Đây là thông tin được ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, chia sẻ tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 3/11.
Cụ thể, ông Bình cho biết từ đầu năm, VietinBank đã chi ra nguồn lực rất lớn để hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Dự kiến hết năm nay, ngân hàng sẽ chi khoảng 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Mức hỗ trợ kể trên sẽ khấu trừ trực tiếp vào kết quả kinh doanh của ngân hàng, tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh doanh VietinBank đã đặt ra vẫn đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Vị chủ tịch VietinBank cho biết trong tháng đầu tiên của quý IV, các chỉ số tài chính của ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tích cực so với quý III và đầu năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của VietinBank là 1,147 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm. Tương tự, dư nợ tín dụng cùng giai đoạn đạt 1,027 triệu tỷ, tăng 6,3% và tiền gửi khách hàng đạt 1,072 triệu tỷ, tăng 8,3%.
Trong tháng 10, các chỉ tiêu này đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, với tổng tài sản tăng 8,1% so với đầu năm, tương đương cao hơn 1,2 điểm % so với cuối quý III, ước đạt 1,149 triệu tỷ đồng.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH CỦA VIETINBANK TỪ ĐẦU NĂM | ||||||
Nguồn: BCTC NH, Tổng hợp | ||||||
Nhãn | Đầu năm 2021 | 31/3 | 30/6 | 30/9 | 31/10 | |
Tổng tài sản | tỷ đồng | 1341436 | 1343985 | 1473014 | 1447809 | 1450000 |
Cho vay khách hàng | 1015333 | 1017140 | 1076581 | 1084606 | 1096560 | |
Tiền gửi khách hàng | 990331 | 1003700 | 1039512 | 1072893 | 1089364 |
Cùng với đó, huy động vốn của ngân hàng đến cuối tháng 10 đã tăng 8% so với đầu năm, trong đó, vốn huy động thị trường 1 tăng 10%.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 của VietinBank cũng đã đạt 8%, gần chạm trần hạn mức Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Về nợ xấu, tính đến 31/10, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,6%, giảm nhẹ so với mức 1,7% vào cuối tháng 9.
Chủ tịch VietinBank cho biết nguyên tắc xử lý nợ xấu năm nay của ngân hàng là tăng trích lập dự phòng và thận trọng xử lý.
“Thực tế tỷ lệ nợ xấu tăng từ đầu năm đến nay là do tác động của dịch bệnh. Vì vậy, tăng trích lập dự phòng chính là tăng cường sự thận trọng, để đến năm 2022, nếu có các biến số do dịch bệnh thì ngân hàng vẫn có bộ đệm dự phòng tốt nhất”, ông Bình nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết với diễn biến hiện nay, VietinBank gần như chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra và kiểm soát nợ xấu ở mức 1,4%, đồng thời đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%.
Với tỷ lệ này, dự kiến năm nay ngân hàng sẽ dành khoảng 17.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh: CTG. |
“Đây là nguồn lực tài chính đủ lớn để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn và tăng trưởng trong năm 2022. Dự kiến, kết quả kinh doanh năm tới của VietinBank sẽ tiệm cận dần với vị thế của ngân hàng”, Chủ tịch VietinBank nói thêm.
Ông Trần Minh Bình cũng cho biết dự kiến trong nửa đầu năm 2022, VietinBank sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ hoàn thành các kế hoạch thoái vốn tại nhóm công ty con.
Cũng tại đại hội lần này, cổ đông VietinBank đã thống nhất bầu bổ sung ông Lê Thanh Tùng vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.
Được biết, ông Tùng sinh năm 1978, tốt nghiệp cử nhân Kế toán tại Đại học Kinh tế Quốc dân và có bằng hhạc sỹ chuyên ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Paris Dauphine CFVG.
Ông cũng không phải người mới tại VietinBank khi từng có thời gian dài gắn bó với nhà băng này và đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, từ cán bộ Phòng dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử đến thư ký tổng giám đốc; thư ký HĐQT…
Ông Tùng từng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại các phòng, ban thuộc VietinBank và kiêm nhiệm vị trí thành viên, chủ tịch HĐTV tại VietinBank Leasing.
Năm 2014, ông chuyển sang làm chánh văn phòng NHNN rồi làm vụ trưởng, trợ lý thống đốc năm 2016. Từ tháng 6/2016, ông là vụ trưởng, trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương.