Chíp quản lý Hi1710 BMC do tập đoàn Huawei của Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Reuters. |
Những biện pháp được công bố vào hôm 7/10 đánh dấu sự thay đổi chính sách lớn nhất của chính phủ Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990.
Nếu được áp dụng thành công, các biện pháp này có thể gây thiệt hại lớn với ngành sản xuất chip của Trung Quốc, khi cấm các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ bán các sản phẩm bán dẫn, máy móc cho các nhà máy sản xuất và doanh nghiệp thiết kế chíp của Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tiếp ban hành nhiều quy định và đạo luật nhằm ngăn cản sự phát triển của ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Một số các quy định được công bố vào hôm 7/10 sẽ ngay lập tức có hiệu lực được xây dựng dựa trên những yêu cầu của chính phủ Mỹ gửi đến các nhà sản xuất trong nước bao gồm tập đoàn KLA, tập đoàn nghiên cứu Lam và tập đoàn Applied Materials.
Theo đó, các doanh nghiệp trên được yêu cầu dừng các chuyến hàng cung cấp cho các nhà máy sản xuất chip logic tại Trung Quốc.
Các quy định mới của chính phủ Mỹ cũng cấm việc bán các loại chíp sử dụng trong quá trình sản xuất siêu máy tính của Trung Quốc.
Các quy định trên định nghĩa một siêu máy tính là một hệ thống có khả năng xử lý 100 triệu tỷ phép tính/giây với diện tích nhỏ hơn 595 mét vuông. Định nghĩa này dẫn tới việc một số trung tâm dữ liệu tại các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định mới từ Mỹ.
"Các biện pháp sắp được áp dụng sẽ khiến ngành công nghiệp sản xuất chíp của Trung Quốc tụt lại nhiều năm. Tuy Trung Quốc sẽ không từ bỏ ngành sản xuất chíp, nhưng các biện pháp này sẽ làm chậm tiến độ phát triển của nước này", Jim Lewis, chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định.
"Nước Mỹ hiểu rằng các biện pháp đơn phương mà chúng tôi áp đặt sẽ mất tác dụng theo thời gian nếu không có sự tham gia của các quốc gia khác. Các biện pháp này cũng có nguy cơ làm mất đi lợi thế cạnh tranh của các công ty Mỹ so với các doanh nghiệp nước ngoài", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo vào hôm 6/10.
Eric Sayers, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, các biện pháp được chính quyền của Tổng thống Joe Biden áp dụng có mục đích ngăn cản quá trình phát triển của ngành công nghiệp chíp Trung Quốc thay vì tạo ra một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp hai nước.
Đại diện của Hiệp hội Nhà sản xuất Sản phẩm bán dẫn Mỹ cho biết cơ quan này đang nghiên cứu các quy định mới vừa được chính phủ ban hành. Tuy nhiên, cơ quan này cũng khuyến nghị chính phủ Mỹ hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm áp dụng các quy định trên với đúng đối tượng, đảm bảo lợi thế cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.