Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Ngành ngoại giao không phạm sai lầm về tham mưu’

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, để phục vụ phát triển kinh tế, ngoại giao đã không phạm sai lầm về đề xuất, tham mưu chính sách. Nhưng việc thực hiện là một vấn đề.

Trước thềm Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với báo giới:  

Đã qua rồi giai đoạn phát triển quan hệ đối ngoại theo chiều rộng, mà giờ cần mở rộng những biện pháp hiệu quả thực chất, làm sâu sắc các quan hệ và nâng cao hiệu quả các cơ chế, khuôn khổ hợp tác đã tạo dựng.

Ngoại giao tập trung để phát triển kinh tế. Các cán bộ ngoại giao sẽ bàn biện pháp cụ thể, không chỉ tham mưu cho Chính phủ về tình hình bên ngoài, đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế trong nước mà còn phải tạo thuận lợi cho các ngành, nghề trong nước, doanh nghiệp và người dân tiếp cận ra bên ngoài. Nói cách khác là mở rộng tiếp cận thị trường, để xuất khẩu hàng hóa Việt, giới thiệu và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực quan tâm: công nghệ cao, công nghiệp sạch.

Biển Đông: chiến tranh là ngược xu hướng thời đại

- Ông đánh giá thế nào về khả năng Trung Quốc leo thang ở Biển Đông nếu các bên liên quan không có động thái đủ mạnh mẽ? Nhiều người lo ngại về khả năng xung đột sẽ dẫn tới chiến tranh quy mô lớn với sự tham gia của nhiều nước.

Biển Đông không phải vấn đề của riêng các nước trong khu vực khi đây là tuyến đường hàng hải lớn trên thế giới. Bất cứ vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông sẽ chặn tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng.

Biển Đông có tranh chấp giữa các nước trong khu vực. Việc giải quyết phải do các bên trực tiếp liên quan, thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đó cũng là yêu cầu của các nước khác khi họ không thể tham gia giải quyết vấn đề chủ quyền giữa các quốc gia với nhau.

Việc để xảy ra leo thang chiến tranh sẽ là trách nhiệm của nước đó. Xung đột đến mức xảy ra chiến tranh là đi ngược xu thế của thời đại: ngăn chặn chiến tranh, kiếm chế và tự kiềm chế trong khuôn khổ.

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đều kêu gọi các bên kiềm chế. ASEAN cũng nêu lo ngại sâu sắc về tình hình không được kiểm soát, đề nghị các bên kiểm soát hành động, không để va chạm, xung đột khu vực. Nếu xung đột xảy ra, hậu quả không lường trước được.

Hiện ASEAN đang tiếp tục cùng Trung Quốc thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC. Vừa qua trong cuộc họp với ASEAN, Trung Quốc cũng nói cố gắng hình thành bộ khung cho COC vào năm 2017. Các nước đều có trách nhiệm, nước càng lớn càng có trách nhiệm lớn.

Trong tình huống có chuyện xảy ra, cộng đồng quốc tế là nơi lên tiếng để phản đối chiến tranh.

Lỡ cơ hội do Cộng đồng ASEAN mang lại

- Năm 2016 kỷ niệm 30 Đổi mới của Việt Nam, đặc biệt là đổi mới kinh tế. Ngoại giao đóng góp gì trong tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế ấy? Và bên cạnh các thành tựu không phủ nhận, trong đối ngoại Việt có sai lầm hoặc vấp váp nào cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới?

Ngoại giao có chức năng: dẫn dắt, mở đường, tìm hiểu cơ hội, tham mưu, đánh giá tình hình thế giới, khu vực, thấy xu hướng các nước muốn thúc đẩy hợp tác khu vực, liên khu vực. Đó là đóng góp đầu tiên của ngoại giao trong đổi mới: tham mưu chính sách. Quan hệ kinh tế phải trên cơ sở quan hệ chính trị, tạo dựng lòng tin chính trị dẫn tới thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại.

Pho thu tuong Pham Binh Minh anh 1
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời báo giới trước thềm Hội nghị Ngoại giao.

Chúng ta có 69 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, với nhiệm vụ xây dựng quan hệ chính trị với nước sở tại, làm nền tảng cho quan hệ ở các lĩnh vực. Các cơ quan đại diện cũng tham mưu chung để hoạch định chính sách, kiến nghị các thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam, tìm hiểu nhu cầu các nước với sản phẩm của chúng ta. Ngoại giao cũng vận động công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để có thể tận dụng các cơ chế bình đẳng do các hiệp đương thương mại tự do FTAs mang lại.

Hội nghị Ngoại giao được tổ chức 2 năm/ lần trong khi tình hình diễn biến nhanh. Hội nghị lần này diễn ra đúng vào dịp sau Đại hội Đảng XII tổ chức thành công, nên việc đánh giá sẽ xem xét cả giai đoạn 5 năm qua. Đồng thời, sẽ bàn các biện pháp cụ thể để triển khai mục tiêu đối ngoại đã được đề ra tại Đại hội XII của Đảng.

Thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước đạt được nhiều FTAs. Có lúc Việt Nam được xem là trung tâm của các hiệp định thương mại tự do khi tham gia nhiều FTAs nhất trong khu vực. Điều này là dựa trên cơ sở lợi ích của VN: kinh tế phát triển dựa trên thương mại và đầu tư nước ngoài. Các FTAs tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu của VN nếu chúng ta tận dụng được cơ hội.

Về đề xuất, tham mưu, tôi tự đánh giá, cho đến nay ngành ngoại giao không phạm sai lầm về đề xuất, tham mưu. Nhưng việc thực hiện là một vấn đề.

Ví dụ, Việt Nam là một nước tích cực trong ASEAN, trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2016. Chúng ta cũng đạt mức cao các chỉ tiêu của Cộng đồng, (93% trong khi trung bình của ASEAN là 90%). Mong muốn của Việt Nam là hình thành Cộng đồng ASEAN là thương mại, đầu tư của VN trong nội khối ASEAN tăng lên, tận dụng được thị trường rộng lớn 600 triệu dân.

Thực tế, nhìn lại 6 tháng đầu năm 2016, xu hướng thương mại nội khối của Việt Nam với ASEAN giảm đi. Trong khi đó, các thành viên khác tranh thủ tận dụng được cơ hội. Việt Nam là số ít các nước xuất khẩu nội khối giảm.

Nhận thức của doanh nghiệp và dân chưa kịp tận dụng cơ hội khiến họ có thể bị bỏ rơi. Trong khi Thái Lan đã mua rất nhiều siêu thị Việt, hàng hóa Thái sẽ vào thì doanh nghiệp Việt bỏ lỡ cơ hội đó. Cạnh tranh sẽ khó khăn nếu doanh nghiệp không tiếp cận được.

Ai cầm quyền ở Mỹ, quan hệ với Việt Nam vẫn sẽ phát triển

- Liên quan đến hợp tác kinh tế với các FTA, có dư luận lo ngại về việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao ở các nước như Mỹ, có thể đảo chiều hợp tác mà hai bên đạt được, khi các ứng viên Tổng thống Mỹ đều nói sẽ xem xét lại Hiệp định TPP?

Thay đổi nhân sự lãnh đạo cũng là yếu tố tác động đến quan hệ giữa các quốc gia. Khi có sự thay đổi chính quyền, đảng cầm quyền ở một nước có thể có tác động đến quan hệ đối ngoại nhưng về cơ bản tác động sẽ không nhiều nếu duy trì được một khuôn khổ quan hệ. Việt Nam và Mỹ đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.

Hơn nữa, lịch sử chứng minh, dù Tổng thống là của đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì quan hệ hai nước vẫn theo chiều hướng tăng trưởng. Tổng thống Mỹ ở cả 2 đảng từng thăm Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam cũng thăm Mỹ khi nước này có chính quyền ở đảng khác nhau. Khuôn khổ quan hệ đã thiết lập, sẽ không có gì thay đổi.

Về kinh tế, cả 2 ứng viên của Mỹ đều nói về TPP. Nhưng TPP xây dựng trên cơ sở lợi ích chung của 12 nước, không phải riêng nước nào. Các nước sẽ theo đuổi lợi ích của mình và sẽ không có gì quá lo lắng. Tôi tin đảng nào, lãnh đạo nào cầm quyền thì cũng sẽ phát triển quan hệ với Việt Nam.

Đồng thuận ASEAN dựa trên lợi ích tối thiểu

- Với ASEAN, có những phân tích chỉ ra rằng vấn đề Biển Đông đang khiến ASEAN phải thay đổi luật chơi mới. Ông có thể làm rõ nhận định này? Và Việt Nam đứng ở đâu, đóng vai trò gì trong quá trình xây dựng luật chơi mới, phù hợp và hiệp quả hơn cho ASEAN, để thúc đẩy hợp tác thực chất, nhất là trong bối cảnh các giá trị cốt lõi của tổ chức: vai trò trung tâm và tính đoàn kết đang bị đe dọa?

Nước nào cũng đòi đạt lợi ích tối đa thì không có đồng thuận và các bên phải tôn trọng lợi ích của nhau.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

 

Từ khi thành lập, ASEAN có vai trò quốc tế và khu vực với tư cách một khối khi đoàn kết trong tổ chức đảm bảo. Nếu đứng riêng từng nước, phần lớn là nhỏ, không có vai trò vị thế, còn trong cộng đồng cùng tiếng nói, ASEAN sẽ giúp từng nước có tiếng nói. Lịch sử ASEAN đến nay duy trì vai trò trung tâm trong cơ chế khu vực, là điều không tổ chức khu vực nào khác có được khi các nước lớn đều tham gia vào cơ chế của ASEAN.

Cơ chế đoàn kết trên cơ sở quyết định dựa trên đồng thuận, các nước cùng nhau đạt được lợi ích tối thiểu. Nước nào cũng đòi đạt lợi ích tối đa thì không có đồng thuận và các bên phải tôn trọng lợi ích của nhau.

Thời gian qua có những vấn đề tưởng chừng phá vỡ đoàn kết của ASEAN như Biển Đông chẳng hạn. Như tại cấp cao ASEAN vừa rồi, tổ chức đã đạt được tuyên bố chung, dù có lúc tưởng chừng thất bại. Các nước thấy được ý nghĩa của đoàn kết và vai trò trung tâm, tìm được công thức phản ánh quan tâm của từng thành viên, và của cả khối, cố gắng tạo đồng thuận. Từng nước quan tâm sự đoàn kết đó để điều chỉnh quan điểm cho phù hợp.

Đương nhiên, cũng có dư luận nói quan điểm ASEAN không cao này khác, nhưng đó là mẫu số chung, với lợi ích các nước tối thiểu.

Về luật chơi, để thay đổi cần phải điều chỉnh Hiến chương, trên cơ sở đánh giá lại việc thực hiện. Hiến chương ASEAN mới thực hiện chưa lâu, và chưa đến thời điểm đánh giá. Tuy nhiên, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ luôn được tăng cường và bảo đảm. 

Không để lực lượng nào lôi kéo VN vào các cạnh tranh chiến lược

"Các nước lớn luôn cạnh tranh, xuất phát từ lợi ích chiến lược, kinh tế và các lợi ích khác. Nơi nào có sự cạnh tranh chiến lược mà xử lý không tốt sẽ dẫn tới đối đầu, thậm chí dẫn tới chiến tranh khu vực khó kiểm soát. Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm, không để cho lực lượng nào lôi kéo vào cuộc cạnh tranh chiến lược ấy, bởi đường lối của ta là độc lập, tự chủ.

Kinh nghiệm của VN cũng cho thấy chỉ thực hiện độc lập tự chủ thì mới đảm bảo được độc lập, chủ quyền quốc gia và không bị lôi kéo vào một liên minh nào." - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

Trung Quốc - ASEAN cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc và ASEAN vừa tái khẳng định kế hoạch giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thông qua đối thoại và sử dụng một khuôn khổ các quy tắc của khu vực.

Trung Quốc đòi không bàn về Biển Đông ở hội nghị G20

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông ngày 15/8 nói Bắc Kinh không muốn hội nghị lãnh đạo các nước G20 sẽ thảo luận về các vấn đề chính trị, bao gồm tranh chấp Biển Đông.

Phương Loan

Bạn có thể quan tâm