Theo Reuters, giá dầu thô Brent tăng 71 xu và đạt mức 44 USD/thùng vào thời điểm tối 12/4 theo giờ Hà Nội.
Giá dầu tăng trở lại giữa lúc có thông tin Nga và Saudia Arabia, hai nước xuất khẩu dầu lớn, đã đạt được thoả thuận về ngưng tăng sản lượng.
Cung vượt quá cầu giữa lúc kinh tế Trung Quốc, đầu máy chính của kinh tế thế giới, phát triển chậm lại được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong thời gian vừa qua.
"Đôla Mỹ giảm giá là một nguyên nhân quan trọng. Một thực tế khác là chúng ta đã chứng kiến giá dầu trên ngưỡng 40 USD, mức cao nhất trong nhiều tháng, cũng khiến các nhà đầu cơ mua dầu tích trữ, đẩy giá lên cao", chuyên gia Eugen Weinberg từ Commerzbank nói.
Đồng USD đã rớt giá vào ngày 12/4, xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, trước khi phục hồi dần.
Máy bơm hút của công ty khai thác dầu Lukoil ở thành phố Kogalym, Nga. Ảnh: Reuters |
Giá dầu thế giới bắt đầu giảm mạnh từ mức 100 USD vào giữa năm 2014 do nguồn cung thừa mứa. Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC hồi tháng 11/2014 quyết định từ bỏ nhiệm vụ truyền thống là điều tiết, hạn chế sản lượng đã khiến tình trạng giá dầu giảm càng thêm sâu sắc.
Từ ngày 10/4, các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC bắt đầu họp ở Doha (Qatar) để bàn về các biện pháp "đóng băng" đầu ra. Falah Alamri, một quan chức cấp cao ngành dầu mỏ của Iraq, tự tin rằng cuộc họp ở Doha sẽ cho ra một thỏa thuận hạn chế nguồn cung quá nhiều.
Mới đây, Bloomberg cho biết đoàn từ Saudi Arabia và Nga đã đồng ý tại cuộc họp ở Doha về hạn chế sản xuất theo lộ trình. Bộ Dầu mỏ Nga chưa có thông báo chính thức về việc này.
Ngành buôn bán ôtô phát triển ở Trung Quốc, đất nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ 2 thế giới, cũng là yếu tố khiến giá dầu tăng. Bloomberg từng dự báo, Trung Quốc nhập thêm 8% dầu từ nước ngoài năm 2016, nâng mức mua trung bình lên 7,2 triệu thùng mỗi ngày.