Ngân hàng Rosbank (Nga) đang thử nghiệm các giao dịch thanh toán xuyên biên giới bằng tiền điện tử. Ảnh: Linkedin. |
Kitco dẫn nguồn từ RBC cho biết Rosbank đang phối hợp cùng một công ty trung gian về công nghệ tài chính là B-crypto để thực hiện giao dịch thanh toán xuyên biên giới bằng tiền điện tử. Được biết, B-crypto là công ty fintech chuyên thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế bằng tiền điện tử.
Đại diện Rosbank cho biết các khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân đã bắt đầu sử dụng tiền điện tử để thực hiện giao dịch mua bán mang tính chất thử nghiệm.
Nếu một cá nhân hoặc công ty tại Nga muốn sử dụng phương thức thanh toán hàng hoá nhập khẩu kiểu mới dưới dạng tiền điện tử, trước tiên phải hoàn tất quy trình xác minh danh tính (KYC) của Rosbank và B-crypto.
Việc sử dụng KYC trong quy trình xác minh khách hàng nhằm đảm bảo người đăng ký đều là khách hàng thật. KYC yêu cầu cung cấp đầy đủ và chi tiết thông tin để xác nhận các giao dịch xuyên biên giới sẽ không liên quan đến tham nhũng, hối lộ hay rửa tiền.
Để sử dụng dịch vụ thanh toán bằng tiền điện tử cho các thỏa thuận kinh doanh với đối tác nước ngoài, các công ty nhập khẩu của Nga phải quy định rõ điều khoản trong hợp đồng 2 bên rằng có thể áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền điện tử và phải đăng ký địa chỉ ví tiền điện tử bên nhận.
Sau đó, phía nhà cung cấp ở nước ngoài xuất hoá đơn cho công ty của Nga cũng bằng địa chỉ ví tiền điện tử sẽ nhận khoản thanh toán.
Sau khi công ty nhập khẩu của Nga và B-crypto ký thoả thuận xong, công ty này sẽ gửi tiền định danh để mua tiền điện tử vào tài khoản tại Rosbank. Sau đó, tài khoản này sẽ chuyển tiền đến B-crypto. B-crypto sử dụng số tiền đã chuyển để mua tiền điện tử ở các quốc gia “thân thiện" và chuyển nó cho công ty nước ngoài theo đúng hợp đồng 2 bên.
Nga đang thay đổi cách tiếp cận đối với tiền điện tử. Ảnh: Shutter Stock. |
Eduard Davydov, một đối tác cấp cao của công ty luật Emet cho biết việc chuyển tiền xuyên biên giới bằng tiền điện tử cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về việc lách luật trừng phạt.
Davydov lưu ý rằng nhiều quốc gia hiện trong quá trình cập nhật hoặc sửa đổi luật để đưa các giao dịch tiền điện tử vào “chế độ trừng phạt”, nghĩa là các giao dịch đó sẽ bị coi là bất hợp pháp và dẫn đến hậu quả pháp lý cho các bên liên quan.
Một ví dụ về điều này đã xảy ra ở Liên minh châu Âu (EU), nơi các nhà lãnh đạo đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với thanh toán tiền điện tử xuyên biên giới giữa Nga và EU.
Các dịch vụ khác không còn được cung cấp cho chính phủ Nga hoặc cư dân hợp pháp của Nga bao gồm tư vấn công nghệ thông tin, tư vấn pháp lý, dịch vụ kiến trúc và kỹ thuật.
Trước đó vào năm 2021, ý tưởng dùng tiền điện tử để thanh toán xuyên biên giới đã rộ lên ở Nga. Dù vậy, vào thời điểm đó, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng "vẫn còn quá sớm" để dùng tiền điện tử thanh toán các giao dịch dầu và khí đốt.
Theo Cointelegraph, tình hình đã thay đổi khi các nước phương Tây ban hành lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại tuyên bố Nga "sớm hay muộn" cũng sẽ hợp pháp hóa thanh toán tiền điện tử. Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đề xuất có thể dùng tiền điện tử cho thanh toán nước ngoài, miễn là không để nó xâm nhập vào hệ thống tài chính nội địa của Nga.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Moiseev nhận định cơ sở hạ tầng Nga hiện "quá cứng nhắc" đối với việc sử dụng tiền điện tử phục vụ thanh toán xuyên biên giới. Do đó, ông cho biết ngân hàng trung ương đang xem lại cách tiếp cận để điều tiết thị trường vì tình hình lúc này đã thay đổi.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.