Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng 'đua' cho vay tiêu dùng

Vốn vào khu vực sản xuất khó khăn, các ngân hàng tìm cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.

Ngân hàng 'đua' cho vay tiêu dùng

Vốn vào khu vực sản xuất khó khăn, các ngân hàng tìm cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.

Chị Mai Kiều Trang, nhân viên một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, cho biết, thời gian gần đây liên tiếp nhận được lời mời sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng của hàng loạt ngân hàng, công ty tài chính nghe khá hấp dẫn, như: hồ sơ cho vay đơn giản, nhanh gọn, điều kiện dễ dàng (chỉ cần chứng minh thu nhập, có bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân và một vài hoá đơn sử dụng dịch vụ như điện, nước, điện thoại…); lãi suất thấp; thời hạn vay dài; hạn mức tín dụng/thẻ cao…

 
Dịch vụ cho vay tiêu dùng đang được rầm rộ quảng bá khắp nơi.

Ồ ạt ưu đãi, khuyến mãi

Trên trang web của các ngân hàng, thông tin về các chương trình cho vay tiêu dùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn cũng tràn ngập màn hình trang chủ. Như ngân hàng HSBC thực hiện khuyến mãi rầm rộ cho khách hàng vay mua nhà, mua ôtô, vay tiêu dùng, đăng ký sử dụng thẻ từ 22/3 đến 19/6. Theo đó, khách vay mua nhà được hưởng lãi suất 0% trong 1 - 3 tháng tuỳ khoản tiền giải ngân, 60 khách hàng đầu tiên giải ngân đồng thời là chủ thẻ tín dụng được tặng 5 triệu đồng. Khách đăng ký sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này được hoàn lại 100% giá trị thanh toán tối đa 1,5 triệu đồng khi mở thẻ. Hầu hết các ngân hàng đều miễn phí phát hành, thậm chí miễn phí thường niên cho khách hàng đăng ký sử dụng thẻ tín dụng.

Ngân hàng Á Châu (ACB) triển khai chương trình “vay tín chấp đối với cán bộ công nhân viên vay mua nhà ở xã hội” từ đầu tháng 4/2013 với lãi suất 12%/năm trong sáu tháng đầu tiên. Khách hàng không cần tài sản đảm bảo, không cần bảo lãnh của công ty, số tiền vay tối đa gấp 15 lần thu nhập hàng tháng và lên tới 80% giá trị căn nhà… Ngân hàng Sacombank cũng thông báo dành 4.200 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân lãi suất từ 9%/năm trở lên. Khách hàng của Eximbank có cơ hội vay tiêu dùng lãi suất chỉ 9%, áp dụng cho ba tháng đầu.

Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh Hà Nội cho biết, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều chùn tay vay vốn. Các gói tín dụng tiêu dùng hiện nay đều khuyến khích nhu cầu mua, sửa chữa nhà cửa, phần vì những khoản vay này thường có giá trị cao, phần khác các tổ chức tín dụng cũng muốn góp phần “sưởi ấm” thị trường bất động sản đang đông cứng – nguyên nhân chính khiến nhiều khách hàng lớn của ngân hàng bị kẹt trong đó, làm nợ xấu tăng cao. “Thêm vào đó, tín dụng tiêu dùng, trong đó có hình thức chi tiêu qua thẻ tín dụng cũng là một xu thế tất yếu mà ngân hàng nào cũng muốn đón bắt, mặc dù với mức đầu tư khá lớn (xấp xỉ 10 triệu đồng/máy cà thẻ), các ngân hàng hầu như chưa mong gì thu lời từ thẻ tín dụng giai đoạn hiện nay, thậm chí hầu hết đều lỗ.

Đơn giản hồ sơ nhưng chằng chịt ràng buộc

Hồ sơ cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ khá thông thoáng như quảng bá của các ngân hàng có phải là một cách hạ thấp điều kiện cho vay vốn nhằm đẩy mạnh tín dụng bằng mọi giá? Với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn như chào mời, ngân hàng lấy gì để bù đắp chi phí trong bối cảnh nguồn thu từ tín dụng đang rất eo hẹp? Mang băn khoăn này trao đổi với Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội, ông cho biết: “Không có chuyện dùng hồ sơ vay tiêu dùng như một cách lách chuẩn cho vay. Dù là vay tiêu dùng hay vay sản xuất kinh doanh; giá trị vay từ vài triệu hay vài trăm triệu thì bộ phận tín dụng vẫn phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, trong đó quan trọng nhất là khâu thẩm định năng lực trả nợ của khách hàng”.

Anh Trần Hữu Nam, chủ một cơ sở sản xuất nhôm kính tại Hà Nội cho biết, anh hiện đang có ba khoản vay vốn tại ba ngân hàng BIDV, Techcombank và ACB tổng giá trị 750 triệu đồng. Vừa qua, anh đăng ký thêm dịch vụ thấu chi tại ngân hàng Đông Á, đồng thời đăng ký sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng Sacombank. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra qua trung tâm thông tin tín dụng (CIC), Ngân hàng Nhà nước, cả hai ngân hàng đều đã từ chối cung cấp dịch vụ cho anh Nam vì “vướng” ba khoản nợ nói trên, dù anh Nam có tài khoản thanh toán tại hai ngân hàng này.

Khách hàng có nhu cầu vay vốn hay sử dụng thẻ tín dụng cũng cần đọc kỹ các điều khoản trước khi ký kết hợp đồng với ngân hàng, để tránh bị những ưu đãi hấp dẫn làm mờ đi những điều kiện chặt chẽ. Chẳng hạn, các ngân hàng thường có thể chào lãi suất thấp trong 9 - 10%/năm, thậm chí 0% trong ba tháng đầu, nhưng sau đó là lãi suất thả nổi, trong khi khoản vay tiêu dùng thường có thời hạn dài 3 - 5 năm, thậm chí 10 - 15 năm. Do vậy, không ít khách hàng đã rơi vào tình huống, nhận được thông báo khoản tiền phải trả từ tháng thứ tư trở đi tăng vọt.

Tương tự là dịch vụ thẻ tín dụng. Với khoản khi chi tiêu qua thẻ, thông thường ngân hàng cho khách hàng 45 ngày để thu xếp trả nợ và nếu khách trả nợ trong khoảng thời gian này sẽ không phải trả lãi. Nhưng nếu việc trả nợ được thực hiện sau thời hạn 45 ngày, khách hàng sẽ phải trả lãi cho khoản vay ngay từ ngày bắt đầu thanh toán qua thẻ (không ít khách hàng đều lầm tưởng được miễn lãi hoàn toàn trong vòng 45 ngày). Đó là chưa kể, lãi suất vay qua thẻ tín dụng thường ở mức cao so với mặt bằng lãi suất vay vốn. Như ngân hàng ANZ, lãi suất tới 2,40% và 2,65%/tháng (tuỳ hạng thẻ), chưa kể hàng loạt loại phí như phí thanh toán quốc tế từ 3,0 – 3,5%; phí rút tiền mặt 4% giá trị giao dịch; phí chậm thanh toán 4% trên số tiền chậm thanh toán và hàng chục loại phí khác, từ 50.000 – 200.000 đồng/lần.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bạn có thể quan tâm