Nghị định 155/2020 mới được Chính phủ ban hành gần đây quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1.
Điểm đáng chú ý trong nghị định mới là quy định công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tối đa thấp hơn tỷ lệ quy định với điều kiện tỷ lệ này được Đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại Điều lệ công ty.
Theo quy định này, ngân hàng nói riêng và nhóm công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài nói chung vẫn được giữ quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Quy định kể trên cũng thay đổi so với dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán công bố hồi tháng 6. Theo đó, dự thảo ban đầu được cơ quan quản lý đưa ra dự kiến bỏ quyền tự quyết room ngoại của các doanh nghiệp đại chúng (bao gồm cả ngân hàng). Quy định này khiến nhiều nhà băng đưa quan điểm không đồng tình khi đây là nhóm có tỷ lệ giới hạn room ngoại lớn nhất.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%. Vì vậy, hầu hết nhà băng đều dùng quyền tự quyết trên để khóa tỷ lệ sở hữu này dưới mức tối đa (30%) và dành phần còn lại phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Ngân hàng vẫn được giữ quyền tự quyết room ngoại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tư nhân tại Hà Nội cho biết trường hợp không được tự quyết room ngoại, ngân hàng sẽ không còn quyền đàm phán bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, qua đó không thể mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng bỏ quyền tự quyết room ngoại của doanh nghiệp giúp nhà đầu tư nước ngoài tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, nhưng lại làm mất đi mục tiêu lớn của ngân hàng trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài này thấp hơn quy định như HDBank giới hạn ở 21,5%; Techcombank khóa tại 22,5%; VPBank khóa ở 15%…
Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh cho rằng việc cho phép ngân hàng tự quyết room ngoại là điều cần thiết, bởi ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù.
Theo vị này, trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay rất “hấp dẫn”, nếu ngân hàng không khóa room ngoại thì hầu hết ngân hàng lớn đều sẽ chạm trần tỷ lệ sở hữu này (30%). So với việc xé nhỏ tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, việc đàm phán bán cả lô 10-15% cho nhà đầu tư lớn sẽ mang lại lợi ích lớn hơn.
“Nếu có đủ tỷ lệ để chọn nhà đầu tư chiến lược, ngân hàng vừa có lợi thế trên bàn đàm phán về giá bán, vừa có cơ hội tìm kiếm được đối tác hỗ trợ kinh doanh thay vì chỉ là nhà đầu tư đơn thuần”, vị Phó tổng giám đốc nhấn mạnh.
Ngoài quy định nói trên, Nghị định 155 còn quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện là 50% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng không thuộc các trường hợp đặc biệt là không giới hạn.
Các trường hợp đặc biệt ở đây bao gồm công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà điều ước quốc tế có Việt Nam là thành viên quy định về sở hữu nước ngoài; kinh doanh mà pháp luật liên quan có quy định về sở hữu nước ngoài; thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam bao gồm viễn thông, tài chính, xuất bản, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, sòng bạc…