Sáng 12/6, Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam từ góc độ pháp luật và quản trị".
TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định một trong những khó khăn mà hệ thống ngân hàng đang đối mặt là sự dịch chuyển nguồn nhân lực. Theo đó, nhân sự đang dịch chuyển từ ngân hàng nội sang các nhà băng nước ngoài tại Việt Nam và trong khu vực.
Theo TS Tín, đặc thù của ngành tài chính ngân hàng yêu cầu nhân sự phải có chuyên môn giỏi lẫn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt. Ông nêu thực tế hiện nay, nhiều nhà băng đang khan hiếm nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia tài chính có bằng cấp quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay còn phải đối mặt thêm tình trạng chảy máu chất xám.
"Khu vực tài chính ngân hàng luôn diễn ra chu trình di chuyển lao động khá khắc nghiệt. Tất yếu sẽ có việc nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển từ ngân hàng nội sang ngoại nếu không có chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài", ông Tín trình bày tham luận.
TS Bùi Quang Tín phát biểu tại hội thảo sáng 12/6. Ảnh: Hcmulaw.edu.vn. |
Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Giám đốc pháp chế của Ngân hàng Hong Leong, thừa nhận hiện trạng trên. Bà này cho rằng việc nhân sự ngành ngân hàng chuyển từ khối nội sang ngân hàng ngoại có nhiều lý do, trong đó có yếu tố quan trọng về cơ chế tuân thủ và sự an toàn với cơ hội nghề nghiệp.
Bà Xuân cho biết trước đây cũng từng làm việc ở ngân hàng nội và đánh giá hệ thống quản trị con người và cơ chế tuân thủ tại 2 khối có sự khác biệt. Bà này đánh giá hệ thống quản trị, điều hành của các ngân hàng trong nước tốt hơn ngân hàng ngoại. Nhưng thời gian gần đây có nhiều vụ việc của ngành ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai pháp lý con người.
"Ở ngân hàng nước ngoài thì việc tuân thủ quy định được đặt lên hàng đầu trong mọi trường hợp", đại diện Hong Leong lý giải.
Cũng theo bà Xuân, các ngân hàng ngoại luôn có chính sách chặt chẽ để kiểm soát con người và hoạt động của nhân viên.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Tín đánh giá vấn đề tuân thủ hoạt động hiện là lý do khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng trong nước "chạy sang" khối ngoại.
"Cơ chế tuân thủ ở ngân hàng trong nước có rất nhiều vấn đề. Nhiều học viên của tôi là giám đốc chi nhánh và lãnh đạo ở hội sở các ngân hàng rất lo về chuyện này. Cũng vì việc tuân thủ không đảm bảo mức an toàn cao cho người lãnh đạo nên tôi đã nghỉ ngân hàng, chuyển sang làm giáo viên", ông Tín chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Kim Phương Lan, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp của Ngân hàng Standard Chartered, nhìn nhận khối ngân hàng ngoại ngoài tuân thủ quy định pháp luật còn phải thực hiện những quy định của tập đoàn mẹ.
"Ngân hàng ngoại có rất nhiều nguyên tắc phải tuân theo như bộ quy tắc ứng xử quy định những điều không được làm, phải minh bạch thông tin, không mâu thuẫn về lợi ích. Trong khi đó nhiều ngân hàng trong nước vẫn chưa hoàn thiện bộ tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh", bà Lan đánh giá.