Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/10, Zing.vn đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hoạt động vay online, tín dụng đen qua Internet. Trả lời câu hỏi, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có tình trạng cho vay online, theo hình thức tín dụng đen.
Bà Hồng cho biết NHNN trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động ngân hàng đã liên tục rà soát bổ sung các quy định cho vay trong đó có văn bản quy định cho vay tiêu dùng theo thông tư 39. NHNN cũng có văn bản riêng với tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.
Nguy cơ tín dụng đen đang núp bóng cho vay online. Ảnh: Quang Thắng. |
Hệ thống quy định này giúp người dân tiếp cận các kênh chính thức, không phải dùng tín dụng đen. Đồng thời, NHNN cũng tăng cường chỉ đạo mở rộng mạng lưới ngân hàng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, phát triển tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới ngân hàng chính sách xã hội, cung ứng tín dụng người dân nghèo.
Bà Hồng lưu ý Thống đốc NHNN luôn có chỉ đạo chấn chỉnh cho vay tiêu dùng, giải pháp này góp phần hạn chế được tín dụng đen.
“Theo quy định, NHNN quản lý các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy tín dụng đen không thuộc quản lý NHNN, Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát nắm bắt tình trạng tín dụng đen để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp quản lý chung hoạt động tín dụng tránh tín dụng đen tràn lan”, bà Hồng nói.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, thực chất hoạt động vay online hay vay trực tuyến là cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P).
“Hình thức P2P này đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu khi hai người cho nhau vay trực tiếp, nhưng bây giờ là 2 người kết nối với nhau qua một sàn ảo, số hóa hoạt động tài chính đó lên”, ông Hòe nói.
Một mô hình cho vay ngang hàng qua sàn giao dịch ảo đơn giản hóa. |
Vị chuyên gia phân tích, hiện nay có 2 loại hình doanh nghiệp cung cấp sàn cho vay ngân hàng. Một là chỉ cung ứng sàn, phần mềm giao dịch, phần xếp hạng tín nhiệm của người vay và gửi tới bên cho vay. Nếu được kết nối, 2 bên sẽ thỏa thuận trực tiếp với nhau về lãi suất, còn công ty chỉ ở giữa và hưởng phí giao dịch, thường là 1,5%.
“Tuy nhiên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp lợi dụng cơ chế này rồi lách thêm nhiều loại phí dịch vụ từ đó đẩy chi phí khoản vay như báo chí nói lên tới 720%/năm. Còn xét về lãi suất, các bên sẽ thỏa thuận làm sao cho dưới 20%/năm để không vi phạm Bộ Luật dân sự năm 2015”, ông Hòe cho hay.
Vị chuyên gia cũng khẳng định mức lãi suất của hoạt động vay trực tuyến là lãi suất phi kinh tế và trái với quy định của pháp luật. Đây chỉ là hình thức tài chính biến tướng và cho vay nặng lãi.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, hiện tại mô hình P2P trực tuyến này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và các công ty chỉ đang lách luật để làm dưới dạng trung gian thu phí. Còn câu chuyện cho vay là câu chuyện giao dịch dân sự giữa 2 bên vì vậy hành lang pháp lý chưa rõ có thể tạo ra kẽ hở cho các công ty lừa đảo.