Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngăn voi 'đại náo' xóm làng

Theo một cán bộ huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chỉ riêng năm 2013 và tháng 9 năm nay đã có gần 300 lần đàn voi về hủy hoại nông sản, thiệt hại hàng trăm ha mía, mỳ, điều, xoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phê duyệt dự án giám sát đàn voi trên địa bàn tỉnh Đông Nai nhằm tránh xung đột giữa loài này và người; đồng thời cải tạo sinh cảnh, cảnh quan tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Dự án có tổng vốn hơn 74 tỷ đồng, trong đó 45 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, số còn lại từ ngân sách của tỉnh và các nguồn khác.

Mất rừng, voi phá nương rẫy

Mất môi trường sống, voi về phá nát nương rẫy của người dân.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện đàn voi trên địa bàn tỉnh còn 11 con, sống trong những cánh rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Cách nay khoảng chục năm, đàn voi có khoảng 20 con nhưng sau đó chết dần mà không rõ nguyên nhân. 

Khi khám nghiệm xác voi, người ta thấy thức ăn trong bụng chúng là các loại cây trái do người dân trồng nên không loại trừ khả năng voi bị đầu độc. Tuy nhiên, dân trong vùng khẳng định không ra tay tàn độc như vậy vì đối với họ, voi là loài vật linh thiêng, thường được gọi một cách trân quý là “ông Bồ”.

Trong các năm qua, do hiếm thức ăn nên đàn voi đã kéo nhau về tàn phá các rẫy điều, xoài, mía… của người dân. Nhiều căn nhà, trang trại của dân ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán (Đồng Nai) bị voi phá nát. Thậm chí, một người dân đã bị voi quật chết. 

“Đã xảy ra cuộc chiến gay gắt giữa voi và người. Con người xâm lấn địa bàn khiến voi không còn đất sống, thức ăn nên buộc phải chống trả”, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết.

Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, hiện tại, người dân một số xã giáp rừng thuộc huyện này và huyện Định Quán vẫn phải thức đốt đuốc, nổi cồng chiêng xua đuổi đàn voi về phá rẫy hằng đêm. 

“Năm 2013 và 9 tháng đầu năm nay, theo thống kê, đã có gần 300 lần đàn voi kéo về hủy hoại nông sản, làm thiệt hại gần 100ha mía, 60ha mì, 50ha điều, xoài... của dân”, một cán bộ UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay.

Dùng hàng rào điện tử

Đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết dự án bảo tồn voi được lập ra cách nay nhiều năm nhưng đến nay mới được duyệt và bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án là bảo tồn đàn voi rừng và bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị voi phá nát mùa màng, đe dọa tính mạng. 

Đàn voi rừng tại Đồng Nai đã chết dần trong những năm qua.

Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng Phòng Bảo tồn Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết hiện tại dự án đang trong giai đoạn vận động dân bàn giao mặt bằng, đồng thời đấu thầu thiết kế, thi công công trình. Hạng mục quan trọng nhất của dự án là hàng rào điện tử ngăn voi, trong đó có 20 km hàng rào cố định và 10 km hàng rào di động đặt tại khu vực rừng thuộc 2 xã Mã Đà và Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.

Theo mô tả ban đầu, hàng rào sẽ được làm bằng dây điện để voi không qua được nhưng các con vật khác vẫn có thể qua lại dễ dàng. Hàng rào này sử dụng điện năng lượng mặt trời, cũng có thể dùng điện 220V. Lượng điện trong hệ thống có cường độ thấp chỉ đủ giật gây hoảng sợ, không làm chết người và động vật. Dọc hàng rào điện sẽ có khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào có thể qua lại được, đồng thời có các chốt kiểm lâm canh giữ. Dự án sẽ hoàn thành sau 12 tháng thi công.

Theo ông Mùi, ngoài tỉnh Đồng Nai, một số địa phương khác có khu bảo tồn như Nghệ An, Đắk Lắk cũng đang chuẩn bị áp dụng phương pháp này. Trước đây, khi mới bắt tay vào thực hiện dự án, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng hàng rào điện tử gây giật sẽ khiến voi bị ức chế, trở nên hung hãn. 

“Chúng tôi cũng đã lưu ý vấn đề này, tuy nhiên trên thế giới ít có trường hợp đó xảy ra”,  ông Mùi nói.

Nên di dời dân ra khỏi khu bảo tồn

Theo ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, ngoài phương án lập hàng rào điện tử nhằm giảm xung đột giữa voi và người, di dời dân ra khỏi khu bảo tồn được đánh giá là hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kinh phí di dời dân ra khỏi khu bảo tồn lại quá tốn kém nên chưa thực hiện được. Hiện tại, có 1.200 hộ dân đang sống trong khu bảo tồn.

Voi rừng lại về khu dân cư kiếm ăn

Những ngày gần đây, một đàn voi rừng liên tục xuất hiện tại khu vực thôn 20 (xã Đăk D’rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) tìm kiếm thức ăn tại các cánh đồng mía, ngô, mỳ.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngan-voi-dai-nao-xom-lang-20141215220135279.htm

Theo Xuân Hoàng/Người lao động

Bạn có thể quan tâm