Tài chính cũng thu hút nhiều nhà khoa học và kỹ sư chuyên môn khỏi những công việc sản xuất trực tiếp, bằng cách đề nghị mức lương trung bình cao hơn 70% so với khả năng chi trả của các ngành nghề khác.
Mức độ gia tăng lợi nhuận đến bất khả thi của ngành tài chính, trước và sau cuộc khủng hoảng, phản ảnh một quyết định chủ động trong thế kỷ 20 muốn vẽ lại ranh giới sản xuất, để cho những thể chế tài chính trước kia bị loại ra nay được đưa vào, và sau khi đã định nghĩa lại tài chính là một ngành sản xuất, sẽ gỡ bỏ dần những quy định trước kia đặt ra để kiểm soát phí và rủi ro.
Chương này xem xét quá trình mở rộng của ngành ngân hàng, và các quyết định chính trị muốn thừa nhận giá trị của nó trong tài khoản quốc gia (mặc dù là dựa trên những giả định gây tranh cãi về mặt kinh tế) đã góp phần thúc đẩy quá trình giảm điều tiết để rồi cuối cùng thổi bùng sự tăng trưởng vượt bậc của nó như thế nào. Trong hai chương tiếp theo tôi sẽ tìm hiểu về mối quan hệ giữa sự tăng trưởng này và quá trình tài chính hóa trong phần còn lại của nền kinh tế.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: David McBee/Pexels. |
Niềm tin của các nhà làm chính sách vào giá trị của tài chính hoàn toàn không bị suy giảm trước vụ sụp đổ năm 2008. Thực tế, phản ứng của họ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là đề nghị giao thêm “tư bản” của nền kinh tế cho các ngân hàng tư nhân, và hỗ trợ thêm bằng một chính sách tiền tệ siêu nhẹ nhàng, trong đó lãi suất gần bằng 0 được bổ trợ bằng việc ngân hàng trung ương mua lại trái phiếu chính phủ và cả trái phiếu doanh nghiệp để giữ giá. Cách làm này làm tăng “tài sản” cho các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Các quốc gia khao khát đạt đến mức thịnh vượng như Mỹ từ lâu đã được tư vấn, đặc biệt bởi những người cho vay đa phương, rằng hãy chọn “tăng cường phát triển hệ thống tài chính” - mở rộng và giảm điều tiết đối với ngân hàng và thị trường tài chính - làm chính sách chủ đạo trong chiến lược phát triển của mình.
Đồng thời, những chủ nợ này gọi các chính sách hạn chế sự phát triển của ngân hàng - ví dụ như áp đặt mức trần lãi suất, hay hạn chế cho vay xuyên quốc gia - là “áp chế tài chính”, với ngụ ý rằng giải phóng tài chính là một phần trong khái niệm tự do nói chung.
Sau năm 2008, cũng như sau những cuộc khủng hoảng tài chính khu vực trước đây (ví dụ như khủng hoảng tại Mỹ Latin năm 1982-1983 và Đông Á năm 1997), các nhà kinh tế học từng thúc đẩy sự giải phóng này lại tự hỏi phải chăng họ đã quản lý ngành tài chính quá lỏng lẻo. Nhưng rồi họ lại không thay đổi mà kết luận rằng khủng hoảng chỉ là những lần vấp ngã trên con đường tăng tốc rộng mở khi tăng trưởng tài chính đã được khai thông.
Thế nên năm 2015, IMF sau một nghiên cứu toàn diện “tư duy lại” việc phát triển hệ thống tài chính đã kết luận rằng mặc dù các hiệu ứng tích cực từ việc mở rộng lĩnh vực này có thể suy yếu khi GDP trên đầu người đạt mức cao, hay khi nó phát triển quá nhanh, “không có hoặc có rất ít mâu thuẫn giữa thúc đẩy ổn định tài chính và phát triển tài chính”, và “hầu hết các thị trường mới nổi vẫn còn đang trong vùng phát triển tài chính tương đối an toàn và còn nhiều tiềm lực tăng trưởng”.