Theo South China Morning Post, dù chính phủ Trung Quốc đã đổ nhiều tiền đầu tư vào khoa học công nghệ những năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn nước này vẫn rất yếu ớt và lạc hậu, đi sau Mỹ hàng chục năm.
Và sức ép đè lên ngành bán dẫn Trung Quốc đang nặng nề hơn bao giờ hết. Tháng trước, chính phủ Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Huawei Technologies, công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Theo đó, các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải có giấy phép mới được bán chip cho Huawei. Công ty Đài Loan TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - cũng sẽ phải tuân thủ quy định này. Đây là nhà cung cấp chip chính của Huawei.
Huawei sẽ không tìm thấy sự hỗ trợ từ trong nước. “Trước mắt, Huawei không có sự lựa chọn thay thế trong nước”, SCMP dẫn lời một chuyên gia kinh tế giấu tên ở Thượng Hải. "Ngoài tiền đầu tư, Trung Quốc cần nỗ lực hợp tác của nhiều thế hệ chuyên gia, bắt đầu từ các nghiên cứu cơ bản, để đạt những tiến bộ cần thiết trong lĩnh vực bán dẫn".
Huawei gặp khó vì thiếu nguồn chip chất lượng cao. Ảnh: New York Times. |
Loay hoay tìm đường thoát
Các nhà phân tích cho rằng trước mắt,Huawei cần tận dụng quãng tối đa 120 ngày (đến tháng 9) để tích trữ chip. Hồi tháng 5/2019, Huawei từng áp dụng biện pháp tương tự sau khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa vào danh sách đen.
Eric Tseng - CEO Isaiah Capital & Research, một công ty nghiên cứu bán dẫn ở Đài Loan - cho biết có những dấu hiệu cho thấy Huawei đã mua tích trữ đủ số chip cho các trạm gốc 5G cho tới nửa đầu năm 2021.
Theo chuyên gia này, kế hoạch ngắn hạn và trung hạn của Huawei là chuyển mua hàng từ TSMC sang SMIC có trụ sở tại Thượng Hải. Tuy nhiên, Huawei chỉ có thể mua chip cấp thấp từ SMIC. “Với các chip điện thoại thông minh cao cấp và chip 5G, Huawei khó có thể dựa vào nguồn trong nước trước năm 2023”, ông Tseng nói thêm.
Là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC được coi là lựa chọn thay thế tốt nhất đối với Huawei. Niêm yết tại Hong Kong, SMIC có kế hoạch huy động 2,8 tỷ USD thông qua đợt niêm yết thứ cấp tại Thượng Hải. Công ty này cũng nhận 2,2 tỷ USD tiền đầu tư từ các đối tác được chính phủ Trung Quốc chống lưng.
Tuy nhiên, SMIC thừa nhận không thể sử dụng công nghệ và thiết bị nhập khẩu của Mỹ để sản xuất chip cho một số khách hàng nếu không có giấy phép của chính quyền Washington.
SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia Review. |
Unisoc - hãng thiết kế chip thuộc Tsinghua Unigroup - cũng được xem là sự lựa chọn tiềm năng của Huawei tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng này chủ yếu sản xuất chip cấp thấp, không thể phục vụ điện thoại thông minh cấp cao của Huawei.
"Huawei không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự sản xuất chip và thiết kế lại sản phẩm. Có rất ít lựa chọn để thay thế TSMC, và Huawei có thể buộc phải phụ thuộc vào SMIC hoặc Unisoc”, nhà phân tích Thomas Husson của Forrester nhận định.
SMIC là nhà sản xuất chip số một Trung Quốc, nhưng chip 14 nm của hãng này thua xa sản phẩm của TSMC. Bên ngoài Trung Quốc, Huawei đàm phán với Samsung Electronics, nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới và là đối thủ của TSMC,.
"Nhiệm vụ bất khả thi"
Sử dụng các thiết bị Mỹ nhưng Samsung cũng hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị từ châu Âu và Nhật Bản để xây dựng một dây chuyền sản xuất chip 7nm. Trên lý thuyết, điều đó cho phép Samsung bán hàng cho Huawei mà không vi phạm quy định của chính phủ Mỹ.
Một lĩnh vực quan trọng trong quy trình sản xuất chất bán dẫn hiện không được kiểm soát bởi các công ty Mỹ. Thị trường máy in thạch bản - công cụ in các thiết kế chip lên tấm wafer - đang nằm trong tay ASML. Công ty có trụ sở tại châu Âu nắm hơn 60% thị phần. Các nhà cung cấp Nhật Bản như Canon và Nikon nắm gần 40% thị phần còn lại.
Tuy nhiên, trong phân khúc in khắc bằng tia cực tím (EUV), ASML nắm quyền kiểm soát hoàn toàn và là nhà cung cấp duy nhất ở châu Âu của Samsung, TSMC và Intel, các công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện nay.
Chịu sức ép từ Mỹ, năm ngoái chính phủ Hà Lan chặn ASML chuyển một máy quét EUV sang SMIC. Nếu không thể tiếp cận với công nghệ in thạch bản hiện đại, các công ty Trung Quốc sẽ không bao giờ bắt kịp được TSMC.
Ngay cả khi vượt qua được các biện pháp cấm vận về thiết bị, Huawei vẫn sẽ đối mặt với thách thức lớn trong giai đoạn thiết kế. Hãng chip HiSilicon của Huawei phụ thuộc vào phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) từ các nhà cung cấp Mỹ như Cadence và Synopsys.
Thị trường máy in thạch bản - công cụ in các thiết kế chip lên tấm wafer - bị chi phối mạnh bởi ASML, công ty có trụ sở ở châu Âu. Ảnh: ASML. |
"Sẽ rất khó để HiSilicon tìm kiếm đối tác cung cấp EDA trong nước", SCMP dẫn lời doanh nhân Chai Jie, Giám đốc Ultra Pure Applied Materials ở Thành Đô, một nhà cung cấp của TSMC.
Giới quan sát nhận định khó khăn của Huawei dường như là cơ hội vàng của đối thủ nội địa ZTE Corp. "Các đơn hàng 5G trong nước của Huawei có thể bị ZTE cướp mất”, nhà kinh tế giấu tên đến từ Thượng Hải dự báo.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể không chỉ nhắm vào Huawei, mà sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty Trung Quốc khác. Năm 2018, ZTE từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen do vi phạm lệnh cấm vận Iran. Sau khi ZTE chấp nhận nộp phạt và chịu sự giám sát của Mỹ, Nhà Trắng mới gỡ bỏ lệnh trừng phạt này.
Các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận việc phát triển chip độc lập, không dựa vào công nghệ Mỹ là "nhiệm vụ bất khả thi". "Ngành bán dẫn Nhật Bản và Hàn Quốc trỗi dậy nhờ quan hệ với các chuỗi cung ứng Mỹ bên cạnh sự đầu tư của chính phủ", doanh nhân Gary Yang, người sáng lập hãng đầu tư Sky Saga Capital ở Bắc Kinh cho biết. "Chỉ tiền đầu tư là không đủ".