Theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch tung ra một danh sách đen các công ty của Mỹ ngay sau khi Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei và 33 công ty khác của Trung Quốc vào tháng 5. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã trì hoãn kế hoạch phản đòn vì lo ngại nước đi này sẽ gây tác dụng ngược lại và làm tổn hại đến nền kinh tế của chính quốc gia.
"Danh sách đen gần như đã được ban hành. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối cùng, danh sách được quyết định giữ lại để chờ đợi thêm".
Sau đại dịch Covid-19, các công ty nước ngoài đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế quốc gia này. Sự thận trọng của Bắc Kinh được coi là cần thiết để ổn định lại hoạt động đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng áp lực từ Nhà Trắng.
Trước đó, phía Trung Quốc cũng từng thể hiện sự thận trọng trong việc đối đáp với Mỹ. Tại cuộc họp báo thường niên cuối Đại hội Nhân dân Quốc gia diễn ra vào tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường lên tiếng kêu gọi hợp tác phát triển quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, thay vì đưa ra những lời lẽ mang tính đáp trả.
Lo thị trường giảm sức hấp dẫn
Ngoại thương và đầu tư là hai lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của kinh tế Trung Quốc trong năm 2020. Sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, Bắc Kinh đã tiến hành nhiều hoạt động để ổn định lại ngoại thương và đầu tư với hy vọng phục hồi đáng kể nền kinh tế quốc gia.
Trước khi Mỹ đặt ra các hạn chế đối với Huawei, vào tháng 5/2019, Bắc Kinh từng đe dọa sẽ tung ra danh sách các công ty không đáng tin cậy, gây tổn hại cho doanh nghiệp Trung Quốc hoặc đe dọa an ninh quốc gia.
FedEx là một trong những công ty đầu tiên của Mỹ có khả năng bị nhắm đến. Chính quyền Trung Quốc từng cho biết sẽ điều tra công ty chuyển phát nhanh này sau khi FedEx bị cáo buộc có hành vi hỗ trợ vận chuyển vũ khí đến Trung Quốc và tự ý vận chuyển các kiện hàng cho Huawei sang Mỹ.
Trung Quốc từng cân nhắc đưa FedEx vào danh sách đen. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, sau thông báo đó, Trung Quốc đã im lặng trong việc đưa ra danh sách các công ty, mặc dù mối lo ngại về cách thức hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng tăng.
Một nguồn tin cho biết, cuối năm 2019, Trung Quốc đã hoàn thiện các chi tiết của danh sách. Tuy nhiên, chính phủ nước này không có động thái tiếp theo vì nghi ngại về phản ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như lo sợ sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc bị suy giảm.
Không muốn mất nhà đầu tư ngoại
Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định gia hạn thêm 1 năm đối với lệnh cấm vận mua bán các mặt hàng công nghệ đối với Huawei. Sau khi thông tin chi tiết về các hạn chế này được công bố, tờ Global Times cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị điều tra và áp đặt các hạn chế đối với nhiều công ty công nghệ Mỹ như Apple, Cisco Systems, Qualcomm. Đồng thời, Trung Quốc cũng dự định cấm các doanh nghiệp mua máy bay từ Boeing.
Tuy nhiên, Dan Wang, nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận định rằng, Trung Quốc có thể không đủ khả năng để nhắm vào các công ty Mỹ và các biện pháp trừng phạt đáp trả sẽ không sớm được đưa ra.
Ông Wang cho biết: "Dường như Trung Quốc không sẵn sàng vứt bỏ hàng thập kỷ nỗ lực để trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các nhà sản xuất nước ngoài. Phản ứng chính thức về động thái của Mỹ nhắm đến Huawei đã tắt tiếng".
Ông Wang nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh không cần phải vội vàng trả đũa nhưng cần có "hành động mạnh mẽ để làm hài lòng dư luận, ổn định nền kinh tế và giữ lại đầu tư nước ngoài. Cho đến bây giờ, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy việc ổn định là quan trọng hơn trả đũa".
"Việc ổn định là quan trọng hơn trả đũa". Ảnh: Bloomberg. |
Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm sang "một nỗ lực dài hạn hơn là cố gắng ngăn chặn thiệt hại cho hệ sinh thái công nghiệp Trung Quốc khỏi việc đánh mất các nhà đầu tư nước ngoài" trong hai tháng qua, ông Wang cho biết thêm.
Trung Quốc cần cải thiện mối quan hệ với phần còn lại của thế giới bằng cách phục hồi danh tiếng sau đại dịch Covid-19 và thực hiện các bước cụ thể để giải quyết những bất bình dài hạn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thất bại trong việc phục hồi và củng cố nền kinh tế trong hai năm tới, họ có thể phải đối mặt với áp lực chính trị lớn.
Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, cho biết hành động trả đũa có thể bao gồm điều tra, kiểm toán, hạn chế kinh doanh và hoạt động tại địa phương, thu hồi giấy phép và khởi kiện.
Một quan chức trong chính phủ Trung Quốc nhận định rằng: "Các công ty đa quốc gia sẽ phải đối mặt với một môi trường ngày càng nặng tính thù địch, đặc biệt nếu họ bị coi là tiếp tay cho các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế của Mỹ nhắm vào các công ty Trung Quốc".