Tại thành phố cảng Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc, một nhà máy đang lặng lẽ hồi sinh sau quãng thời gian điêu đứng do lệnh cấm vận từ Mỹ.
Công ty vi mạch Fujian Jinhua (JHICC), doanh nghiệp chuyên sản xuất chip nhớ, phải dừng hoạt động sau khi bị Mỹ cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại cuối năm 2018. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang dần sản xuất trở lại dưới sự bảo trợ của một khách hàng mới.
Đầu năm nay, một nhóm kỹ sư, chuyên gia mua bán và tài chính đã được khách hàng bí ẩn kia gửi đến để giúp JHICC tái khởi động sản xuất. Những người này yêu cầu đối tác tại JHICC gọi mình bằng tên tiếng Anh - thay vì tiếng Trung - để tránh bị chú ý, các nguồn tin tiết lộ với Nikkei Asia.
Dù vậy, ai cũng biết rõ danh tính của những người mới đến. Họ đến từ Huawei, doanh nghiệp đang phải tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung khi không còn có thể thoải mái mua chip từ nước ngoài do các lệnh cấm vận của Mỹ.
Nỗ lực của Huawei
Do không thể mua chip từ nước ngoài nếu không có giấy phép của Mỹ, Huawei phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung trong nước, thậm chí phải tự phát triển bộ phận sản xuất chip. Trước đó, doanh nghiệp này thường chỉ tự thiết kế chip và gửi đi sản xuất ở Đài Loan hoặc những nơi khác.
Đây là cơ hội vàng cho JHICC. Doanh nghiệp này là một phần của chuỗi cung ứng sản xuất mà Huawei đang lặng lẽ xây dựng trên khắp Trung Quốc, từ Bắc Kinh tới Thâm Quyến. Công ty này mới đây tuyên bố với các nhà cung ứng về ý định tăng gấp đôi sản lượng trong hai năm.
Huawei đang rót tiền vào các công ty chip Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters. |
“Nhà máy đã trở lại hoạt động”, một nhân viên của Naura Technology Group - nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip lớn nhất Trung Quốc - đang được cử đến JHICC, nói. “Mọi đội hỗ trợ từ các công ty Mỹ đã rời đi. Đây là lý do chúng tôi ở đây để giúp đỡ”.
Ở nơi cách JHICC chỉ một con đường, công ty đóng gói chip Quliang Electronics đang xây dựng nhà máy thứ hai. Cơ sở này được xây dựng cũng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của Huawei.
“Phần lớn sản lượng của chúng tôi dành cho Huawei”, một nhân viên của Quliang nói với Nikkei Asia. “Chúng tôi đã có khoảng 2.700 nhân công và chúng tôi đang xây dựng giai đoạn hai của nhà máy”.
Nỗ lực của Huawei trong đảm bảo nguồn cung chip phản ánh khó khăn họ đang phải đối mặt. Trước khi bị Mỹ cấm vận, công ty này có thể trực tiếp cạnh tranh với những ông lớn điện tử thế giới như Apple hay Samsung. Họ cũng đặt mua những con chip tiên tiến nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu như TSMC hay Sony.
Năm 2019, Huawei vượt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, theo Business Insider. HiSiliconTechnology, đơn vị thiết kế chip của Huawei, có doanh số lên đến 8,2 tỷ USD trong năm 2020. Nhờ vào sự thống trị trên thị trường Trung Quốc, Huawei giờ đây vẫn đang là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi Huawei ngày càng phát triển, Mỹ cũng trở nên lo ngại hơn với nghi vấn doanh nghiệp này có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Đây là điều Huawei luôn bác bỏ.
Năm 2020, Washington ban hành lệnh cấm các công ty nước ngoài sản xuất các cấu phần cho Huawei nếu quá trình sản xuất có sử dụng công nghệ Mỹ. Huawei vẫn được mua các loại chip có sẵn nhưng không còn có thể tự thiết kế chip và đặt sản xuất bên ngoài.
Dù Huawei đã tích trữ linh kiện từ trước đó, doanh thu của họ vẫn giảm tới 28,6% trong năm 2021. Từ vị trí số 2 thế giới trong ngành điện thoại thông minh, Huawei tụt xuống đứng thứ 10.
Tuy vậy, trái với dự đoán của một số chuyên gia, Huawei không sụp đổ.
“Nếu các biện pháp của Mỹ giống như sử dụng các loại máy bay tiên tiến nhất để oanh tạc, nỗ lực của Huawei giống như cuộc chiến du kích”, một đối tác của Huawei nhận xét.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật CHIPS hồi tháng 8 để nâng cao năng lực sản xuất chip trong nước của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Nạn nhân" của cạnh tranh nước lớn
JHICC và Quliang chỉ là hai trong số những ví dụ cho thấy tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng nội của Huawei. Ước tính, công ty này đã đầu tư hàng chục tỷ USD nhằm tìm cách thay thế các nguồn cung từ bên ngoài.
Nỗ lực của Huawei cũng đang được một số công ty chip Trung Quốc theo dõi sát sao sau các biện pháp hạn chế mới nhất mà Mỹ vừa đưa ra đối với ngành công nghiệp chip Trung Quốc hồi tháng 10.
Theo đó, các công ty Mỹ sẽ không được xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho các công ty đặt tại Trung Quốc nếu không có giấy phép. Bên cạnh đó, Washington lần đầu tiên cấm công dân Mỹ và thường trú nhân giúp Trung Quốc phát triển sản phẩm bán dẫn, theo Bloomberg.
“Washington kết luận rằng một khi họ không thể chỉ nhằm vào quân đội Trung Quốc, một lựa chọn khác là làm chậm sự phát triển của cả nước Trung Quốc (về bán dẫn)”, chuyên gia Chris Miller tại Đại học Tufts (Mỹ), nói
Ngay sau quy định này, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đã phải rút các nhân viên hỗ trợ được gửi đến các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
“Một ngày trước lệnh cấm, các nhà sản xuất chip Trung Quốc vẫn là những khách hàng quan trọng nhất của chúng tôi. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi phải đóng gói đồ đạc và rời đi. Chúng tôi không được phép liên lạc với họ kể từ đó”, một nhân viên của KLA - công ty sản xuất thiết bị kiểm tra chip bán dẫn lớn nhất thế giới - nói.
Ngoài hợp tác với các công ty Trung Quốc, Huawei cũng đang tích cực tìm kiếm các tài năng, cả trong và ngoài nước, để phục vụ các cơ sở nghiên cứu của họ ở Trung Quốc và châu Âu.
“Huawei không dễ bị đánh bại. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ quyết tâm của họ”, nhà điều hành của một doanh nghiệp cung ứng nói với Nikkei Asia. “Họ đang làm mọi cách để chứng minh với thế giới rằng họ vẫn có thể tồn tại, thậm chí mang chip trở lại vào một ngày nào đó”.
Huawei giờ đây không chỉ tập trung vào khâu thiết kế chip mà còn hướng đến mọi công đoạn trong chuỗi cung ứng, từ chế tạo, đóng gói tới xếp chồng chip, cũng như các nguyên liệu và thiết bị phục vụ sản xuất. Các công ty Trung Quốc khác có thể cũng sẽ cần theo bước Huawei để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Trung Quốc đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa giữa cạnh tranh Mỹ - Trung. Ảnh: New York Times. |
“Chi phí giờ đây không phải điều Huawei quan tâm nhất. Ưu tiên hàng đầu là tìm ra cách vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ”, một nguồn tin nhận định với Nikkei Asia.
Điều trớ trêu là các lệnh cấm vận của Mỹ đã giúp Trung Quốc làm được điều mà họ đã cố gắng trong nhiều năm: Tự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.
Bất chấp đã đầu tư trên 1.000 tỷ nhân dân tệ từ năm 2014, cũng như yêu cầu một số doanh nghiệp nhà nước phải mua sản phẩm nội, ngành công nghiệp chip Trung Quốc vẫn chưa thể có những bước đột phá như mong muốn trước năm 2020.
Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu chip nội không ở mức cao. Các công ty Trung Quốc vẫn hướng đến các nhà sản xuất bên ngoài.
Giờ đây, tình hình đã thay đổi. Các công ty chip Trung Quốc đã chiếm 24% thị phần nội trong năm 2021, tăng mạnh từ con số 15% năm 2018.
“Trung Quốc vẫn có thể sản xuất các loại chip đời cũ hơn”, ông Brady Wang, chuyên gia phân tích công nghệ tại hãng tư vấn Counterpoint, nói. “Giống như khi bạn đói, bạn không cần phải ăn ở một nhà hàng gắn sao Michelin mà có thể ăn thức ăn đường phố bình thường. Đây là điều đang diễn ra với ngành chip Trung Quốc”.
Bẫy Thucydides và cạnh tranh nước lớn
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Định mệnh chiến tranh - Liệu Mỹ và Trung Quốc có tránh được bẫy Thucydides?" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 9/2022. Cuốn sách này giải thích tại sao Bẫy Thucydides lại là lăng kính tốt nhất để hiểu rõ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.