Ngân hàng đồng loạt thu phí gửi vàng
Phí gửi vàng áp dụng tại ACB là 0,05%/năm, trong khi nếu gửi dưới 50 lượng tại Eximbank, khách chỉ phải trả phí 0,01%/năm.
Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện ngừng huy động vàng, phía Ngân hàng Á Châu (ACB) thông báo tới khách hàng mức phí gửi 0,05%/năm. Trong khi đó, phía Ngân hàng Xuất nhập khâu Việt Nam (Eximbank) thông báo với khách dừng huy động vàng và bắt đầu tính phí gửi 0,01%/năm.
Nhân viên một phòng giao dịch Eximbank cho biết: “Gửi dưới 50 lượng vàng thì mức phí là 0,01%/năm, tương đương 0,004%/tháng. Còn nếu gửi trên 50 lượng vàng thì mức phí tùy theo từng khách hàng”. Nhân viên này cũng không ngần ngại chia sẻ cách “lách phí”, chẳng hạn, khách hàng có lượng vàng lớn có thể chia nhỏ vàng, gửi thành nhiều sổ (dưới 50 lượng) thì sẽ giảm phí.
Trước giờ G, ngân hàng Phương Nam đẩy lãi suất huy động cao tới 2%/năm và tăng kỳ hạn tới 7 tháng để hút vàng. Nhưng hôm qua, 26/11, nhân viên chi nhánh Ngân hàng Phương Nam trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) cho biết đã ngừng toàn bộ việc gửi vàng có lãi từ ngày 24/11, và ngân hàng này cũng chưa có chủ trương giữ hộ vàng của khách.
Chị H.T (Đống Đa, Hà Nội) có 30 cây vàng gửi tại Ngân hàng Eximbank trên đường Trần Hưng Đạo. Trước ngày 25-11, chị H.T vẫn nhận được lãi suất 0,3%/năm với kỳ hạn một tháng. “Cuối tháng này tôi mới hết kỳ hạn nên hiện tại tôi chưa mất phí gửi. Tuy nhiên, kể cả mất phí thì cũng không đáng kể, vì tôi gửi vàng trong ngân hàng cho tiện, khi được “sóng” thì bán luôn cho ngân hàng”, chị H.T cho biết.
Theo chị H.T, việc Ngân hàng Nhà nước quy định gửi vàng mất phí chỉ có lợi cho các chủ ngân hàng. Bởi lâu nay dù huy động vàng mất lãi suất nhưng ngân hàng vẫn mượn của khách để bán khi giá cao và bù vào khi giá thấp. Nay không mất lãi suất, lại còn được thu phí khiến các ngân hàng càng được lợi hơn.
Ngân hàng thu phí gửi vàng khiến nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân giảm. |
Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: “Dù Thống đốc tuyên bố giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới nhưng khi giá thế giới tăng, giá trong nước vẫn nhích lên, khi giảm cũng giảm theo. Giá vàng trong nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi phía ngân hàng ngừng huy động vàng thì một kênh kinh doanh bị đóng nhưng không ai muốn hạ giá vàng, vì vàng đang được độc quyền”.
Còn giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng miền Bắc phân tích, hiện thị trường vàng rất ảm đạm, ngay cả Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn một ngày cũng chỉ mua-bán chưa đến 1.000 lượng, thì trong thời gian tới giá vàng sẽ có khả năng đi xuống để hấp dẫn người mua.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng bạc cho biết: “Theo xu hướng vàng thế giới, giá vàng sẽ giảm mạnh trong đợt nghỉ lễ Noel và năm mới bởi các sàn vàng trên thế giới đều đóng cửa, không ai giao dịch nên giá tự động đi xuống. Ngay sau đợt nghỉ lễ thì giá vàng thế giới sẽ đi lên bởi người dân ồ ạt đầu tư vào vàng trong năm mới để lấy may. Dù giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng nhưng xu hướng lên xuống của giá vàng Việt Nam không nằm ngoài xu hướng thế giới”.
Thị trường vàng ngày 26/11 không có nhiều biến động khi ngân hàng đồng loạt ngừng huy động vàng. Mặc dù, sáng ngày 26/11, giá vàng SJC giảm 60.000 đồng/lượng còn 47,28 – 47,34 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra nhưng vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới 3,34 triệu đồng/lượng.
Theo Tiền Phong