Kết quả “Nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho thấy lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1991 - 2013 đạt trên 80,38 tỷ USD. Dự kiến hết năm 2014 nhận thêm hơn 11 tỷ USD, nâng tổng lượng kiều hối đã nhận trong 14 năm vượt mức 90 tỷ USD. Đây là dòng vốn lớn thứ hai chỉ sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển (ODA).
Tuy nhiên, nghiên cứu nêu rõ: năm 2014, kiều hối đầu tư cho sản xuất, kinh doanh giảm đi so với giai đoạn 3 - 5 năm gần đây. Cụ thể, tỉ trọng người nhận kiều hối sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 15,9%, trong khi tỉ lệ này của 3-5 năm trước là 16,2%.
Ảnh minh họa. |
Về lĩnh vực đầu tư, tỷ trọng người nhận kiếu hối dùng để gửi ngân hàng nhận tiền lãi chiếm cao nhất với 30%, sản xuất và dịch vụ chiếm 27 - 30%, đầu tư kinh doanh vàng chiếm khoảng 20% và 16 - 17% đổ vào bất động sản.
Ông Võ Trí Thành – Phó viện trưởng CIEM cho biết kết quả nghiên cứu này có sự khác biệt so với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM. Cụ thể, báo cáo của cơ quan này cho rằng xét về giá trị, kiều hối được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, còn bất động sản chỉ khoảng 2 - 3 năm trở lại đây.
Số liệu của Western Union cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, hằng năm chuyển tiền về từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.