Ngân hàng Nhà nước 'đau đầu' vì tiền 500 đồng
Kho đầy ắp tiền 500 đồng nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có phương án giải quyết vì không đưa ra lưu thông được thì cũng không tiêu hủy được.
“Tết 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tốt hơn khả năng chi trả, thanh toán tiền mặt về giá trị, cơ cấu mệnh giá đối với mọi trường hợp”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết như vậy khi trao đổi về phương án chuẩn bị tiền mặt thanh toán, chi trả dịp Tết.
- Thưa ông, năm nay nghỉ Tết lên tới 9 ngày, thanh toán phi tiền mặt bị hạn chế, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị phương án tiền mặt như thế nào?
- Nhu cầu tiền mặt cho Tết thì năm nào cũng tăng. Năm 2012, chỉ riêng trong tháng 1 đã bội chi gấp 3 lần so với cả năm đối với thanh toán, chi trả lương bổng, tiền công, thưởng...
Tết 2013, Ngân hàng Nhà nước đã lường trước khả năng này và chuẩn bị tốt hơn khả năng chi trả, thanh toán tiền mặt về giá trị, cơ cấu mệnh giá đối với mọi trường hợp. Kể cả khi nhu cầu tiền mặt lớn gấp hai đến ba lần, thậm chí, những tình huống đột biến như “sự cố ACB” vừa qua, chúng tôi vẫn đáp ứng kịp thời.
Cũng do thời gian nghỉ Tết tới 9 ngày nên nhu cầu cài đặt tiền mặt tại các cột ATM rất lớn. Tính trung bình, mỗi cột ATM cũng ngốn khoảng 500 triệu - 700 triệu đồng, đủ các loại tiền từ 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và các mệnh giá chục nghìn nên Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đủ số lượng.
Còn về mệnh giá thì chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước lại có sự chuẩn bị như năm nay. Những năm trước, vẫn còn nhiều ý kiến về khan hiếm tiền lẻ nhưng năm nay thì không, toàn bộ cơ cấu mệnh giá hoàn toàn đáp ứng đủ.
Tiền 500 đồng "ngập" trong kho ngân hàng nhưng không đưa ra lưu thông được. |
- Ở một số năm trước, thường xảy ra thiếu tiền mặt cục bộ ở một số khu vực đông dân cư có thu nhập cao, Ngân hàng Nhà nước đã dự liệu tình huống này như thế nào?
- Có một số khu vực có nhu cầu tiền cao, chẳng hạn: ở phía Bắc thì ngoài Hà Nội là nơi cần tiền mặt nhiều nhất, kế đến là Quảng Ninh, Hải Phòng, nơi có nhiều công nhân mỏ, thu nhập cao. Ở miền Nam, khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... là nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, nhu cầu cũng tương tự.
Như vậy, trong việc phân bố lượng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt chú trọng ở những nơi này. Nói chung trong tháng 1/2013, chúng tôi hoàn tất các kế hoạch cung ứng tiền mặt và tuần đầu tháng 2/2013, chỉ giải quyết một số vấn đề đột xuất, nếu có.
- Một vấn đề khác là các siêu thị, chợ lớn vẫn trưng biển: do khan hiếm tiền lẻ nên rất mong quý khách nhận tiền trả lại bằng "kẹo", Ngân hàng Nhà nước giải quyết tình trạng này ra sao?
- Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cam kết không thiếu tiền lẻ cho mọi nhu cầu người dân nhưng xung quanh vấn đề này, chúng tôi đang gặp phải một bất cập mà chưa giải quyết được. Hiện tại, lượng tiền lẻ chủ yếu là mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng đang chật cứng trong kho tiền các ngân hàng thương mại nhưng không thể đưa vào lưu thông.
Có một thực tế là người dân có thói quen dùng tiền mệnh giá nhỏ hoàn toàn mới để đi lễ chùa, số lượng rất lớn. Sau đó, từ chùa lại quay về ngân hàng và không thể nào đưa ra lưu thông được do nhu cầu thanh toán trong dân không cần nhiều, ngoại trừ ở các siêu thị thì hệ thống ngân hàng gần như đáp ứng đủ.
- Thưa ông, năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ngưng phát hành thêm tiền mệnh giá nhỏ phải không?
- Vấn đề đau đầu nhất hiện nay là người dân sử dụng quá nhiều tiền mệnh giá nhỏ (từ 2000 trở xuống) để đi chùa. Thử hình dung, sau Tết âm lịch năm 2012, chỉ một chùa trong hệ thống chùa Hương mà lượng tiền lẻ lên tới 6 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền này hầu hết là tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng... mới đưa vào lưu thông lần đầu, được nhà chùa nêm cứng vào thành bao tải, sau đó chất đầy trong kho và phải nhờ cả bộ máy Agribank chi nhánh Hoài Đức kiểm - đếm suốt mấy tuần mới xuể.
Vì lý do này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số địa phương có đề xuất là hạn chế in vì tốn kém chi phí (tiền in, nguyên vật liệu, vận chuyển, kiểm đếm...) nhưng hiệu quả không cao.
Khá nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước in tiền lẻ mới, mất bao nhiêu công sức, tốn kém nhưng sau khi đưa vào lưu thông thì lại quay về kho, vì nhu cầu thanh toán với loại tiền này rất thấp. Chúng tôi đẩy vào các ngân hàng thương mại buổi sáng thì buổi chiều họ lại trả về Ngân hàng Nhà nước.
Hiện tại, các kho ngân hàng đầy ắp tiền 500 đồng, không tiêu được và không đủ chỗ để chứa. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa biết giải quyết như thế nào vì không đưa ra lưu thông được thì cũng không tiêu hủy được do tiền đang còn mới, chỉ qua sử dụng một vài lần.
Chúng tôi đang tìm mọi cách để xử lý vấn đề này, làm sao đó vừa để phục vụ nhu cầu thanh toán ở mức độ phù hợp, vừa tránh in quá nhiều nhưng không hiệu quả. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã gặp một số bộ ngành, cơ quan quản lý như Bộ Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ và một số trung tâm chùa lớn để nhờ hỗ trợ truyền thông cho người dân hạn chế thói quen này.
- Dịp Tết thường xảy ra nhiều vụ đục phá cột ATM, thậm chí cướp ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch phòng chống như thế nào?
- Cuối năm là thời điểm “tháng củ mật”, thường xảy ra nhiều trộm cắp, đục phá kho tiền, trụ sở giao dịch trong khi lượng tiền vận chuyển ở các tổ chức tín dụng hiện rất lớn. Nhiều đơn vị có địa điểm chuyển tiền trong sân sau đó mới vào kho còn đỡ lo nhưng nhiều chi nhánh ngân hàng nằm sát bên đường, mỗi lần xe chuyển tiền đến, đi và các giao dịch tiền mặt khác đều rất dễ xảy ra cướp.
Ngoài ra, do nghỉ Tết năm nay tới 9 ngày nên một lượng tiền lưu trữ tại hệ thống ATM trên toàn quốc rất lớn, có thể xảy ra trộm cắp, đục phá cây ATM khi lực lượng bảo vệ sao nhãng, nhất là những vị trí vắng vẻ. Ngoài việc quán triệt tinh thần bảo đảm an toàn trong giao dịch trên toàn hệ thống thì Ngân hàng Nhà nước còn phối hợp với Bộ Công an lên kế hoạch bảo vệ chu đáo.
Theo VnEconomy