Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho hay tính đến ngày 10/6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng trưởng 5,75% so với cuối năm 2018.
Trong đó, tín dụng đã hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Tương đương với mức tăng trưởng tín dụng này, chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay với nền kinh tế gần 415.000 tỷ đồng. Tương đương tổng tín dụng cho vay đối với nền kinh tế hiện ở mức 7,62 triệu tỷ đồng.
Bình quân, mỗi ngày nền kinh tế được các tổ chức tín dụng cho vay gần 2.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong giai đoạn đầu năm 2019 vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đạt 6,16%. Thậm chí, nếu so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đưa ra trong năm nay là 14%, số tăng trưởng đến giữa tháng 6 vẫn chưa đạt một nửa.
Đối với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho biết tính đến cùng thời điểm, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 5,17% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Về tình hình lãi suất, NHNN đã điều hành theo diễn biến của kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo để áp dụng phù hợp trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3 năm nay, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227.860 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117.800 tỷ đồng.
Về hoạt động thanh toán, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64,1 triệu giao dịch, tương đương gần 35,7 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động này đã tăng 23% về số lượng giao dịch và gần 18% về giá trị.
Tính đến hết quý I/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị giao dịch hơn 171.000 tỷ đồng, tăng gần 19%.
Cùng thời điểm, số lượng giao dịch qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 66% về số lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ.
Trong khi đó, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu lượt với giá trị hơn 924.000 tỷ đồng, tăng gần 98% về số lượng và 232% về giá trị.