Hân hoan như đón kiều hối
Từ nay đến hết 31/1/2015, Vietcombank triển khai chương trình riêng dành cho khách hàng nhận tiền kiều hối, qua các đối tác chuyển tiền nhanh (có hợp tác với Vietcombank như MoneyGram, Uniteller, TNMonex). Tương tự, Ngân hàng Quân đội cũng thu hút khách hàng cá nhân nhận/chuyển tiền kiều hối bằng quà tặng. Tại các ngân hàng như Agribank, Vietinbank, ABBank các bộ phận phụ trách ngoại tệ đều cho hay đang ráo riết tung các chương trình thu hút kiều hối.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Hà cho hay, năm 2013, Vietcombank thu hút được gần 1,3 tỷ USD kiều hối gửi về, dự kiến, năm 2014, ngân hàng này sẽ đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 11,8% thị phần kiều hối tại Việt Nam. “Dự kiến nguồn kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến hết năm. Tổng lượng kiều hối năm 2014 ước đạt 12 tỷ USD, tăng từ 5-10% so với năm 2013”, ông Hà nói.
Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Huy Khang nói: “Nếu năm 2013, Sacombank thu hút được 1,7 tỷ USD, năm nay con số ước lên tới 2 tỷ USD. Kiều hối đang chảy về qua các kênh huy động truyền thống của ngân hàng rất tốt”.
Dòng kiều hối đang chảy về các ngân hàng. |
Giám đốc chi nhánh Agribank Bắc Giang Nguyễn Thị Xuyến cho hay, dự kiến lượng kiều hối của tỉnh chảy về qua ngân hàng lên tới 90 triệu USD, chiếm 70% thị phần toàn tỉnh. “Xu thế gửi tiền vẫn tăng nhiều. Các thị trường chúng tôi nhận nhiều nhất là Hàn Quốc, Đài Loan. Nói chung, thu hút kiều hối đang rất tốt”, bà Xuyến nói.
Cạnh tranh với dịch vụ “chợ đen”
Theo “Nghiên cứu toàn cảnh về kiều hối Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) vừa công bố, giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hằng năm tăng trưởng trung bình 38,6%, với tổng giá trị hơn 80 tỷ USD. Trong 3 năm gần đây, tỷ trọng người nhận kiều hối dùng để gửi ngân hàng nhận tiền lãi chiếm phần lớn nhất: hơn 30% tổng số người được khảo sát; sản xuất và dịch vụ 27-30%, đầu tư và kinh doanh vàng khoảng 20%; thị trường bất động sản 16-17%. Ngoài ra, người nhận kiều hối còn dùng tiền để chi tiêu hằng ngày; trả nợ; chữa bệnh; đóng góp xây dựng quê hương/dòng tộc, thờ cúng tổ tiên…
Trong giai đoạn 2007-2013, kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã giải ngân.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, kiều hối là một cấu phần của cán cân thanh toán. Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn LienVietPostBank Nguyễn Ánh Vân khẳng định: “Lượng kiều hối đang tăng tịnh tiến 10% hàng năm đã ít nhiều tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, cũng như cho vay ngoại tệ. Nhiều ngân hàng xem đây là nguồn cứu cánh không nhỏ. Thậm chí, kiều hối đã giúp Việt Nam tích trữ ngoại hối nhất là trong 2 - 3 năm vừa qua”.
“Kiều hối năm nay đạt khoảng 11 tỷ USD, có thể hơi thấp với lượng kiều hối thực tế, trong điều tra của CIEM từ tháng 9 đến tháng 11/2014 tại 7 tỉnh, thành lớn có đông dân sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn 25% kiều hối chuyển qua đường phi chính thức”, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM nhận định. Người phụ trách ngoại tệ một ngân hàng lớn nói: Giờ chỉ cần một cú điện thoại từ “bên kia” gọi về phố ngoại tệ Hà Trung (Hà Nội), lập tức sẽ có người mang tiền đồng hoặc USD đến tận nhà theo ý muốn với phí rẻ hơn chuyển qua ngân hàng.
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, trong giai đoạn 2010-2012 chiếm tới 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (khoảng 9% tổng giá trị cả nước), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%).