Paul Stephens, một nhà nghiên cứu của tổ chức Chatham House, cho biết trong một bài nghiên cứu rằng những tập đoàn dầu mỏ lớn không còn phù hợp trong bối cảnh giá dầu thô xuống thấp, các chính phủ thắt chặt quy định về chống biến đổi khí hậu và những chiến lược cứng nhắc của riêng họ, The Guardian đưa tin.
Trong bản báo cáo, Stephens lập luận rằng cách duy nhất để tiến về phía trước đối với các công ty nằm ở việc tiến vào lĩnh vực năng lượng xanh và giảm quy quy mô hoạt động hoặc củng cố thông qua đại sáp nhập.
"Tiên lượng cho các tập đoàn dầu quốc tế đã khá ảm đạm trước khi chính phủ các nước trở nên nghiêm túc với vấn đề chống biến đổi khí hậu và giá dầu lao dốc. Mô hình kinh doanh cũ của họ đang hấp hối", Stephens, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học London, nói.
Những người biểu tình ở khu vực Grand Isle biểu tình phản đối tập đoàn BP vì sự cố nổ dàn khoan dầu ở Vịnh Mexico tác động xấu tới môi trường. Ảnh: Rex |
Ông nhấn mạnh: "Trong thế giới mới này, lựa chọn thực tế duy nhất nằm ở việc tái cấu trúc và bán tài sản hiện tại của họ nhằm cấp tiền mặt cho các cổ đông".
Sự biến mất của những nhà cung cấp nhiên liệu hoá thạch lớn có thể gây tổn thất về tài sản đối với những tập đoàn lớn từng bị cáo buộc phủ nhận biến đổi khí hậu và vận động hành lang đối với chính sách đối ngoại.
Stephens tin rằng, những tập đoàn đã dành quá nhiều thời gian để cố gắng tối đa hoá lợi tức cổ đông bằng cách tìm các nguồn tài nguyên mới và chuyển các hoạt động chủ chốt ra nước ngoài.
Giá dầu thô ở mức 45 USD/thùng đã làm tăng các vấn đề cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia của Chatham House cho biết, họ không thể đảm bảo việc phục hồi giá. Ông nói rằng, các tập đoàn có 10 năm để thay đổi chiến lược hoặc sẽ chết.
"Điều này là không thể tránh. Tuy nhiên, họ cần tập trung vào các lĩnh vực còn lại, nơi mà họ có thể kiếm về một khoản lợi nhuận chấp nhận được. Việc đó đòi hỏi sự thay đổi lớn trong văn hoá doanh nghiệp của các tập đoàn dầu quốc tế. Chưa ai biết liệu đội ngũ quản lý cấp cao có thể tạo ra sự thay đổi cơ bản như vậy không. Nếu có, sau đó, các tập đoàn dầu quốc tế có thể rơi vào tình trạng suy giảm nhẹ nhưng cuối cùng sẽ tồn tại, dù với quy mô nhỏ hơn nhiều. Nếu họ không chịu thay đổi mô hình kinh doanh, viễn cảnh tương lai của họ sẽ vô cùng mờ mịt", ông nhận định.
Yêu cầu cải tổ xuất hiện chưa đến 24 giờ sau khi một tổ chức khác, Carbon Tracker Initiative, cũng kêu gọi các tập đoàn dầu thu nhỏ quy mô và kinh doanh dựa trên mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Những chuyên gia cảnh báo các tập đoàn dầu mỏ lớn, gồm các tập đoàn của Mỹ như Exxon Mobil và Chevron, rằng họ đang sở hữu "khối tài sản carbon bị mắc kẹt", thứ có thể không bao giờ được sử dụng nếu thế giới quyết định giữ cho nhiệt độ trung bình tăng lên không quá 2 độ C trên mức tiền công nghiệp.
Nhưng tương lai của chiến lược quốc tế về biến đổi khí hậu, do khí thải carbon, sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu các quốc gia có chấp hành những chính sách cần thiết, đã thống nhất tại hội nghị của Liên Hợp Quốc tổ chức ở thủ đô Paris, Pháp vào cuối tháng 12 năm ngoái hay không.
Nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng tới vấn đề này, như việc tổng thống kế tiếp của Mỹ sẽ là ai, liệu người đó có cam kết với chương trình carbon thấp như Obama hay không.
Stephens giả sử hiệp định ký tại thủ đô Paris, được biết đên với cái tên COP21, sẽ cho phép thế giới tiến lên một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, bước vào giai đoạn mà khí thải carbon xả ra ít hơn.
Một số dấu hiệu cho thấy, các tập đoàn đang thực hiện thay đổi mô hình kinh doanh như việc Shell sáp nhập với đối thủ của họ là BG và rút lui vốn, đồng thời bắt tay vào việc thử nghiệm với môi trường Bắc Cực ở Alaska.
Chuyên gia của Chatham House lưu ý rằng, sức ảnh hưởng của các tập đoàn dầu quốc thế thực chất đã suy yếu từ 25 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, khi họ kiểm soát hầu như tất cả lượng dầu thô bên ngoài nước Mỹ.
Họ cũng sở hữu 70% năng suất lọc dầu, những đường ống quan trọng và 2/3 hạm đội tàu chở dầu thuộc sở hữu tư nhân. Trong thời kỳ này, giao dịch dầu thô quốc tế diễn ra hoàn toàn trong khuôn khổ các hoạt động tích hợp và thông qua các hợp đồng dài hạn giữa các công ty.