Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: 'ĐBSCL thiệt thòi về cả đầu tư và nhân lực'

ĐBSCL cần dành đủ nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng với TP.HCM, thu hút đầu tư trong, ngoài nước và tạo môi trường, mức lương phù hợp để thu hút lao động.

Chiều 17/12, tại Diễn đàn liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Connect) năm 2021 với chuyên đề Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng điểm yếu của ĐBSCL là chưa có địa phương đứng ra chỉ huy và thiếu sự liên kết chặt chẽ.

"Thực tế, sự hợp tác chưa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương", ông nhìn nhận.

Ông Nghĩa nhấn mạnh TP.HCM rất cần ĐBSCL và ngược lại. "Chuỗi cung ứng của ĐBSCL trong thời gian qua đã cung cấp cho TP.HCM thông qua các siêu thị. Ngược lại, TP.HCM đã hỗ trợ dịch vụ, nhân lực có trình độ cao cho ĐBSCL", ông nói.

Các doanh nghiệp phải tự liên kết

Nhắc lại thời điểm tháng 6-9 vừa qua khi hệ thống chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết: "ĐBSCL không tiêu thụ được nông sản trong khi tại TP.HCM, người dân khó tiếp cận được, giá tăng đột biến. Đây là mối quan hệ hữu cơ".

Về lao động, đã có đến 420.000 người lao động từ TP.HCM về các tỉnh, riêng An Giang là 120.000 người. "Trong khi các tỉnh đang đau đầu với bài toán giải quyết công ăn việc làm cho số người này thì tại TP.HCM, các doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng. Như vậy, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL là mối quan hệ hữu cơ và cộng sinh chặt chẽ", ông nhìn nhận.

lien ket vung dbscl voi tphcm anh 1

Yêu cầu liên kết vùng TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL ngày càng cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: BSA.

Theo ông, nếu chỉ dừng lại ở hệ thống quản lý nhà nước thì chưa đủ mà doanh nghiệp mới là chất xúc tác để liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. "Các doanh nghiệp phải kết nối với nhau thông qua các chương trình hợp tác, khi đó hệ thống quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo sân chơi cho doanh nghiệp", ông Thư nói.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho rằng hiện nay thói quen của người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối đã hoàn toàn thay đổi. "Họ chú trọng các sản phẩm thiết yếu thay vì không thiết yếu, các sản phẩm cao cấp chuyển sang sản phẩm bình dân hơn", ông nói.

Do đó, ông Đức cho rằng qua những bài học, liên kết địa phương cần có nhìn nhận khác. Đồng thời, chính sách giữa các Bộ ngành cần có sự tương hỗ, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn. Bản thân Saigon Co.op tiếp cận những chính sách phục hồi kinh tế còn khá mơ hồ.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng đề nghị cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp như có những mô hình, vựa, sàn giao dịch ĐBSCL thu hút các sản phẩm của tất cả các tỉnh thành. "Các doanh nghiệp cần có sự chủ động bắt tay, cởi mở để các điểm kết nối có sự hoàn chỉnh trong thời gian tới", ông nhìn nhận.

Làm sao để người lao động không di cư đến các tỉnh khác?

Tại chuyên đề nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ - cho biết hiện nay dân số toàn vùng ĐBSCL là 17,3 triệu người. So với các vùng khác trên cả nước, vùng châu thổ này có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất và là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số 0,0%.

"Hiện nay, tình trạng ĐBSCL thiếu nhân công trong ngành nông nghiệp trầm trọng. Ở Đại học Cần Thơ muốn làm thí nghiệm, nhưng trả 350.000-400.000 đồng cũng không tìm được người làm", ông chia sẻ.

Thậm chí, nhiều khu vực, đa số người dân là phụ nữ đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc và lao động trong các nhà máy rất thiếu hụt. Điều này khiến ĐBSCL rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

lien ket vung dbscl voi tphcm anh 2

Đô thị của vùng ĐBSCL không phát triển nên chưa tạo nhiều giá trị kinh tế gắn với việc làm nên dẫn đến tình trạng di cư rất lớn. Ảnh: Duy Hiệu.

TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hoá Việt Nam - ĐBSCL là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt. "Đây vừa là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước. Nhưng hiện nay, ĐBSCL lại là khu vực chịu thiệt thòi nhiều nhất về sự đầu tư lẫn nguồn nhân lực", ông nhìn nhận.

Theo ông Quân, nguồn nhân lực cho ĐBSCL còn nhiều khó khăn. "Trong số hơn 17 triệu người ở ĐBSCL, tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học là rất thấp. Thậm chí thấp hơn vùng Tây Nguyên và Tây Bắc", ông nói và cho rằng việc công nghiệp hóa ở các tỉnh ĐBSCL thời gian tới sẽ rất khó khăn.

Để phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL, ông cho rằng điều quan trọng là cần có môi trường làm việc, thu nhập để lao động gắn bó với quê hương.

Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Công ty Talentnet - cho rằng cần có chiến lực thu hút người tài, chiến lược phát triển nguồn nhân lực nội tại và chiến lược "mượn" nhân tài. "Nói về chiến lược thu hút người tài, cần tạo câu chuyện để họ tự hào, xây dựng nâng cấp điều kiện an sinh xã hội và đặc biệt cần có mức lương thưởng phù hợp", bà nói.

TP.HCM muốn đẩy mạnh liên kết với ĐBSCL

Mong muốn này càng trở nên cần thiết hơn sau đại dịch, khi TP.HCM chứng kiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm