Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng muốn tăng quyền xử lý nợ xấu

Ngoài đề xuất có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà không cần thỏa thuận, các ngân hàng còn muốn có quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tài sản đảm bảo.

Đây là nội dung được bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại hội thảo Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017.

Cụ thể, lãnh đạo Vụ pháp chế NHNN cho biết sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng, VAMC, góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 có tính chất thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, và đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết đang thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của nhà băng sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách như tại Nghị quyết 42.

Áp dụng thủ tục rút gọn khi xử lý tài sản tại tòa án

Theo đánh giá của cơ quan quản lý tiền tệ, điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng, VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Vì vậy, NHNN đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42. Trong đó, NHNN đưa ra 2 phương án để tiếp tục các quy định về xử lý nợ xấu cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Cụ thể, một là đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó duy trì các quy định còn phù hợp của Nghị quyết 42 và sửa đổi, bổ sung một số quy định thực tiễn triển khai gặp khó khăn, vướng mắc.

Phương án hai là tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 thêm 3 năm.

Ngan hang xu ly no xau anh 1

Luật hóa Nghị quyết 42 có nhiều quy định cho phép ngân hàng chủ động trong việc thu hồi tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Ảnh: Nam Khánh.

Đáng chú ý, trong phương án 1, NHNN đã đề xuất nhiều quy định mang tính tăng quyền cho các ngân hàng, VAMC trong hoạt động xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo khi phát sinh nợ xấu.

Cụ thể, cơ quan này đề xuất sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm theo hướng ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu mà không cần có thỏa thuận về việc bên thế chấp đồng ý.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án và thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 với các vụ án giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án.

NHNN cũng đề xuất thêm quy định phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có khoản nợ là nợ xấu.

Ngoài ra, để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào tháng 8/2022, NHNN cho rằng Luật xử lý nợ xấu cần được ban hành theo trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Quốc hội ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5 năm sau.

Gặp khó khi thu hồi và xử lý tài sản

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng), cho biết dịch bênh đã khiến nợ xấu 9 tháng đầu năm nay của các ngân hàng tăng mạnh. Trong khi việc thu hồi nợ nội bảng qua các biện pháp phát mại tài sản đạt thấp hơn cùng kỳ do gián đoạn vì dịch.

Theo ông Phương, các nhà băng còn đang gặp khó khăn trong việc nhận gán nợ tài sản bảo đảm là bất động sản, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, chứng khoán, phương tiện vận tải, dự án.

Ngan hang xu ly no xau anh 2

Các ngân hàng thường gặp khó trong việc xử lý tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp. Ảnh: Lê Quân.

Ngoài ra, những vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết 42 liên quan quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm… cũng khiến nhiều nhà băng gặp khó trong việc xử lý và thu hồi nợ xấu.

Đại diện Vietcombank cho biết dịch bệnh đã khiến ngân hàng đối mặt với áp lực tăng nợ xấu, làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ.

Trong khi đó, thị trường mua, bán nợ vận hành đến nay vẫn chưa hiệu quả, nhiều trường hợp khách hàng, chủ tài sản chây ỳ, bất hợp tác, không có ý thức phối hợp để trả nợ, xử lý tài sản.

Để giải quyết các vấn đề này, đại diện Vietcombank cho rằng cần sớm Luật hóa Nghị quyết 42.

Bên cạnh đó, nhà băng cũng đề xuất NHNN cần hoàn thiện quy định về hoạt động mua, bán nợ để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện và tham gia sàn giao dịch mua bán nợ.

Đại diện BIDV cũng cho rằng nếu Luật hóa Nghị quyết 42 cần chú ý tới quy định về giao dịch bảo đảm.

Theo đó, cần làm rõ tính chất pháp lý của biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh, đồng thời, phân biệt cách xử lý giữa tài sản bảo đảm là bất động sản và động sản.

Phía BIDV cũng cho rằng cần luật hóa các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp là quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, cũng như các quy đinh liên quan đến quyền xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở để tháo gỡ các vướng mắc, chưa phù hợp tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay.

Chủ tịch VietinBank: Sẽ dành 17.000 tỷ đồng trích lập dự phòng năm nay

Theo lãnh đạo VietinBank, với mức trích lập dự phòng cả năm nay khoảng 17.000 tỷ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đến cuối năm sẽ đạt 169%, bộ đệm đủ tốt cho năm 2022.

Nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng ngành ngân hàng đang đối diện thách thức tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức 2,5-3% vào cuối năm 2021 cùng trách nhiệm trích lập dự phòng tăng thêm 3 năm.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm