Nhận định trong báo cáo triển vọng vĩ mô 2021 mới công bố, các chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng các biện pháp đối phó với dịch Covid-19 và kích cầu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm vừa qua tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, quyết định hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp cùng việc hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 1 năm mang tính chất nới lỏng có kiểm soát nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản như giai đoạn 2009-2011.
Tuy vậy, các chính sách tiền tệ này vẫn nhẹ hơn so với các nước trong khu vực và chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại, do đó mức tác động đến cung tiền là không nhiều.
Trong khi đó, tình trạng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu kho bạc xuống mức thấp nhất nhiều năm chủ yếu do thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa. Nguyên nhân do cầu tín dụng yếu vì ảnh hưởng dịch bệnh và NHNN bơm ròng gần 350.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (khoảng 15 tỷ USD).
Trước xu hướng này, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh 1,5-3%/năm cho các kỳ hạn, trong khi lãi suất cho vay giảm nhẹ hơn, khoảng 0,5-1%/năm, chủ yếu do yêu cầu giảm từ NHNN.
Các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2020 nhẹ hơn so với các nước trong khu vực. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong năm nay, giới chuyên gia dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Đặc biệt, nhiều khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng chưa đáng lo ngại.
Theo đó, cung tiền M2 sẽ tăng nhẹ so với năm trước, dự kiến đạt 14% và nằm trong biên độ NHNN duy trì từ năm 2018. Mức tăng trưởng này được đánh giá là vừa đủ để cung cấp một lượng tiền lớn vào nền kinh tế (khoảng 1,5 triệu tỷ) mà không tạo áp lực lên bong bóng giá tài sản.
Tuy nhiên, theo KBSV, điểm bất lợi trong năm nay là công cụ bơm tiền đồng thông qua việc mua ngoại tệ đã bị hạn chế. Trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường OMO (hiện tại là 7 ngày).
Đáng chú ý, các chuyên gia tại KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ hiện đã chạm đáy từ trước đến nay, trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Thậm chí, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy tiếp vào nửa đầu năm nay, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa.
Tuy vậy, lãi suất sẽ có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm khi kênh bơm thanh khoản vào thị trường giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 tăng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm thường hồi phục nhanh và lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung, dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 cũng tác động tới chỉ tiêu này.
Các dự báo của KBSV cũng trùng với quan điểm của các tổ chức tín dụng đưa ra trong báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2021 do Vụ Dự báo Thống kê (thuộc NHNN) thực hiện mới đây.
Trong đó, hầu hết ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý I năm nay, với mức giảm bình quân 0,05-0,16 điểm %.
Đáng chú ý, các ngân hàng đều cho biết đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên và giảm thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng với các nhóm khách hàng khác trong nửa cuối năm 2020.
Trong nửa đầu năm 2021 này, các ngân hàng dự kiến tiếp tục nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng với các nhóm khách hàng. Trong đó, cơ sở để thực hiện việc nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng trên là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.