Chỉ trong vài năm trở lại đây, ngành tài chính ngân hàng đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào giao dịch ngân hàng. Từ chuyển tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm, đến mua bảo hiểm… các giao dịch này hiện đều được ngân hàng tích hợp trên kênh số.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có tới 95% ngân hàng trong nước đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.
Mới nhất, chính NHNN cũng đưa ra kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu hướng đến năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.
Giữa giai đoạn tăng trưởng của công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, dịch Covid-19 xuất hiện lại trở thành chất xúc tác làm bùng lên nhu cầu về việc thực hiện các giao dịch ngân hàng trên kênh số hóa.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý tiền tệ, tính đến cuối quý III/2021, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua kênh Internet Banking và Mobile Banking đã đạt lần lượt 167,3 triệu và 506,6 triệu giao dịch, tương ứng với giá trị trên 8,44 triệu tỷ và 4,99 triệu tỷ đồng.
Trong khi số lượng giao dịch qua kênh Internet vào quý I/2020 mới là 94.833 giao dịch, giá trị đạt 55.533 tỷ đồng và qua kênh Mobile là 56.233 giao dịch với giá trị 543.454 tỷ.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa qua kênh Internet, Mobile Banking đã tăng hàng nghìn lần.
Việc bùng nổ về giao dịch trực tuyến cho thấy nhu cầu thực tế trong việc sử dụng kênh ngân hàng số của người dân, đặc biệt là các nhóm khách hàng mới, am hiểu về công nghệ.
Không đứng ngoài xu hướng này, VPBank cũng đặt tham vọng lớn với Ubank - một ứng dụng ngân hàng số hướng tới nhóm khách hàng mới, là những người trẻ tuổi, am hiểu công nghệ và là nhóm giao dịch thường xuyên nhất trên các kênh ngân hàng điện tử hiện nay.
Cùng với xu hướng bùng nổ về giao dịch trên kênh điện tử, dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác khiến số lượng tài khoản thanh toán của người dân tăng mạnh.
Cũng theo NHNN, tính đến cuối quý III/2021, toàn thị trường ghi nhận hơn 110 triệu tài khoản thanh toán cá nhân với số dư trên 794.241 tỷ đồng. So với cuối năm 2020, các cá nhân trong nước đã mở mới hơn 10,5 triệu tài khoản, tương đương mỗi ngày có khoảng 38.900 tài khoản mới.
Tương tự là số dư tiền trong các tài khoản thanh toán này đã tăng liên tục trong 6 quý gần nhất, hiện ở mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, gần 800.000 tỷ đồng này lại bị tính là các khoản tiền gửi không kỳ hạn theo chính sách hiện tại của các ngân hàng. Trong đó, mức lãi suất của loại tiền gửi này chỉ vào khoảng 0,1-0,2%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi tiền gửi có kỳ hạn (3-4%/năm với dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm với trên 12 tháng).
Nắm bắt xu hướng dòng tiền gửi thanh toán này, đồng thời để gia tăng lợi ích cho khách hàng, Ubank đã tích hợp tính năng tiết kiệm tự động với số dư trên tài khoản thanh toán Ubank.
Theo đó, mỗi khoản tiền trong tài khoản Ubank của khách hàng (từ 30 ngày trở lên) sẽ tự động sinh lời với lãi suất 3,6%/năm, cao gấp 18-36 lần lãi suất hiện tại và cao hơn cả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng các nhà băng áp dụng phổ biến hiện nay (3,1-3,3%/năm). Đặc biệt, dịch vụ này được thực hiện tự động và khách hàng không cần thực hiện bất kỳ thao tác nào.
Khi khách hàng giao dịch, Ubank sẽ tự động trích tiền từ các tài khoản tiền gửi này và vẫn tính lãi suất với số tiền gửi còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng vừa có thể thanh toán linh hoạt vừa có thể sinh lời trên số dư tài khoản.
Tạm tính với mức lãi suất 3,6%/năm mà Ubank áp dụng, nếu toàn bộ gần 800.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán người dân kể trên được tính theo mức lãi suất này, bình quân mỗi năm khách hàng sẽ nhận về khoảng 28.600 tỷ đồng tiền lãi, thay vì mức tiền lãi chỉ chưa tới 800 tỷ đồng theo biểu lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện tại.
Quay lại với hoạt động số hóa dịch vụ ngân hàng, ngoài các giao dịch thông thường của một ngân hàng truyền thống như chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm… đa số nhà băng đều đã tích hợp thêm các dịch vụ fintech trên kênh số như mua bảo hiểm, đặt vé máy bay, tàu xe, đặt phòng khách sạn, mua sắm online…
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà nhà làm ngân hàng số, người người dùng ngân hàng số, thị trường mở rộng cũng mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng, yêu cầu của khách hàng với một ứng dụng cũng đa dạng hơn.
Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc khái niệm ngân hàng điện tử dù chỉ mới xuất hiện vài năm nhưng đã lỗi thời. Thay vào đó, cuộc cạnh tranh mới khốc liệt hơn được ra đời mang tên ngân hàng số.
Thậm chí, việc đưa toàn bộ giao dịch ngân hàng truyền thống lên kênh số là chưa đủ để phân biệt các ngân hàng với nhau. Điều này buộc các nhà băng phải phát triển theo hướng đưa các dịch vụ chuyên biệt, dịch vụ mới để tạo sự khác biệt với thị trường ngân hàng số nói chung và ngân hàng truyền thống nói riêng.
Là ngân hàng số ra đời sau, để không đi lại vết xe cũ của các ngân hàng trước, Ubank đã chọn phát triển tập trung vào việc xây dựng tài khoản thanh toán với định hướng “Tiết kiệm để kiếm tiền, chi tiêu để kiếm tiền” và mọi người khách hàng đại chúng đều có thể tiếp cận và sử dụng tất cả sản phẩm chỉ bằng một tài khoản duy nhất.
Dịch vụ khác biệt của ngân hàng này không chỉ dừng lại ở sinh lời tự động trên số dư tiền gửi thanh toán mà còn là trải nghiệm lần đầu tiên xuất hiện trên giao dịch thanh toán qua thẻ ghi nợ Debit, đó là hoàn tiền.
Từ trước đến nay, khái niệm hoàn tiền chủ yếu xuất hiện với các giao dịch chi tiêu, thanh toán qua thẻ tín dụng. Tuy nhiên, Ubank muốn thay đổi quan điểm này và tích hợp tính năng hoàn tiền không giới hạn trên mỗi giao dịch chi tiêu qua thẻ ghi nợ Ubank Mastercard.
Trong đó, tỷ suất hoàn tiền lên tới 1%/giao dịch và hoàn tiền không giới hạn cho mọi giao dịch thanh toán. Cùng với dịch vụ tự động sinh lời, đây cũng là dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện trên một thẻ ATM do một ngân hàng trong nước cung cấp.
Đặc biệt, nếu sử dụng tài khoản Ubank là tài khoản nhận lương, mức hoàn tiền khi thanh toán khách hàng được áp dụng sẽ nâng lên mức 1,2%/giao dịch.
Việc đưa những dịch vụ chưa từng xuất hiện trên cả kênh ngân hàng truyền thống và ngân hàng số là hướng đi riêng của Ubank trong bối cảnh ngân hàng số nở rộ.
Thực tế, dù rất nhiều nhà băng cho ra mắt các ngân hàng số tích hợp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, nhưng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này vẫn phụ thuộc nhiều vào chi nhánh vật lý. Nhiều giao dịch thiết yếu của khách hàng vẫn chưa thể thực hiện trên kênh số mà vẫn yêu cầu khách hàng đến các chi nhánh vật lý, đặc biệt là cho vay.
Bên cạnh đó, NHNN đã chính thức ban hành quy định về eKYC, nhưng đa số ngân hàng mới chỉ dừng lại ở mức cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến. Trong khi đó, các giao dịch cho vay vẫn phải thực hiện tại quầy.
Tuy nhiên, Ubank một lần nữa tiên phong trong việc cho phép khách hàng đăng ký khoản vay từ xa trên kênh số, áp dụng với khách nhận lương qua tài khoản UBank.
Theo đó, khách hàng không cần thực hiện các giao dịch phức tạp như đi vay ngân hàng truyền thống, nhờ vậy, thời gian thực hiện khoản vay chỉ trong 5 phút thay vì 2-3 ngày. Bên cạnh đó, khách hàng cũng không cần phải cung cấp bất kỳ thủ tục, giấy tờ nào.
Ông Marek Hovorka, Giám đốc ngân hàng số Ubank, cho biết việc cung cấp khoản vay theo lương gấp 10 lần là một trong những chiến lược nhằm tạo ra ngân hàng số từ xa, cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính, sinh lời và điểm tựa tài chính cho khách hàng.
Với các dịch vụ sẵn có, khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng tài khoản Ubank như một tài khoản chính. Trong đó, mọi giao dịch tài chính trên kênh ngân hàng truyền thống, ví điện tử, ứng dụng tiết kiệm… đều có thể thực hiện trên Ubank.
Vị lãnh đạo ngân hàng cho biết thực tế, các ngân hàng truyền thống hiện nay thường tập trung xây dựng, cung cấp các dịch vụ tốt cho nhóm khách hàng có thu nhập cao, nên nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp thường không có nhiều lợi ích ngân hàng. Do đó, đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng để Ubank cung cấp các giải pháp sản phẩm và dịch vụ ngân hàng toàn diện.
Bên cạnh các dịch vụ lần đầu xuất hiện kể trên, Ubank còn áp dụng các chính sách miễn hầu hết loại phí giao dịch, tặng gói bảo hiểm với quyền lợi lên đến 100 triệu/năm cho khách hàng... Trong thời gian tới, ngân hàng cũng dự kiến tung ra các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, chương trình mua ngay trả sau, cơ hội đầu tư…
Về lý do Ubank chọn hướng đi này, lãnh đạo ngân hàng cho biết xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển nhanh sau đại dịch Covid-19 và các khách hàng cũng dần có nhận thức hơn về việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Với vị trí là ứng dụng ngân hàng số tiên phong trong việc cung cấp tất cả sản phẩm và dịch vụ ngân hàng (kể cả sản phẩm vay), Ubank muốn mang lại cho khách hàng mọi nhu cầu tài chính từ xa với quy trình tự động hoá và chỉ cần thực hiện trên một ứng dụng.