Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo Thông tư 01 sửa đổi tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo lãnh đạo NHNN, dự kiến Thông tư 01 sửa đổi được trình Thủ tướng phê duyệt ngay trong tháng 1 này.
Theo chia sẻ của các cơ quan quản lý, dự thảo Thông tư 01 đang được lấy ý kiến sửa đổi theo hướng yêu cầu các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được cơ cấu theo Thông tư 01/2020 trước đó. Tuy nhiên, các ngân hàng không bị yêu cầu trích lập đủ số dư nợ bị ảnh hưởng ngay mà được xem xét trích lập dần trong 3 năm.
Cụ thể, nếu chênh lệch giữa số tiền dự phòng phải trích lập với số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lớn hơn 0, các ngân hàng phải trích bổ sung dự phòng 30% số tiền chênh lệch từ khi thông tư mới có hiệu lực đến hết năm 2021.
Từ 2022, tỷ lệ trích lập này phải tối thiểu bằng 60% số tiền chênh lệch và tăng lên 100% từ năm 2023. Từ năm 2024, các tổ chức tín dụng sẽ xác định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bình thường theo quy định của NHNN hiện nay.
Về vấn đề này, bà Trịnh Phong Lan, Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (thuộc Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính đã có góp ý tới NHNN trong việc xây dựng dự thảo Thông tư 01 sửa đổi theo hướng đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được cơ cấu nợ, không bị chuyển nhóm nợ.
Tuy nhiên, bà Lan cho biết nội bộ các tổ chức tín dụng vẫn phải phân loại nợ đúng bản chất và tự phân loại nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng nhóm và có trích lập đầy đủ, có nguồn dự phòng để thực hiện trích lập khi Thông tư mới có hiệu lực.
Các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng với dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 trong thời gian 3 năm. Ảnh: Việt Linh. |
Bà Lan cho biết thêm trong văn bản mới nhất gửi sang Bộ Tài chính lấy ý kiến, NHNN cũng đã có yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ cho phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý tiền tệ đề xuất thời gian trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm. “Phía Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đồng ý với chủ trương này”, bà Lan chia sẻ.
Trong khi đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng lợi nhuận năm nay của các ngân hàng có thể chỉ khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với mức 20-25%/năm những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ quy định phải trích lập dự phòng với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong Thông tư 01 sửa đổi.
Ông Lực cho biết hiện cả NHNN và Bộ Tài chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 theo hướng tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp được vay nợ với lãi suất bình thường nhưng các ngân hàng phải trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất khoản nợ.
Theo vị chuyên gia, số dư nợ được cơ cấu lại tính đến cuối năm 2020 vào khoảng 350.000 tỷ đồng. Nếu một nửa số này trở nên xấu hơn, tương đương khoảng 2% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ trở nên xấu hơn. Số này cộng với 2% nợ xấu nội bảng hiện nay sẽ kéo tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2021 lên trên 3%, thậm chí là gần 4%.
Cùng với nguy cơ nợ xấu gia tăng, hệ thống ngân hàng cũng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro từ đó tác động giảm lợi nhuận.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng có ước tính tỷ lệ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020 của một số ngân hàng đến tháng 9/2020. Trong đó, tỷ lệ tại Techcombank là 3,07%; ACB 3,2%; HDBank 4,5%; Eximbank 6%; TPBank 7,4%; VPBank 10,5%...