Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vũ khí cuối cùng của Ả-rập Xê-út trong cuộc chiến giá dầu

Lao đao vì chiến thuật tăng sản lượng, rất có thể Ả-rập Xê-út sẽ sử dụng chiêu cuối hòng lật ngược tình thế trong cuộc chiến giá dầu với các đối thủ.

Việc giá dầu giảm liên tục trong một năm rưỡi qua là kết quả của cuộc chiến giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các công ty khai thác dầu Mỹ, Nga và Iran. Về bản chất, OPEC là liên minh làm giá, ra đời nhằm khống chế giá thông qua việc tăng hoặc giảm sản lượng.

Nhưng nhiều nước khác, chẳng hạn như Mỹ hay Nga, cũng có thể sản xuất dầu mỏ. Họ không muốn chấp nhận thế độc quyền của OPEC đối với giá dầu.

vu khi trong cuoc chien gia dau anh 1
Dư luận thế giới từng sốc khi giá dầu giảm tới mức 70 USD/thùng, nhưng sau đó giá vẫn tiếp tục lao dốc. Ảnh: BBC

Khi giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng, các công ty khai thác dầu Mỹ áp dụng kỹ thuật "fracking", nghĩa là họ đào sâu rồi đào ngang vào các tảng đá phiến để chắt dầu, khí đốt. Trên thực tế, kỹ thuật "fracking" đã ra đời từ lâu. Các công ty nhỏ áp dụng nó khi giá dầu thô tăng rồi cải tiến dần. Thành công của giới doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực sử dụng kỹ thuật "fracking" khiến OPEC không thể thao túng giá dầu từ tháng 6/2014.

Nhờ kỹ thuật fracking, sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng lên mức 10 triệu thùng mỗi ngày. Do sản lượng tăng, Mỹ giảm lượng dầu mà họ nhập khẩu từ nước ngoài khiến nguồn cung dầu tăng. Thực trạng đó - cùng với việc đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc giảm khiến nhu cầu đối với dầu cũng giảm. Khi cầu giảm, đương nhiên giá dầu cũng giảm. Nhưng Saudi Arabia lại quyết định tăng sản lượng và họ đã thực hiện chiến thuật này trong 3 tháng qua.

Logic của chiến thuật khá đơn giản: Để sản lượng cao “đè bẹp” giá dầu và những đối tượng cạnh tranh với vương quốc. Khi giá dầu thấp, lợi nhuận của các đối thủ cũng giảm và họ sẽ phải bỏ cuộc. Với quỹ dự trữ ngoại hối lên tới 700 tỷ USD, Saudi Arabia tin rằng họ có thể áp dụng chiến thuật tăng sản lượng trong thời gian dài.

Giờ đây rất nhiều bằng chứng cho thấy vũ khí đó đã đánh trúng mục tiêu. Các giàn khoan dầu của Mỹ lần lượt ngừng hoạt động, còn các công ty khai thác phải rời cuộc chơi hoặc vật lộn với tình trạng doanh thu giảm và những khoản nợ kếch sù.

Song vấn đề là tăng sản lượng dầu gây nên tác dụng ngược đối với Riyadh. Giá dầu thấp hơn khiến ngân sách của vương quốc thâm hụt nặng nề, đồng thời làm giảm quỹ dự trữ ngoại hối – công cụ để chính phủ duy trì chính sách neo chặt tỷ giá giữa đồng Riyal và USD.

Hậu quả tồi tệ nhất là: Mặc dù tăng sản lượng, thị phần của Ả-rập Xê-út trên thị trường dầu mỏ vẫn giảm, theo một bài viết của Financial Times. Thị phần của Saudi Arabia tại Mỹ giảm từ 17% năm 2013 xuống 14% trong năm 2015.

Những con số đó cho thấy ảnh hưởng trên thị trường cũng như khả năng dẫn dắt Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của Ả-rập Xê-út đang giảm.

Đó là lý do khiến vương quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc huy động vũ khí phi truyền thống trong cuộc chiến giá dầu, tạp chí Forbes nhận định. Họ sẽ để đồng Riyal mất giá.

Việc phá giá tiền tệ sẽ khiến dầu mỏ của Ả-rập Xê-út rẻ hơn trên các thị trường quốc tế, giúp Riyadh giành lại thị phần ở Mỹ và kết thúc cuộc chiến với các công ty khai thác từ Mỹ.

Đồng Riyal yếu hơn cũng giúp Ả-rập Xê-út triển khai chiến thuật mới đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm dầu mỏ.

Vấn đề là chính sách phá giá tiền tệ cũng tạo ra phản ứng phụ và gây hại cho nền kinh tế quốc gia này. Chẳng hạn, nếu chính phủ để đồng Riyal mất giá quá lâu, vốn sẽ chảy ồ ạt ra khỏi lãnh thổ. Đồng tiền yếu cũng có thể gây nên lạm phát, khiến mức thâm hụt ngân sách của vương quốc trở nên lớn hơn.

 

Thu Trang

Bạn có thể quan tâm