Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ngành xây dựng lại đổi ngôi vương

Ba năm trở lại đây, ngành xây dựng dân dụng không còn là cuộc đua của riêng Hòa Bình (HBC) và Coteccons (CTD), khi đế chế mới của ông Nguyễn Bá Dương ngày càng khẳng định vị thế.

nganh xay dung anh 1

Bất chấp hàng loạt khó khăn lớn trên thị trường, báo cáo tài chính năm 2022 của các nhà thầu xây dựng vẫn cho thấy sự phục hồi doanh thu mạnh mẽ, với 4 vị trí hàng đầu thuộc về Coteccons, Hòa Bình, Ricons và Newtecons.

Dù vậy, những con số doanh thu trên 11.000 tỷ đồng chưa phải chỉ số thể hiện rõ nhất bức tranh thị trường lúc này.

Dẫn đầu doanh thu nhưng bị bỏ xa về lợi nhuận

Trong năm qua, Coteccons thu về 14.537 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 60% so với năm tài chính 2021. Kết quả tích cực đưa nhà thầu này trở lại ngôi vương ngành xây dựng xét về quy mô doanh số, sau một năm 2021 bị Hòa Bình vượt mặt.

Tuy nhiên, với các khoản phải thu vượt 11.600 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho cũng tăng gần 70%, Coteccons vẫn tiếp tục trượt dài lợi nhuận với mức đáy mới 21 tỷ đồng. Khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi tính đến cuối năm 2022 lên đến hơn 1.049 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh đồng thời âm đến 1.626 tỷ đồng, trong khi năm trước đó dù chật vật vẫn dương 421 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản nợ cũng tiếp tục tăng 60%, lên đến gần 10.751 tỷ đồng, trong đó hơn 10.224 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.

BIẾN ĐỘNG DOANH THU TẠI MỘT SỐ CÔNG TY XÂY DỰNG DÂN DỤNG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Nhãn 2018 2019 2020 2021 2022
Hòa Bình Tỷ đồng 18299 18610 11225 11356 14123
Coteccons
28561 23733 14558 9078 14537
Ricons
9306 8752 7955 8093 11384
Hưng Thịnh Incons
4061 3681 4552 6164 5465

Diễn biến tương tự cũng đang xảy ra với Hòa Bình, thậm chí nặng nề hơn. Dù doanh thu thuần tăng hơn 24% và chỉ để thua Coteccons khoảng 400 tỷ đồng, Hòa Bình vẫn báo lỗ ròng hơn 1.140 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên nhà thầu xây dựng này báo lỗ kể từ khi niêm yết.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Hòa Bình lên đến gần 17.000 tỷ đồng, nhưng hơn 70% số này là các khoản phải thu ngắn hạn. Khó khăn của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp nâng mức trích lập dự phòng từ 369 tỷ đồng cuối năm 2021 lên 774 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả vượt 14.280 tỷ đồng, với nợ vay ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Lưu chuyển tiền thuần cả năm của công ty cũng âm hơn 200 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức dương 490 tỷ đồng năm 2021.

Tại thời điểm 31/12/2022, Hòa Bình có 493 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 33% sau một năm và chưa bằng một nửa lượng tiền và tương đương tiền của Coteccons.

BIẾN ĐỘNG LỢI NHUẬN TẠI MỘT SỐ CÔNG TY XÂY DỰNG DÂN DỤNG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Nhãn 2018 2019 2020 2021 2022
Hòa Bình Tỷ đồng 621 406 84 97 -1141
Coteccons
1510 711 335 24 21
Ricons
431 360 251 80 91
Hưng Thịnh Incons
183 187 357 241 88

Trong lúc này, Ricons cùng đế chế mới của ông Nguyễn Bá Dương lại vươn lên mạnh mẽ. Theo các báo cáo tài chính do Ricons tự công bố, năm 2022 là lần đầu tiên doanh thu nhà thầu này vượt 11.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng doanh thu từ các hợp đồng xây dựng đã đạt gần 11.218 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu.

Dù chi phí lãi vay tăng mạnh nhưng vẫn ở mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành, đồng thời chi phí quản lý được kiểm soát tốt nên lợi nhuận sau thuế của Ricons vẫn tăng 13% lên 91 tỷ đồng. Đây là con số lãi ròng cao nhất ngành xây dựng trong năm qua.

Trong một sự kiện mới đây, đại diện Newtecons cũng khẳng định cột mốc 5 năm tăng trưởng liên tiếp với doanh thu năm 2022 vượt 11.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Nếu vậy, ông Nguyễn Bá Dương đã góp 2 trong 4 cái tên lớn nhất ngành xây dựng.

Trước đó, vị này cũng tuyên bố toàn hệ sinh thái gồm các công ty Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB đã tạo nên doanh thu hơn 1 tỷ USD trong năm 2022.

Trong khi đó, Hưng Thịnh Incons dù lần lượt giảm 11% doanh thu thuần và 63% lợi nhuận sau thuế nhưng vẫn về nhì trong cuộc đua lãi ròng. Năm tài chính 2022 đem về 5.465 tỷ đồng doanh thu thuần và 88 tỷ đồng lãi sau thuế cho công ty xây dựng này.

Những tham vọng cho năm 2023 nhiều khó khăn

Bước sang năm 2023, Coteccons lẫn Ricons, Newtecons đều đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng.

Trong cuộc đối thoại cùng cổ đông hồi giữa tháng 1, ban lãnh đạo Coteccons cho hay đang thảo luận và đặt ra những con số thận trọng cho năm nay dựa trên giá trị hợp đồng để lại (backlog) khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu tăng 10-20% so với kế hoạch năm 2022.

Hiện nhà thầu này đang triển khai khoảng 65 dự án khắp cả nước, nổi bật có nhà máy Lego, nhà máy Vinfast, Diamond Crown tại Hải Phòng, Ecopark...

Đối diện với nguy cơ nợ xấu, từ năm ngoái doanh nghiệp đã thành lập hội đồng thu hồi nợ và ban quản trị rủi ro để định kỳ đánh giá nợ xấu trên cơ sở sức khỏe tài chính của chủ đầu tư và tình hình vĩ mô của thị trường, từ đó trích lập dự phòng những khoản nợ khó đòi.

Để hạn chế tình trạng khách hàng chậm trả, chiếm dụng vốn trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov cũng cho biết sẽ phát triển các nhóm khách hàng ít nguy cơ như những chủ đầu từng hợp tác, các dự án FDI và các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh như Vingroup, Sungroup, BIM Group, Ecopark, Doji Land...

nganh xay dung anh 2

Một số doanh nghiệp xây dựng vẫn kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay dù thị trường chung được dự báo nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, với dự báo năm nay sẽ có nhiều khó khăn chung của cả thị trường, ban điều hành Newtecons đặt ra mục tiêu đạt kết quả kinh doanh như năm 2022. Nhưng nhà thầu này vẫn khẳng định nếu thị trường có chuyển biến tích cực sẽ hướng đến mục tiêu tăng trưởng hơn 10% so với năm ngoái.

Còn tại Ricons, dựa trên nguồn việc sẵn có và các cơ hội khác, ông Nguyễn Bá Dương thậm chí nhấn mạnh "năm 2023 vẫn sẽ là một năm tràn đầy hy vọng, khởi sắc".

Với Hòa Bình, dù chưa có công bố mục tiêu cụ thể nào nhưng từ đầu năm đến nay, bất chấp những biến động thượng tầng, ông lớn này vẫn có nhiều động thái mới nhằm "giải nguy" cho mảng dân dụng.

Gần nhất, doanh nghiệp một lần nữa khẳng định theo đuổi chiến lược "xuất khẩu xây dựng" thông qua việc hợp tác với Công ty Keystone để xây dựng 5 dự án mà Keystone sẽ đầu tư phát triển tại California và Oregon (Mỹ). Hai bên cho biết sẽ phát triển tiếp những dự án xây dựng nhà ở và thương mại, công nghiệp tại Mỹ, cũng như hướng đến quy mô toàn cầu.

Mặt khác, Hòa Bình cũng tỏ rõ mục tiêu lấn sân mạnh hơn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khi một công ty con vừa trở thành nhà thầu liên danh thi công dự án 1 của tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa.

Mảng hạ tầng cũng từng được Coteccons nhắc đến nhiều lần trước cổ đông nhưng chưa có động thái cụ thể.

Dựa trên định hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, cũng như tham chiếu vào các khoản lãi lớn của những doanh nghiệp ngành này như Cienco 4 hay CII trong năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là "miếng bánh" mới cho Hòa Bình và Coteccons trong năm nay.

Xây dựng Hòa Bình lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng

Kinh doanh dưới giá vốn cùng việc tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, trong khi vẫn phải gánh lỗ từ việc bán các khoản đầu tư khiến Xây dựng Hòa Bình lần đầu báo lỗ.

Coteccons bác tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng

Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) Cao Thị Mai Lê khẳng định vẫn định kỳ đánh giá nợ xấu và hầu như đã trích lập dự phòng đầy đủ.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm