Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2014. Theo báo cáo, tỷ giá tăng trong tháng 11/2014 là do yếu tố tâm lý và tính thời vụ. Tính đến ngày 24/11/2014, tỷ giá chính thức tăng 134 đồng (tương đương mức tăng 0,3%), tỷ giá thị trường tự do tăng 155 đồng (tương đương mức tăng 0,73%) so với cuối tháng trước.
Nguyên nhân chủ yếu được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lý giải là do yếu tố tâm lý khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục ở mức cao, USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp nhập khẩu thường tăng vào thời điểm cuối năm cũng làm tăng nhu cầu về ngoại tệ.
Tuy nhiên, tỷ giá có điều kiện tiếp tục duy trì ổn định nhờ xuất siêu 11 tháng đầu năm đạt gần 2 tỷ USD. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao (trên 11 tỷ USD), giải ngân FDI và nguồn kiều hối đều tăng so với cùng kỳ, nên theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, tỷ giá khó có biến động những tháng cuối năm.
Không chỉ lên giá so với VND, USD đang lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. |
Nhưng liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có điều chỉnh thêm 1% tỷ giá khi tỷ giá tiếp tục biến động nhẹ trong mùa thanh toán cao điểm cuối năm của doanh nghiệp? Mặt khác, USD đang lên giá khi kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm, lĩnh vực dịch vụ. Đồng bạc xanh thiết lập mức cao nhất so với yên Nhật trong vòng 7 năm qua.
Trưởng Ban Nghiên cứu hàng hóa của ANZ, ông Mark Pervan nhận định, khả năng Fed sẽ tái tăng lãi suất cơ bản USD khi dấu hiệu hồi phục kinh tế dần rõ nét. Điều này sẽ tạo áp lực lên tiền đồng.
Ông Mark Pervan cho rằng, các nhà đầu tư vẫn đang đầu tư vào vàng và dầu. Tuy nhiên, một khi Fed tiếp tục nới lỏng gói định lượng (QE3), thì các nhà đầu tư, đầu cơ sẽ nhanh chóng bán ra để chốt lời và cắt lỗ, chuyển sang nắm USD.
Các dự báo cho rằng, khả năng Fed sớm điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới sẽ tác động tích cực lên sức khỏe đồng USD. Xu hướng này đã bắt đầu, khi một số đồng tiền trong khu vực như Baht Thái hoặc Peso Philippines đang có sự giảm giá và ngay cả đồng Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này khi tỷ giá có dấu hiệu nhích lên trong thời gian gần đây. Nhưng điều đó được đánh giá sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Còn hiện tại, VND đang tương đối ổn định, do NHNN can thiệp thị trường khi cần thiết và đang tích trữ dự trữ ngoại hối. Mặt khác, dòng tiền thuần vào Việt Nam vẫn dương, do đó theo nhận định của các chuyên gia tài chính - kinh tế, tỷ giá sẽ không có biến động nhiều trong thời gian tới.
Bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế học thuộc Khối nghiên cứu kinh tế (Ngân hàng HSBC) cho rằng, về xu hướng, tiền đồng tăng giá, nhưng NHNN đã có những biện pháp can thiệp để VND không có những biến động đột ngột. Thực tế, kể cả khi NHNN tăng thêm 1% biên độ tỷ giá, thì đồng Việt Nam vẫn ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Theo bà Trinh, khả năng đến tháng 9/2015, Fed mới điều chỉnh tăng lãi suất trở lại. Lúc này, sức khỏe đồng USD hồi phục, thì áp lực lên tiền đồng khó tránh. Nhưng VND giảm giá một chút sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc diễn biến của thị trường và sự can thiệp của NHNN.
Thực tế, việc kiểm soát tỷ giá của NHNN Việt Nam thời gian qua đã tạo được sự ổn định cho thị trường ngoại hối trong nước. Các chuyên gia ANZ tin rằng, điều này sẽ được duy trì trong năm sau, nhưng biên độ điều chỉnh có thể cao hơn so với năm nay, có thể là 3%.