Theo Wall Street Journal, các ngân hàng ở Myanmar đồng loạt đóng cửa, nhân viên chính phủ ngừng làm việc. Công nhân nhà máy lũ lượt bỏ về quê. Doanh nghiệp nước ngoài cũng đưa nhân viên rời khỏi Myanmar. Phần lớn Internet bị cắt.
Hơn 2 tháng kể từ khi quân đội Myanmar nắm chính quyền, nền kinh tế nước này lao dốc không phanh. Ngân hàng Thế giới và các tổ chức kinh tế khác dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ suy giảm hai chữ số trong năm nay.
Binh biến đã xóa sạch thành tựu của đất nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo những năm qua, khiến các doanh nghiệp và ngành du lịch nước ngoài lo sợ.
Nền kinh tế Myanmar lao dốc không phanh sau cuộc binh biến. Ảnh: Wall Street Journal. |
Phạt tiền các ngân hàng không mở cửa
Myanmar là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á. 6 triệu người có mức sống dưới 3,2 USD/ngày, ngưỡng nghèo đối với các nước thu nhập trung bình thấp như Myanmar. 25% trẻ em tại đây quá thấp bé so với tuổi vì chế độ dinh dưỡng không đầy đủ.
Theo Wall Street Journal, nguyên nhân là trong nửa thế kỷ, Myanmar đã bị cai trị bởi các tướng lĩnh quân đội với những chính sách tai hại. Bức tranh bắt đầu thay đổi sau khi quá trình mở cửa dân chủ đưa một chính phủ dân sự lên nắm quyền, đầu tư nước ngoài chảy vào nhiều hơn.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 42,2% năm 2010 xuống 24,8% năm 2017.
Tuy nhiên, quá trình này đã bị đảo ngược. Ngân hàng Thế giới ước tính số người sống dưới mức 3,2 USD/ngày tại Myanmar sẽ tăng 30% vào năm 2021, tức có thêm 1,8 triệu người nghèo trong vòng một năm.
Người lao động đình công để phản đối chế độ quân sự Myanmar. Ảnh: Wall Street Journal. |
Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP 12 tháng (tính đến tháng 9/2021) của Myanmar từ 2% xuống âm 10%. Công ty phân tích Fitch Solutions thậm chí còn cho rằng GDP của đất nước sẽ sụt giảm 20% do người dân mua ít hơn. Thuế thu nhập lao dốc cũng khiến chi tiêu công giảm xuống.
Kể từ sau cuộc binh biến, các đường phố ở Myanmar chật kín người biểu tình. Theo nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 600 người đã thiệt mạng tính đến nay.
Các viên chức, nhân viên ngân hàng và công nhân nhà máy cũng ngừng làm việc để thể hiện sự phản đối quân đội. KBZ - ngân hàng tư nhân lớn nhất Myanmar - chỉ mở cửa 14 trong số hơn 500 chi nhánh, theo trang web của ngân hàng.
Nếu chúng ta không mở cửa, cơ quan quản lý sẽ vào cuộc và mở cửa ngân hàng thay chúng ta
Ngân hàng KBZ
"Nếu không đủ nhân viên và nguồn lực, việc điều hành nền kinh tế là không thể", anh Kaung Htet, 30 tuổi, nhân viên tại Ngân hàng Phương Đông Myanmar, nhận định.
Hôm 7/4, một tờ báo nhà nước đã trích dẫn lời Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, người lãnh đạo cuộc đảo chính, cho rằng phong trào bất tuân dân sự là "phá hủy đất nước".
Ngân hàng trung ương Myanmar đe dọa sẽ phạt tiền các ngân hàng không mở cửa trở lại, theo nguồn tin của Wall Street Journal. Tháng trước, KBZ gửi thông báo cho các nhân viên, thừa nhận họ đang ở trong một tình thế "không có lợi". "Nếu chúng ta không mở cửa, cơ quan quản lý sẽ vào cuộc và mở cửa ngân hàng thay chúng ta", KBZ viết.
Nhưng ngay cả các nhân viên của ngân hàng trung ương Myanmar cũng đình công. Một số nhân viên chính phủ đã lập các nhóm cung cấp chỗ ở và hỗ trợ tài chính cho những đồng nghiệp từ chối làm việc và bị đuổi khỏi bang.
Vết thương lan rộng
Ông Zaw Wai Soe, một bác sĩ phẫu thuật, nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào, cho biết một số người ủng hộ đang bán đất để gây quỹ. Nhiều công dân giàu có ở nước ngoài cũng đang đóng góp. Ông khẳng định mục tiêu là "từng bước khiến bộ máy quân sự chùn bước và dừng lại".
Tuy nhiên, một số công nhân không có việc làm đã bắt đầu bị áp lực đè nén. Một nhân viên làm việc cho Quốc hội Myanmar cho biết ông đang sống tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của ông vẫn phải nuôi gia đình. Họ bắt đầu suy nghĩ xem có nên tiếp tục hay không.
Một nhân viên 30 tuổi làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Yangon cho biết công ty của anh đã đưa ra các chỉ dẫn cho nhân viên để trở lại vào tháng 5.
Vết thương kinh tế đang lở loét. Ngành công nghiệp may mặc - chiếm khoảng 25% hàng hóa xuất khẩu của Myanmar - đang thua lỗ. Các thương hiệu lớn như Benetton của Italy đã dừng đơn đặt hàng mới.
Những cuộc biểu tình và đàn áp bạo lực trong các khu công nghiệp đã khiến nhiều công nhân phải bỏ việc và trở về quê. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt người lao động trầm trọng.
Nhiều nhân viên ngân hàng, nhà máy bỏ việc làm để trở về quê. Ảnh: Wall Street Journal. |
Những hạn chế Internet quy mô lớn - bao gồm việc mất điện hàng đêm, sự gián đoạn lớn đối với kết nối băng thông rộng không dây và di động mỗi ngày - đang làm tê liệt các lĩnh vực kinh doanh từ tài chính đến khách sạn.
Một chủ nhà hàng ở Yangon cho biết hoạt động kinh doanh của ông chủ yếu dựa vào các đơn đặt hàng trực tuyến trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, những đơn đặt hàng này hiện không còn. Điều đó kéo tụt doanh thu đến 70%.
Du lịch quốc tế, đã tăng gấp 5 lần trong vòng một thập kỷ qua, cũng lao đao. Chủ nhà hàng ở Yangon cũng điều hành một công ty du lịch phục vụ du khách châu Âu và bắc Mỹ.
Ông hạn chế sa thải nhân viên ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Thay vào đó, các nhân viên sẽ được trả một nửa mức lương và giảm giờ làm. Nhưng bây giờ, ông đang chuẩn bị cho nhân viên rời đi.