…
Mẹ trở dạ khí nhà ẩm ướt
Chẫu chuộc hờn mưa trên tàu chuối non
Bóng ngọn đèn bế đứa trẻ con
Khô mắt mẹ ngóng tin cha chớp bể
***
Con lẫm chẫm tập đi
Men ngõ vắng tường rêu mà lớn
Mái rạ đèn khêu bao lần vẫn tắt
Đêm càng tối lời ru càng quặn thắt
Làm sao con ngủ giấc tròn
***
Thư cha gửi về
Lần nào cũng đang nhiệm vụ
Dặn ở nhà bình tâm
Tóc mẹ buốt sương khuya
Lạnh từng mũi kim suốt đời vá víu
Chạm mặt vải thêu nhóng nhánh trăng vàng
Hoang mang kéo ngày vào rạng
***
Những mùa thơ thẩn tuổi con
Mẹ xay giã dần sàng cấy thuê cuốc mướn
Vành nón mê hiu hắt nẻo mòn
Lưng áo sờn, mắt sâu bợt bạt
Lại năm mất mùa lúa bạc như lau
***
Trường ca Ngang qua bình minh - Giải Ba sáng tác về biên giới và hải đảo từ 1975 đến nay (Ảnh tác giả cung cấp). |
…
Rồi em sẽ nghe rõ cả tiếng anh
Nơi giấc mơ biếc kiệt cùng như thể
Màu mắt em trong bóng tối cuồng mê
Cơn tuyệt vọng ngày thủy triều thẫm đỏ
***
Có một cánh thư chưa bao giờ đến nổi
Khi tuổi anh trôi trên sóng bạc đầu
Anh nơi này còn em ở nơi đâu
Biển sẽ mở lòng trước nỗi niềm chôn giấu
***
Nghĩ về anh em hãy nhìn mây trắng
Chùm hoa trên cao nở riêng cho đôi ta
Anh âm thầm lưu lạc khơi xa
Với một phần Tổ Quốc…
(Trích trường ca: Ngang qua bình minh, Nxb Văn học, 2020)
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Việc đọc trích đoạn của một trường ca dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tính chỉnh thể của tác phẩm. Tuy nhiên, trường ca vốn có khả năng dung nạp nhiều thể thơ, phương thức, thủ pháp, nhằm làm tăng cấp độ biểu đạt, hướng tới đặc tính kỳ vĩ lớn lao, hào hùng bi tráng, trường hơi, trường sức của nó. Cũng vì thế, đôi khi, tách ra một vài mảnh ghép, dừng lại ở một vài chương khúc, người đọc cũng có được trải nghiệm cụ thể, tựa như đọc những bài thơ trọn vẹn.
Hai trích đoạn trong trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai là hai bè trầm trong bản giao hưởng bi tráng về biển đảo. Ở đó, phân đoạn 1 là cái nhìn về hậu phương (đất liền), nơi mẹ sinh con trong căn nhà ẩm ướt, nơi những túng thiếu gian nan dệt nên ngày tháng. Vời vợi tin cha chớp bể mịt mù, thơ thẩn tuổi con tường rêu ngõ vắng, buốt giá tóc mẹ nẻo mòn hiu hắt… là cái nhìn thật gần, thật sâu vào số phận con người, số phận dân tộc phía sau cuộc trường chinh gìn giữ giang sơn, đất-nước.
Phân cảnh hai là cái nhìn vượt lên đầu sóng, lắng xuống lòng biển sâu, nghe trong muôn trùng hải lý lời thì thầm của khơi xa. Vẫn là bè trầm, khúc trường ca mang âm hưởng bi tráng về người lính đảo. Khi ngọn triều dâng thẫm đỏ, khi tuổi anh trôi trên sóng bạc đầu, khi mây trắng mang những lá thư đi mãi, khi màu mắt em xanh biếc kiệt cùng ấy là khi anh hòa mình vào Tổ Quốc. Lời thơ da diết, cắt cứa, nhưng lại khiến lòng ta kiêu hãnh ngước lên, vì một đóa hoa đã hé nở trên đầu.