Sau 1 ngày, 2 đêm đánh trống, gõ chiêng, đốt lửa, đến 2h ngày 27/9, lực lượng chức năng và người dân đã đuổi được đàn voi rừng gần 30 con ra khỏi thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk.
Trước đó, đàn voi rừng này đã về phá hoại nhiều diện tích cây trồng, nhà cửa, chòi rẫy của hàng trăm hộ dân ở các xã Ia R’vê, Ia J’lơi và Ia Lốp (huyện Ea Súp) rồi di chuyển lên khu vực thôn 5, thị trấn Ea Súp.Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, voi rừng ngày càng hung dữ, sẵn sàng tấn công người và tiến sâu vào khu dân cư, nương rẫy của người dân để tìm thức ăn.
Quần thảo thị trấn
Khoảng 18h ngày 25/9, nhận được tin báo của người dân, khoảng 100 người thuộc lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ… tức tốc xuống thôn 5, thị trấn Ea Súp phối hợp với người dân xua đuổi voi rừng.
Chỉ cách trung tâm thị trấn khoảng 2 km, dân cư đông đúc, lại không phải là đường di chuyển nhưng không hiểu sao voi rừng vẫn men theo con suối nhỏ để vào khu vực thôn 5.
Khi phóng viên theo chân lực lượng chức năng tới khu vực voi về thì chứng kiến một cảnh hỗn loạn, căng thẳng bao trùm, hàng chục người dân dùng các dụng cụ như xoong nồi, thùng phuy, trống, chiêng, đốt đuốc… giành giật từng mét cây trồng với đàn voi.
Đàn voi rừng này phá nát gần 2 sào lúa của gia đình anh Nguyễn Minh Khôi ở thôn 5, thị trấn Ea Súp. |
“Chỉ huy trưởng”, ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea Súp, tay cầm loa phóng thanh luôn miệng chỉ đạo lực lượng chức năng và người dân dàn hàng ngang chặn voi vào khu vực vườn của anh Nguyễn Minh Khôi.
Tiếng xoong nồi, thùng phuy, trống, chiêng và còi hụ của loa phóng thanh inh ỏi cả một khu vực. Từng can dầu được mang đến tẩm vào chăn bông, bó đuốc ném về đàn voi… Sau hơn một giờ, lực lượng chức năng và người dân tạm thời “đánh bật” được đàn voi ra khỏi mảnh vườn của anh Khôi. Lúc này đã 22h.
Với vẻ mặt phờ phạc, anh Khôi cho biết: “Khoảng 19h ngày 25/9, tôi đang ngồi xem ti vi thì nghe tiếng động lớn sau nhà. Nghĩ có kẻ gian rình mò trộm cá, tôi xách đèn pin ra thì tá hỏa và không tin vào mắt mình khi một đàn voi đen sì đang quần thảo ruộng lúa.
Lấy lại bình tĩnh, tôi chạy vào nhà khiêng cái thùng phuy ra đánh liên tục nhưng đàn voi vẫn bình thản phá lúa. Hoảng quá, tôi gọi điện báo cho chính quyền xuống hỗ trợ, gần 2 sào lúa của gia đình sắp gặt coi như mất trắng”.
Câu chuyện giữa tôi và anh Khôi chưa kết thúc thì tiếng xoong nồi lại vang lên ở khu vực giáp bờ suối. Khi chúng tôi chạy tới thì bà Phạm Thị Dung và con trai là anh Nguyễn Văn Tiệp đang dùng xoong nồi xua đuổi đàn voi. Hóa ra, sau khi “thất thủ” ở vườn anh Khôi, đàn voi không chịu về rừng mà quay sang phá vườn đậu, điều của gia đình bà Dung. Lực lượng chức năng lại tiếp tục dàn hàng nổi trống, chiêng, phóng lửa xua đuổi voi rừng.
Không ít lần, lực lượng chức năng phải bỏ chạy vì voi quay lại lao vào tấn công người. Sau 1 ngày, 2 đêm, lực lượng chức năng và người dân đã đuổi được đàn voi ra khỏi khu vực dân cư.
Dân trắng tay
Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, đàn voi này có khoảng 20-25 con, sống trong khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh. Đàn voi thường xuyên về nương rẫy của người dân các xã giáp ranh với rừng phá hoại cây trồng nhưng đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, voi về khu vực thị trấn.
Hiện UBND thị trấn Ea Súp đang thống kê thiệt hại của người dân nên chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì chỉ trong đợt này, voi rừng đã phá hoại nhiều ha cây trồng như: điều, xoài, lúa, đậu… của người dân thôn 5.
Tổ đuổi voi xã Ia R’vê. |
Đàn voi không chỉ gây thiệt hại cho người dân thôn 5, thị trấn Ea Súp mà thường xuyên di chuyển về khu vực nương rẫy của người dân ở các xã giáp rừng của huyện Ea Súp. Ông Trần Văn Lực, ngụ thôn 4, xã Ia R’vê, nói: “Gia đình tôi có 3 ha sắn canh tác từ nhiều năm nay. Ba năm trở lại đây chưa năm nào gia đình tôi thu hoạch trọn vẹn vì cứ đến kỳ thu hoạch là voi rừng lại kéo về tàn phá.
Cách đây khoảng 1 tuần, đàn voi hơn 10 con kéo về rẫy sắn nhổ sạch. Chúng ăn rất ít nhưng cây nào chúng cũng nhổ lên rồi giẫm nát. Công sức, vốn liếng bỏ ra trong 3 năm gần trăm triệu đồng nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu”.
Để đối phó với voi rừng, chính quyền các xã đã chỉ đạo thành lập nhiều tổ chia nhau túc trực để đuổi voi. Tối đến, các tổ này mang theo võng, ống thụt (một dụng cụ gây tiếng nổ lớn bằng đất đèn) vào những khu vực voi thường xuất hiện. Khi phát hiện voi, người dân dùng ống thụt gây nổ để xua đuổi.
Ông Nguyễn Can, ngụ xã Ia R’vê, cho biết: Cách đây mấy hôm, nhóm của ông gồm 4 người đang mắc võng trên cây điều thì bất ngờ xuất hiện một bầy voi. Hoảng hồn, mọi người lấy ống ra thụt một hồi lâu voi mới bỏ đi. “Trước đây, khi ngửi thấy mùi người, voi liền bỏ đi nhưng gần đây, voi rất lì lợm, chúng sẵn sàng xông thẳng vào người nếu không kịp tạo tiếng nổ lớn”.
Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê, cho biết đàn voi khoảng 25 con xuất hiện từ ngày 20/7 đến nay di chuyển qua lại giữa thôn 1, 7, 10 của xã. Có ít nhất 3,5 ha bắp, sắn của người dân các thôn này bị voi phá trắng. “Chúng tôi chỉ biết thành lập các tổ để hạn chế voi phá hoại mùa màng; về lâu dài chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng”, ông Hải nói.
Chưa hết lo
Hiện đàn voi rừng đã bị xua đuổi vào khu rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh, tuy nhiên việc đàn voi quay trở lại khu dân cư để tìm kiếm thức ăn hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh có rất nhiều hộ dân xâm canh, nếu họ đang làm rẫy mà gặp voi rừng thì vô cùng nguy hiểm.