Theo báo cáo tổng kết năm 2021 và định hướng năm 2022, Bộ Xây dựng nhìn nhận đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến ngành bất động sản. Hầu hết dự án trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Theo đó, cơ quan này đã kiến nghị hỗ trợ cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội (bao gồm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân khu công nghiệp), chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại trong gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại 40.000 tỷ đồng.
Đồng thời để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ đề xuất giảm 50% mức thu, nộp lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, phí thẩm định thiết kế xây dựng, thẩm định dự toán xây dựng.
Có tín hiệu phục hồi
Kể từ đầu tháng 10, các địa phương dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, ngành xây dựng cũng ghi nhận sự phục hồi khi giá trị tăng thêm trong quý cuối năm dự kiến tăng 33% so với quý III.
Trong đó hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dận dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%. Có sự tăng trưởng khá trong quý IV nhưng do ảnh hưởng các tháng đầu năm nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 dự kiến chỉ tương đương so với năm ngoái.
Ngành xây dựng bắt đầu có tín hiệu phục hồi trong quý IV. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chỉ số giá xây dựng trong năm 2021 ước tăng 3,65% so với năm trước. Trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng mạnh 30-40%; giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%...
Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản chỉ đạo thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập và điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.
Từ đó, Bộ đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, nhất là từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công. Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.
Tình hình sản xuất kinh doanh của 7 tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng nhìn chung đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch. Doanh thu ước đạt 55.950 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và chỉ bằng 94% so kế hoạch năm. Tuy nhiên tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.793 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ và đủ hoàn thành kế hoạch năm.
Tổng giá trị đầu tư (công ty mẹ) ước đạt 5.498 tỷ đồng, tương đương 82% so kế hoạch năm 2021, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2020.
Về công tác giải ngân đầu tư công, Bộ Xây dựng được hoạch định vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm nay là 671 tỷ đồng và đã hoàn thành giao chi tiết, thông báo kế hoạch đến từng chủ đầu tư.
Giá trị lũy kế giải ngân vốn công đã được phân bổ đến ngày 20/11 trong đợt đầu đạt mức 162,6 tỷ/317,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 64,2%. Đợt 2 (được Thủ tướng giao ngày 15/9) đã tiến hành giải ngân 12,7 tỷ/418 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,04%.
Tập trung phát triển nhà ở xã hội
Bước sang năm 2022, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng đạt khoảng 4,96-5,56%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc vào mức 41,5-42%.
Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%.
Về công tác cổ phần hóa, Bộ cho biết sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp tại 2 tổng công ty là VICEM và HUD. Bộ sẽ thẩm định nội dung phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đối với LILAMA và COMA87.
Đồng thời Bộ cũng tiếp tục thực hiện thoái vốn theo lộ trình giai đoạn 2021-2023 tại Tổng công ty Sông Hồng và Tổng công ty Viglacera; chuyển giao quyền đại diện tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội sang SCIC.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết ngành xây dựng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá.
Thứ nhất là hoàn hiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Cụ thể, tập trung lập hồ sơ đề xuất xây dựng một số luật mới bao gồm Luật quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước, Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014...
Thứ hai là tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Trong đó nhanh chóng nghiên cứu và đề xuất Luật Quản lý phát triển đô thị, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu.
Cuối cùng là đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Chi tiết là triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Đồng thời bám sát Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 để kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp, tăng cường hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng.
Theo dõi việc triển khai Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Mục tiêu phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.