Trong phần khai mạc kỳ họp thường niên ngày 5/3, Quốc hội Trung Quốc công bố báo cáo ngân sách cho biết chi tiêu cho quốc phòng năm 2019 sẽ tăng 7,5% so với năm 2018. Tổng ngân sách quốc phòng lên đến 1,19 nghìn tỷ RMB (khoảng 177,49 tỷ USD), theo Reuters.
Năm 2018, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 8,1%. Mức tăng trong hai năm 2017 và 2016 lần lượt là 7% và 7,6%. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn nằm ở mức hai con số.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc được giới phân tích quốc tế theo dõi sát sao để hiểu thêm về những ý định chiến lược của Bắc Kinh. Nước này đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển nhiều vũ khí và khí tài quân sự mới như máy bay tàng hình, tàu sân bay và tên lửa diệt vệ tinh.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận trên Thái Bình Dương năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Theo AFP, việc tăng chi tiêu quốc phòng còn để tăng lương và điều kiện sống của quân nhân. Nội dung này nằm trong kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra thời gian qua.
Bắc Kinh không công khai nội dung chi tiêu quốc phòng của mình. Nhiều chuyên gia nhận định sự thiếu tính minh bạch này có thể khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại về an ninh.
Một người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc ngày 4/3 cho biết Bắc Kinh sẽ duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng "một cách hợp lý và phù hợp" để đảm bảo nhu cầu cải cách quân đội và an ninh quốc gia.
Ông cho biết chi tiêu quốc phòng "hạn hẹp" của Trung Quốc nhằm "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" và không có mục đích đe dọa những nước khác.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh tình hình an ninh trên eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn còn phức tạp. Trong thời gian qua, Bắc Kinh nhiều lần đề cập sẵn sàng thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Các hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên diễn ra trong khu vực eo biển Đài Loan.
Trung Quốc cũng tiếp tục các hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép nhiều thực thể trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại xảy ra va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực đặc biệt khi Mỹ vẫn duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải nhằm bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.