.

Hầu hết hội sách trong nước đã không thể diễn ra kể từ đầu năm ngoái. Rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện về sách đã mất việc. Doanh thu từ các hiệu sách cũng sụt giảm vì các đợt đóng cửa.

Năm 2020, hơn 30 nhà sách của chúng tôi phải đóng cửa, và năm nay, con số này là gần 20. Trước đại dịch, chúng tôi có hơn 200 đơn vị xuất bản, công ty sách và ở thời điểm hiện tại, chỉ còn lại 160.

Song, chúng tôi vẫn nhìn thấy một số điểm sáng. Doanh số bán sách từ các sàn thương mại điện tử đã có bước nhảy vọt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Độc giả đã có phản hồi tích cực với những tựa sách hay. Điều đó cho thấy sách có nội dung tốt vẫn bán chạy ngay cả khi đang ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng.

Đặc biệt, mảng sách giáo dục cũng tăng mạnh, chứng tỏ phụ huynh vẫn luôn quan tâm đầu tư giáo dục cho con em mình.

- Trước những thách thức của đại dịch, ngành xuất bản có nhận được sự trợ giúp về ngân sách, thưa ông?

- Hầu hết đơn vị làm sách của chúng tôi đã trải qua quá trình cắt giảm chi phí và tái cấu trúc để tồn tại trước cú sốc thị trường.

Chính phủ cũng tung ra một số gói hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), như tạm hoãn cho vay, trợ cấp tiền lương, trợ cấp các khoản vay ưu đãi. Phần lớn đơn vị làm sách của chúng tôi đều đủ điều kiện để nhận gói hỗ trợ này. Điều đó giúp giảm bớt căng thẳng về dòng tiền của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gửi các đề xuất cho Ngân sách Quốc gia 2022. Hy vọng một số đề xuất đó sớm được chuyển thành chính sách đưa vào thực thi.

Yếu tố lớn nhất giúp phục hồi ngành sách, theo tôi, chính là sự đón đầu nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử. Cũng vì thế mà Hội chợ sách quốc tế Kuala Lumpur năm qua đã chuyển thành hội chợ sách trực tuyến.

- Ngành xuất bản Malaysia đã và đang làm gì để hoàn thành sứ mệnh của "Thủ đô sách thế giới"?

- Khi UNESCO công bố Kuala Lumpur là "Thủ đô sách thế giới" năm 2020, điều đầu tiên chúng tôi làm là hợp tác chặt chẽ với Tòa thị chính Kuala Lumpur. Ban thư ký của "Thủ đô sách thế giới" được thành lập. Chúng tôi là những người lập kế hoạch, chiến lược và giám sát việc thực hiện toàn bộ chương trình.

Chúng tôi được chỉ định liên lạc trực tiếp với UNESCO và các đối tác quốc tế khác của "Thủ đô sách thế giới" để đảm bảo mọi hoạt động đều chạy trơn tru. Đây cũng là cơ hội để thế giới nhìn thấy nỗ lực của ngành công nghiệp sách Malaysia.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức một số hoạt động, như Lễ trao giải Sách Malaysia năm 2020 (lần đầu tiên được tổ chức, thu hút 522 đề cử đến từ 99 nhà xuất bản) và 650 sự kiện lớn, nhỏ khác theo hình thức trực tuyến.

"Người điều hành" chuyển đổi số

- So với sách giấy, ebook và audio book liệu có phải hướng đi bền vững hay không, thưa ông?

- Hiện tại, chúng tôi có hơn 30.000 bản ebook. Con số này hiện chỉ bằng tổng số sách được xuất bản trong khoảng hai năm (vì chúng tôi có 17.000 đầu sách mới hàng năm). Rõ ràng, một “danh mục sách khổng lồ” vẫn chưa được chuyển đổi sang ebook.

Ebook thực sự tạo sức hút rất tốt. Trên thực tế, kể từ khi đại dịch bắt đầu, báo cáo từ Thư viện Quốc gia cho thấy một sự tăng vọt về hoạt động của định dạng này. Cụ thể, nhu cầu đọc ebook của độc giả đã vượt sách giấy. Xu hướng này dự kiến còn tiếp diễn.

Tôi tin rằng thời “hậu Covid-19”, chúng tôi sẽ chứng kiến một bước chuyển lớn đối với thư viện, trong đó sách ở định dạng kỹ thuật số sẽ là dịch vụ chính.

Về mặt bán lẻ ebook, thể loại sách khoa học viễn tưởng thực sự lên ngôi. Tiểu thuyết điện tử cũng được ưa chuộng và tìm đọc nhiều trong mùa dịch.

Đối với các thể loại khác, tôi nghĩ vẫn còn nhiều khoảng trống hy vọng về sự bứt phá trong tương lai.

Hiện tại, thị trường audio book của chúng tôi còn hạn chế. Chi phí chuyển đổi âm thanh là trở ngại lớn đối với các nhà xuất bản. Ở khía cạnh này, chúng tôi mong sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư hơn nữa từ Chính phủ.

- Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu. Ngành xuất bản Malaysia thực thi “mệnh lệnh” đó như thế nào?

- Người ta nói rằng Covid-19 là “người điều hành” chuyển đổi số. Và ở góc độ nào đó, chúng ta phải thừa nhận điều đó là sự thật.

Đại dịch đã thúc đẩy việc chuyển đổi số ở mọi cấp độ. Bạn có thể thấy các tác giả, nhà tự xuất bản, đơn vị xuất bản thương mại, cửa hàng sách và người bán sách trực tuyến đang tích cực quảng bá sách trên môi trường số trong thời gian qua và nhận được kết quả khả quan.

Việc học online tại nhà sẽ là tiền đề để ebook, audio book và truyện tranh trực tuyến tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Ông Arief Hakim Sani Rahmat

Ở Malaysia, các hội sách trực tuyến được tổ chức hàng tháng. Sau các sự kiện online về sách sẽ đến bước chuyển đổi nội dung ở định dạng kỹ thuật số.

Việc học online tại nhà sẽ là tiền đề để ebook, audio book và truyện tranh trực tuyến tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

- Trước đây, tỷ lệ sách bình quân mỗi người Malaysia đọc là 5 cuốn. Con số này hiện tăng lên thành 15 cuốn/người/năm. Ngành xuất bản Malaysia đã làm gì để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển nhanh đến vậy?

- Tôi tin rằng trước hết, đây là kết quả của việc người dân ngày càng tăng thu nhập.

Lý do tiếp theo nằm ở việc chúng tôi đã nỗ lực thực hiện hai chương trình khuyến đọc có quy mô lớn. Đầu tiên là chương trình khuyến đọc có hệ thống ở nhà trường. Thứ hai là chiến dịch đọc sách trên toàn quốc. Hai chiến dịch này đã tạo nền tảng vững chắc trong việc khuyến khích người dân đọc sách.

Chính sách về thuế cũng là một lợi thế. Trước đại dịch, Chính phủ đã cung cấp các khoản giảm thuế thu nhập cá nhân lên đến RM1000 (khoảng 250 USD) cho việc mua sách. Điều này thúc đẩy người dân mua sách nhiều hơn. Tiếc là sự hỗ trợ này đã bị giảm đi một vài năm trở lại đây. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ hỗ trợ trở lại, vì nó thực sự thúc đẩy việc đọc và học suốt đời của người dân.

Sau nhiều lần hợp tác, tôi tin rằng ngành xuất bản Việt Nam đang trên đà dẫn đầu trong khu vực các nước Đông Nam Á. Việt Nam có thị trường nội địa lớn, sự đầu tư cho giáo dục và con người ngày càng tăng.

Điểm mạnh của các bạn là sự đón đầu công nghệ của các nhà xuất bản trong nước. Các bạn có thể bắt đầu bằng việc phát hành sách trên các sàn thương mại điện tử và tận dụng việc quảng bá sách trên môi trường số.

Chúng tôi mong sớm được nghe thấy những câu chuyện chuyển đổi số tích cực từ các nhà xuất bản Việt Nam.

Hội Xuất bản Malaysia có ban lãnh đạo mới

Đại hội thứ 52 Hội xuất bản Malaysia MABOPA vừa kết thúc sáng nay, 29/5/2021. Một trong các công việc của phiên họp là bầu ra ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2021-2023.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm