Hầu hết ngân hàng thương mại trong nước đều đã mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý của mình ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, số ngân hàng có thể mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại nước ngoài hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong số ít ngân hàng hiện diện tại nước ngoài, chủ yếu vẫn tập trung tại thị trường Lào và Campuchia. Đây cũng được xem là 2 thị trường nước ngoài lớn nhất của các ngân hàng Việt.
Chia sẻ với Zing.vn mới đây, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn cho biết việc mở văn phòng đại diện tại nước ngoài tiêu tốn rất nhiều chi phí. Riêng thủ tục xin cấp phép cũng có thể kéo dài hàng năm trời, chi phí nghiên cứu thị trường và duy trì hoạt động mỗi năm cũng không hề nhỏ.
Vì vậy, không nhiều ngân hàng hiện nay có thể mở văn phòng đại diện tại nước ngoài, đặc biệt là ngoài khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, chỉ một vài ngân hàng cỡ lớn có hoạt động đầu tư ngoài khu vực Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là nhóm ngân hàng quốc doanh.
Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank tại Berlin (Đức). Ảnh: Stefan Meyer. |
Mới nhất, Vietcombank cho biết đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cấp phép thành lập Văn phòng đại diện tại New York, đánh dấu là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam được cấp phép mở văn phòng đại diện tại Mỹ.
Trong mạng lưới kinh doanh nước ngoài của nhà băng này, ngoài ngân hàng con mới thành lập tại Lào hồi tháng 10/2018, Vietcombank còn sở hữu 1 văn phòng đại diện tại Singapore, và 2 công ty con khác tại nước ngoài.
Cụ thể, Vietcombank hiện sở hữu 100% vốn Công ty tài chính Việt Nam - VFC tại Hong Kong (vốn 117 tỷ đồng) và 87,5% vốn tại Công ty Chuyển tiền Vietcombank - VCBM tại Mỹ (vốn 205 tỷ đồng).
Trong đó, VFC hoạt động như một ngân hàng thu nhỏ tại thị trường Hong Kong gồm nhận tiền gửi, tín dụng, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền... Năm gần nhất, công ty này mang về cho Vietcombank gần 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Còn VCBM hoạt động trong lĩnh vực chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam. Dù được thành lập từ năm 2009, nhưng theo Vietcombank, 2018 mới là năm đầu tiên công ty ghi nhận lợi nhuận dương. Không tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể, nhưng ngân hàng cho biết tổng doanh số trong năm vừa qua của VCBM đạt xấp xỉ 3.700 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2017.
Trong khi Vietcombank chọn Mỹ là thị trường lớn ngoài Đông Nam Á, Vietinbank lại chọn khu vực châu Âu để phát triển, cụ thể là Đức.
Nhà băng này hiện sở hữu 2 chi nhánh tại Frankfurt và Berlin (Đức), và là ngân hàng Việt đầu tiên mở chi nhánh tại châu Âu.
Không công bố kết quả kinh doanh cụ thể năm vừa qua của chi nhánh tại Đức, nhưng ông Erdmann R. G. Vogt, Đồng giám đốc Vietinbank chi nhánh Đức cho biết kết thúc năm 2018, tổng tài sản của chi nhánh đã tăng trên 11%, tổng huy động vốn tăng trên 15%, dư nợ tăng 3%, và lợi nhuận tăng 264% so với năm 2017.
Trong năm 2017 trước đó, Vietinbank cũng cho biết các công ty con và chi nhánh nước ngoài mang về 560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng, tăng gần 40% so với năm 2016.
BIDV thậm chí còn đầu tư ngoài khu vực Đông Nam Á mạnh hơn. Nhà băng này hiện sở hữu văn phòng đại diện tại Séc, Đài Loan và Nga. BIDV cũng từng sở hữu Công ty TNHH BIDV Quốc tế hoạt động tại Hong Kong suốt 10 năm, trước khi bị "khai tử" vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều thị trường nước ngoài của nhà băng này hoạt động trong tình trạng không hiệu quả.
Cụ thể, năm 2018, trong khi ngân hàng con tại Lào là LVB lãi trước thuế khoảng 220 tỷ đồng, LVI lãi khoảng 13 tỷ, thì tổng hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của BIDV lại lỗ 93 tỷ đồng. Mức lỗ này đã tăng gần 8 lần so với năm trước đó.
Điều này cho thấy ngoài thị trường Lào có lãi thì hoạt động tại nhiều thị trường nước ngoài khác của BIDV đang thua lỗ trong những năm gần đây.
Ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh, chỉ rất ít ngân hàng thương mại có phạm vi hoạt động ngoài khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, MBBank chỉ sở hữu duy nhất một văn phòng đại diện ở nước ngoài, là tại Nga.
Năm 2018, thị trường nước ngoài đóng góp gần 3.500 tỷ đồng dư nợ cho vay của MBBank và mang về hơn 58 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi năm trước đó lỗ trước thuế hơn 47 tỷ đồng.
Trong khi đó, cả SHB và Sacombank đều là những ngân hàng đầu tư rất mạnh ra thị trường nước ngoài nhưng khoản đầu tư của 2 nhà băng này chủ yếu vẫn tập trung tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, gồm Lào và Campuchia.