Những năm gần đây, nhiều ngân hàng bắt đầu mở rộng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch để gia tăng độ phủ thương hiệu và khả năng tiếp cận khách hàng.
Hệ thống các điểm giao dịch cũng đang trở thành lợi thế lớn của nhiều ngân hàng trong cuộc đua huy động vốn và cho vay khách hàng cá nhân.
“Cánh tay” nối dài của các ngân hàng
Với hơn 2.240 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước, Agribank hiện là ngân hàng có số điểm giao dịch lớn nhất trong hệ thống. Con số này thậm chí nhiều gấp đôi những ngân hàng xếp sau như Vietinbank hay BIDV.
Agribank hiện cũng là ngân hàng có tổng tài sản, dư nợ cho vay cũng như lượng tiền gửi của người dân lớn nhất. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của nhà băng này là gần 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền gửi của người dân chiếm 1,1 triệu tỷ, tăng hơn 95.000 tỷ đồng so với năm trước đó.
Xếp sau Agribank về số điểm giao dịch ngân hàng hiện nay là LienVietPostBank. Tuy chỉ sở hữu 392 điểm giao dịch bao gồm hội sở, văn phòng đại diện, chi nhánh và phòng giao dịch, nhưng thông qua 884 điểm giao dịch bưu điện, nhà băng này đã nâng tổng số điểm cung cấp dịch vụ ngân hàng lên con số 1.276.
Trong khi đó, Vietinbank và BIDV hai ngân hàng còn lại sở hữu trên 1.000 điểm giao dịch trong nước.
Cụ thể, Vietinbank hiện có 160 chi nhánh, 1 hội sở và 958 phòng giao dịch trong nước. Tổng cộng, nhà băng này đang vận hành và quản lý 1.119 điểm giao dịch ngân hàng. Trong khi con số bên phía BIDV hiện đạt 1.061 chi nhánh và phòng giao dịch.
Đáng chú ý, dù nằm trong nhóm 4 ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống nhưng Vietcombank hiện chỉ có khoảng 538 điểm giao dịch, thấp hơn rất nhiều các ngân hàng cùng quy mô.
Thậm chí, số điểm giao dịch của ngân hàng này còn thấp hơn cả Sacombank với 553 điểm trên cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch Vietcombank lại vượt trội các ngân hàng còn lại.
Năm gần nhất (2018), hơn 2.240 điểm giao dịch của Agribank mới mang về cho nhà băng này 7.345 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với số điểm giao dịch chỉ bằng 1/4, Vietcombank thu về hơn 18.269 tỷ đồng lợi nhuận, nhiều hơn tổng lợi nhuận của cả BIDV, Vietinbank và LienVietPostBank gộp lại.
Thống kê tại hơn 30 ngân hàng hiện nay, có tới 23 ngân hàng sở hữu trên 100 điểm giao dịch trong nước. Trong đó, nhiều nhà băng có quy mô tài chính không quá lớn nhưng đang sở khá nhiều điểm giao dịch.
Như MSB, tính đến cuối quý I, tổng tài sản của ngân hàng này mới đạt khoảng 135.000 tỷ đồng, thuộc nhóm trung bình thấp trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, MSB lại sở hữu tới 275 điểm giao dịch trên cả nước, nằm trong nhóm 10 ngân hàng tư nhân có nhiều điểm giao dịch nhất.
Năm 2018, hệ thống này cũng mang về cho MSB hơn 1.052 tỷ đồng lợi nhuận. Năm ngoái cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ 2011, lợi nhuận nhà băng này mới vượt trên nghìn tỷ.
Tương tự là nhiều ngân hàng cỡ nhỏ nhưng có số điểm giao dịch lớn như DongABank (212 điểm); Eximbank (209 điểm) hay SCB (205 điểm)...
Mạng lưới giao dịch lớn mang lại lợi thế cho các ngân hàng trong việc tiếp cận khách để huy động và cho vay. Thực tế, nhóm ngân hàng có nhiều điểm giao dịch nhất hiện nay cũng chính là nhóm có giá trị huy động vốn và cho vay cư dân lớn nhất.
Tuy nhiên, việc duy trì lượng lớn điểm giao dịch cũng tiêu tốn không ít chi phí của các nhà băng này, khiến kết quả lợi nhuận tại nhiều ngân hàng không cao như Sacombank hay LienVietPostBank.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng cỡ nhỏ như TPBank hay OCB với số điểm giao dịch hạn chế hơn rất nhiều lại đang ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Khan hiếm ngân hàng ở nông thôn
Có tới hàng nghìn điểm giao dịch ngân hàng trên khắp cả nước, nhưng thực tế phần lớn số này đều tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân vùng nông thôn không hề nhỏ nhưng chưa được đáp ứng.
Nhiều ngân hàng thương mại hiện nay chọn địa bàn kinh doanh chính là tại khu vực thành thị. Như TPBank, nhà băng này hiện vận hành 77 điểm giao dịch, nhưng hơn 60% số này tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Hay Eximbank hiện có hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước, nhưng tính riêng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã chiếm hết 126 điểm.
Hầu hết ngân hàng cỡ vừa và nhỏ chỉ tập trung điểm giao dịch tại khu vực thành thị. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Nhiều ngân hàng tư nhân khác hiện cũng chỉ tập trung điểm giao dịch tại khu vực thành thị mà bỏ qua khu vực nông thôn. Tại hầu hết khu vực nông thôn hiện nay, người dân vẫn phải giao dịch ngân hàng thông qua hệ thống của Agribank và một phần qua mạng lưới bưu điện của LienVietPostBank.
Việc các ngân hàng tập trung ở đô thị cũng khiến tính cạnh tranh ở khu vực này tăng lên.
Theo đó, những ngân hàng tập trung tại thành thị hiện nay chính là nhóm thường xuyên phải đưa ra lãi suất huy động cao để cạnh tranh với nhà băng khác, và thu hút người gửi tiền. Trong khi nhóm ngân hàng có mạng lưới rộng lại có mức lãi suất huy động thấp hơn rất nhiều.
Trong đó, những ngân hàng như Agribank, LienVietPostBank, Vietcombank hay Vietinbank… hiện đều niêm yết lãi suất huy động và cho vay thấp hơn nhiều so với trung bình thị trường, nhưng lại là nhóm có quy mô tiền gửi lớn nhất.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng như ABBank, NCB, PVComBank, hay VietcapitalBank… thường xuyên phải đưa ra lãi suất huy động cao nhưng tăng trưởng huy động vốn qua từng năm không quá cao.