Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của NCB diễn ra chiều 29/7, ban lãnh đạo nhà băng này đã trình và được cổ đông thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong đó, 2 thành viên mới này bao gồm bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Như vậy, Ban quản trị NCB nhiệm kỳ này sẽ hoạt động với 5 thành viên là ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Phạm Thế Hiệp, ông Kido Tamaki, bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền.
Cùng ngày, HĐQT ngân hàng cũng bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhận vai trò Phó chủ tịch.
Bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân năm 2001, và nhận chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập năm 2005 (CPA - Bộ Tài chính). Bà cũng có bằng Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) và được cấp chứng chỉ Kế toán viên công chứng Australia năm 2014 (CPA).
Trước khi gia nhập NCB và ngồi ghế Chủ tịch ngân hàng, bà Hương đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính ngân hàng và quản lý điều hành doanh nghiệp.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, tân Chủ tịch HĐQT NCB. Ảnh: NCB. |
Bà từng nắm giữ nhiều vị trí cấp cao tại các tổ chức tài chính, ngân hàng như Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính chiến lược TPBank; Phó giám đốc phụ trách khối tài chính kiêm Kế toán trưởng SeABank… Hiện tại, bà Hương còn đang là Tổng giám đốc (CEO) của Sun Group.
Theo quy định hiện nay, chủ tịch HĐQT, HĐTV, tổng giám đốc (giám đốc) của một ngân hàng không được đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT, HĐTV, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Như vậy, với việc được bầu vào vị trí Chủ tịch NCB, bà Hương sẽ phải thôi giữ vai trò CEO tại Sun Group.
Theo ban lãnh đạo NCB, việc bầu ra tân chủ tịch HĐQT cũng như đổi mới công tác quản trị điều hành là bước đi cần thiết và quan trọng trong bối cảnh ngân hàng đang trong lộ trình tái cơ cấu theo đề án đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Việc tái cơ cấu NCB đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, cần nhiều nỗ lực và quyết liệt hơn để đảm bảo thực hiện thành công.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi thông tin Tổng giám đốc Sun Group ngồi ghế Chủ tịch ngân hàng, cổ phiếu NVB của nhà băng này đã ghi nhận phiên tăng kịch biên độ hôm nay. Hiện thị giá NVB ở mức 20.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 92% so với đầu năm. Nếu tính trong 1 năm gần nhất, thị giá cổ phiếu nhà băng này đã tăng trên 140%.
Diễn biến giá cổ phiếu NVB của ngân hàng NCB từ đầu năm đến nay. Nguồn: Tradingview. |
Trước khi NCB tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu nhân sự lãnh đạo mới, cổ phiếu ngân hàng này đã trải qua tháng 7 với khối lượng giao dịch thỏa thuận cao đột biến.
Cụ thể, từ đầu tháng 7 đến nay, có tổng cộng gần 223 triệu cổ phiếu NVB được giao dịch giữa các nhà đầu tư, tương đương 54% số cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, hơn 117 triệu cổ phiếu được sang tay theo phương thức thỏa thuận, tương đương gần 30% cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.
Ước tính, giá trị các giao dịch thỏa thuận trong tháng 7 của cổ phiếu NVB lên tới trên 2.300 tỷ đồng.
NCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) được đổi tên từ năm 2014. Trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, ngân hàng này vẫn được xếp vào nhóm cỡ nhỏ với quy mô tổng tài sản chưa tới 84.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 4.100 tỷ.
Đến cuối tháng 6 năm nay, NCB mới có dư nợ cho vay khách hàng vào khoảng 41.700 tỷ đồng, cũng thuộc nhóm dưới của hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, nhà băng này vừa trải qua nửa đầu năm tài chính 2021 với khoản lợi nhuận trước thuế tăng 450% so với cùng kỳ, đạt 126 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ khi nhà băng này đi vào hoạt động đến nay.