Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ngành công nghiệp điện ảnh tỷ USD lo sợ điêu đứng vì AI

Những người làm việc ở Hollywood lo lắng công cụ chuyển văn bản thành video mới sẽ khiến họ bị mất việc làm trong thời gian tới.

Sự ra đời của Sora - công cụ tạo video mới của OpenAI - làm dấy lên làn sóng thảo luận về cách trí tuệ nhân tạo thay đổi ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là phim ảnh, nhanh đến mức đáng lo ngại như thế nào.

Theo NBC News, Sora, mô hình chuyển văn bản thành video (text-to-video), có thể tạo video chất lượng cao với thời lượng tối đa một phút dựa trên mô tả được cung cấp. OpenAI cho biết Sora sẽ hiểu từng yếu tố trong câu lệnh để tạo video phù hợp.

Công nghệ phát triển lên tầm cao mới đồng nghĩa cơ hội kiếm tiền của một bộ phận người làm phim bị thu hẹp. Nói cách khác, AI đang đe dọa Hollywood.

Góc nhìn tích cực và tiêu cực

Mối lo về tính sáng tạo vượt bậc của AI là vấn đề được Hollywood nhắc liên tục trong cuộc đình công hồi tháng 5/2023. Trong đó, nhiều chuyên gia phim đẩy mạnh biện pháp bảo vệ xung quanh việc AI ngày càng "xâm chiếm" công việc của người làm phim. Aubry Mintz, giám đốc điều hành tạm thời của Hiệp hội Phim hoạt hình quốc tế (chi nhánh Hollywood), nói cộng đồng hoạt hình đã “khá khó chịu” với Sora.

Mintz cho biết, nếu Sora khiến các nhân vật trong cảnh quay tham khảo, nghệ thuật xây dựng ý tưởng và sáng tạo cốt truyện trở nên dư thừa, thì những chuyên gia trong ngành này dễ đối diện nguy cơ mất việc.

Bởi vậy, một số người làm giải trí bắt đầu hành động. Trả lời phỏng vấn The Hollywood Reporter, Tyler Perry cho biết đã tạm dừng kế hoạch mở rộng khu phức hợp gồm 12 sân khấu cho studio ở Atlanta trị giá 800 triệu USD, sau khi chứng kiến màn ra mắt của Sora.

"Tôi đã biết trước điều này từ năm ngoái. Tuy nhiên, tôi không tin cho đến khi gần đây được tận mắt thấy những gì mà Sora có thể làm được. Nó hoàn toàn gây sốc cho tôi", Perry phát biểu.

AI de doa Hollywood anh 1

Tỷ phú Tyler Perry đình chỉ dự án 800 triệu USD vì sự ra đời của Sora. Ảnh: The Hollywood Reporter.

Reid Southen - họa sĩ minh họa kiêm nghệ sĩ ý tưởng phim - không nghĩ Sora có khả năng sớm thay thế hoàn toàn nhà làm phim. Tuy nhiên, ông lo lắng công nghệ tiên tiến sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm ở tương lai.

Ông nói: "Rõ ràng chúng ta đang sống trong nền văn hóa đủ tốt, theo nhiều cách. Nhưng nếu để cắt giảm dù chỉ 1 USD, mọi người và các công ty sẵn sàng làm việc đó".

Còn Blake Ridder, đạo diễn, nhà văn kiêm diễn viên người Anh nói Sora hiện tại sở hữu nhiều thuận lợi trong việc sản xuất hàng loạt thước phim cổ trang hơn là phim điện ảnh.

Kể từ năm ngoái, OpenAI đạt thỏa thuận cấp phép với Shutterstock trong việc sử dụng thư viện hình ảnh, video và âm nhạc để làm nguồn dữ liệu. Nhìn ở mặt tích cực, Ridder tin rằng nếu không bị lạm dụng, Sora có thể được sử dụng như công cụ giúp nâng cao quá trình làm phim.

"Giới dựng phim cứ bảo rằng họ bị AI đe dọa công việc, nhưng có lẽ họ nên dùng những video được nó tạo ra để lên ý tưởng cho bảng phân cảnh, thay vì coi nó là đầu ra cuối cùng cho một dự án", Ridder nêu quan điểm.

"Thời đại của Hollywood chưa kết thúc"

Trong tuyên bố trên NBC News, đại diện phát ngôn của OpenAI nói họ sẽ không để Sora tiếp cận người dùng quá sớm vì muốn thu hút các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và nghệ sĩ trước khi phát hành rộng rãi.

Tương tự một số công ty AI khác, OpenAI từng đối mặt nhiều vụ kiện cáo buộc công ty tạo ra sản phẩm bằng nguồn tài liệu dính bản quyền. Nhưng với Sora, phía OpenAI khẳng định tranh chấp hay kiện tụng không xảy ra. Hãng cho biết: "Dữ liệu của Sora được lấy từ nội dung chúng tôi đã cấp phép và nội dung có sẵn công khai".

Giới nghệ sĩ cũng đang bày tỏ lo ngại về việc liệu Sora có cho phép các hãng phim tạo ra hình tượng diễn viên mà không có sự đồng ý của họ hay không. Về vấn đề này, OpenAI giải thích mô hình chuyển văn bản thành video sẽ "từ chối văn bản yêu cầu nó tạo ra hình ảnh giống người nổi tiếng".

Tuần trước, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đề xuất quy tắc nhằm cấm trí tuệ nhân tạo bắt chước người thật. Cụ thể, họ mở rộng các biện pháp bảo vệ để chống AI mạo danh chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân.

AI de doa Hollywood anh 2

AI phát triển nhưng không có khả năng kết thúc sự nghiệp của những người làm việc ở Hollywood. Ảnh: Futureparty.

Theo NBC News, Hollywood sớm thích nghi với những tiến bộ công nghệ, từ CGI đến phần mềm hoạt hình máy tính. Với sự ra đời và dự đoán sẽ phát triển vượt bậc của Sora, ông Aubry Mintz hy vọng ngành công nghiệp điện ảnh trị giá tỷ USD cũng có thể tồn tại nhờ những đổi mới về AI.

Mintz nhấn mạnh: "Chúng không thể sao chép tư duy sáng tạo của con người, hoặc đưa ra những quyết định sáng tạo mà nghệ sĩ đã làm trong nhiều thế kỷ nay. Chúng tôi - những người đứng trên vai gã khổng lồ Hollywood - cố gắng hết sức để sáng tạo thứ gì đó độc đáo khiến chúng tôi tự hào".

Trong khi đó, nghệ sĩ ý tưởng phim Reid Southen cho biết ông nghe nhiều bàn tán rằng thời đại của Hollywood đã khép lại và tiêu tan. Tuy nhiên, quan điểm của ông lại khác.

"Tôi không nghĩ đó là thực tế đang diễn ra vì nhiều lý do. Công cụ sản xuất này (Sora) quá phức tạp, và những video này hơi cẩu thả, phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là tính nhất quán về mặt thời gian", Southen chia sẻ.

Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History. Đây là cuốn sách đầy ắp những câu chuyện trên phim trường, chi tiết kỹ thuật, giai thoại hài hước về các diễn viên, chiến lược của các nhà điều hành hãng phim hay sự phàn nàn về các nhà phê bình.

Thấy gì từ nỗi thất vọng mang tên 'Madame Web'?

Theo giới chuyên gia, doanh thu thấp của "Madame Web" là lời cảnh báo Sony nên tính toán lại chiến lược sản xuất và phát hành phim siêu anh hùng trong tương lai.

Bước lùi của Henry Cavill

"Argylle" là bom xịt đáng quên trong sự nghiệp của Henry Cavill. Vai diễn điệp viên bị chê cứng nhắc, khô khan và thậm chí không liên quan đến cốt truyện chính.

Quốc Minh

Bạn có thể quan tâm