Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng quan trọng như thế nào?

Ngay cả trong những nền kinh tế tư bản hiện đại, ngân hàng vẫn giữ vững vai trò trung tâm của vũ trụ tài chính.

Tuy nhiên, niềm tin rằng tiến bộ kinh tế cần song hành với phát triển ngành tài chính, với ngân hàng là trọng tâm, lại đi ngược trực giác trên nhiều khía cạnh. Nếu người trung gian tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách huy động tư bản và trao nó cho người sử dụng hiệu quả nhất, ta phải kỳ vọng đầu ra của quốc gia (GDP) sẽ tăng trưởng nhanh hơn đầu ra của ngành tài chính, và do đó làm giảm tỉ trọng của nó trong GDP.

Đây hẳn phải là trường hợp của nhiều “quốc gia mới công nghiệp hóa” thành công nhất nếu, đúng như họ tuyên bố, ngành tài chính của Anh và Mỹ đã phát triển vượt mặt nền kinh tế nước nhà thông qua xuất khẩu tư bản và dịch vụ đến phần còn lại của thế giới.

Nếu ngân hàng và thị trường tài chính trở nên hiệu quả hơn, các doanh nghiệp nên gia tăng sử dụng dịch vụ của họ theo thời gian, giảm dần ưu tiên sử dụng phương thức đầu tư tài chính nội bộ từ lợi nhuận giữ lại.

Ngan hang anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục tự đầu tư tài chính cho các dự án của mình bằng lợi nhuận giữ lại (trong sản xuất và phát triển sản phẩm mới), vì những nhà cung cấp tài chính bên ngoài không hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp và đòi hỏi tỉ suất lợi nhuận cao để bù đắp cho rủi ro.

Và theo thời gian, thị trường tài chính, nhờ tích lũy hiệu suất, đáng lẽ có thể mở rộng thay thế cho ngân hàng, và thường được giải thích đây là cơ chế thay thế để dẫn dắt nguồn tiền từ người tiết kiệm đến tay người vay mượn khi vốn chủ sở hữu và thị trường trái phiếu chưa phát triển đầy đủ và thông tin chưa được trao đổi tự do.

Tuy nhiên, ngay cả trong những nền kinh tế tư bản hiện đại, ngân hàng vẫn giữ vững vai trò trung tâm của vũ trụ tài chính, đến mức có thể đòi hỏi được giải cứu hàng loạt khi tính thanh khoản và khả năng trả nợ của mình bị suy yếu trầm trọng trong năm 2008.

Như đã thấy, vấn đề nảy sinh trong tài khoản quốc gia đối với những hoạt động có vẻ như cộng thêm giá trị cho nền kinh tế nhưng đầu ra lại không được định giá. Nhiều dịch vụ do chính phủ hay các tổ chức thiện nguyện cung cấp rơi vào nhóm này; ngoài ra còn có các sản phẩm của khu vực kinh tế tư nhân được cung cấp miễn phí, ví dụ như công cụ tìm kiếm của Google và ứng dụng truy cập Internet của Mozilla.

Tài khoản quốc gia theo quy ước áp đặt giá trị cho những hạng mục này, bất chấp sự phản đối của các nhà chỉ trích thị trường tự do rằng hàng hóa và dịch vụ phi thị trường được tài trợ chéo bởi (và do đó góp phần làm suy yếu) những nhà sản xuất trong khu vực thị trường, và như vậy là trừ đi khỏi năng suất của quốc gia.

Nhưng có một vấn đề cũng nghiêm trọng không kém khi định giá (và thu lợi nhuận) cho một sản phẩm hay dịch vụ không tạo ra giá trị gì rõ ràng. Trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, một sản phẩm hay dịch vụ như thế sẽ bị cô lập và chê trách là độc quyền khai thác tiền thuê.

Người giao dịch “lũng đoạn thị trường” đối với một sản phẩm và bán lại với giá chênh lệch bằng cách hạn chế nguồn cung, hay đứng chen giữa người mua và người bán chỉ với mục đích duy nhất là thu phí môi giới trước khi hai bên có thể kết nối, đều bị chê trách là trục lợi phi sản xuất không khác gì những người chặn xe trên xa lộ để đòi lộ phí.

Mãi đến thập niên 1970, ngành tài chính vẫn bị xem là nhà phân phối, chứ không phải là người kiến tạo của cải, tham gia vào các hoạt động phi sản xuất. Đến lúc này, thông qua một loạt các đánh giá lại về kinh tế và áp lực chính trị, ngành tài chính đã được chuyển dịch từ bên ngoài vào bên trong ranh giới sản xuất, và quá trình này đã gây ra nhiều thương tổn.

Chính phủ các nước tại châu Âu trong thế kỷ 19 đã bị thuyết phục rằng ngân hàng là người kiến tạo giá trị, có vai trò thiết yếu để đạt thành tựu hiện đại hóa công nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Họ đặc biệt hào hứng thúc đẩy các ngân hàng đầu tư, một hoạt động được xem là thiết yếu vừa để dẫn dắt nguồn quỹ cho đầu tư sản xuất, vừa để điều phối doanh nghiệp và ngành để nâng cao hiệu suất và tỉ suất lợi nhuận cho khoản đầu tư này.

Mariana Mazzucato/NXB Trẻ

SÁCH HAY