Ngân hàng dè dặt bán vàng miếng
Trong ngày đầu tiên "siết" kinh doanh vàng miếng với cửa hàng nhỏ, có điểm giao dịch ngân hàng không bán mà chỉ mua.
Đầu giờ sáng, giá vàng miếng công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC niêm yết tại 46,05-46,35 triệu đồng, giảm hơn 170.000 đồng/lượng so với giá đầu ngày 9/1. Chênh lệch mua bán dao động ở 300.000 đồng/lượng. Tại một số ngân hàng được tham gia mua bán vàng miếng, mức chêch lệch trong mua bán so với SJC không đáng kể, trong khi nhiều nhà băng cho biết có chương trình mua bán vàng miếng ưu đãi.
Từ lâu, các cửa hàng nhỏ, lẻ đã không còn hào hứng với vàng miếng mà đầu tư vào trang sức, nữ trang... Ảnh: Mạnh Cường. |
Nhân viên ngân hàng Tiên Phong trên đường Phạm Hùng cho biết, 9h sáng nay, giá mua vàng miếng của đơn vị này đối với SJC 1 chỉ là 4.632.000 đồng, còn bán ra 4.638.000 đồng/chỉ. Riêng vàng miếng SJC loại 1 lượng, giá mua và bán đều thấp hơn, ở 46,21 triệu đồng thu mua và 46,29 triệu đồng/lượng bán ra. So với giá niêm yết tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC tại cùng thời điểm, mức thu mua đang cao hơn 160.000 đồng/lượng, còn bán ra thấp hơn 160.000 đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép 22 ngân hàng và 16 đơn vị được mua bán vàng miếng. Từ ngày hôm nay (10/1), tất cả các điểm không được cấp phép phải ngừng mua bán kim loại này, nếu bị phát hiện cũng bị phạt nặng tương tự như quy định về mua bán ngoại tệ trái phép trong Nghị định 95 Chính phủ ban hành năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến tới đóng vai trò là người kiến tạo, mua bán cuối cùng theo chủ trương Nhà nước giữ vàng, nền kinh tế giữ tiền. |
Quy đổi giá vàng trong nước, thế giới tại lúc 9h, theo tỷ giá đôla của Vietcombank là 20.860 đồng/USD, giá thế giới đang tương đương với hơn 41,6 triệu đồng/lượng - thấp hơn 4,75 triệu đồng/lượng so với Việt Nam. Tại các ngân hàng, giá bán vàng miếng quy đổi theo tỷ giá này đang cao hơn khoảng 4,7 triệu đồng. So với giá vàng của SJC, vàng miếng bán ở ngân hàng “gần” hơn với giá thế giới, song không đáng kể với biên độ gần hơn chỉ là 500.000 đồng.
Tại các tiệm vàng tư nhân, nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố, việc “chán” vàng miếng đã diễn ra từ lâu. Anh Bảo, chủ một tiệm vàng trên phố Nguyễn Thái Học cho biết, lâu nay giao dịch trầm lắng, nhu cầu vàng miếng không nhiều, do đó, cửa hàng này cũng không kinh doanh mặt hàng này.
Còn theo lời một chủ tiệm vàng khác trên quốc lộ 32, cách đây khoảng 1 năm, khi giá vàng “sốt xình xịch”, người dân đổ xô đi mua bán, cửa hàng vẫn còn một vài miếng vàng dạng chỉ lẻ 1, 2 và 5 chỉ mang ra bán, giá cao hơn so với tại các công ty lớn mà vẫn đắt hàng. Nhưng sau đó, mua bán trầm lắng, lại vướng quy định chưa rõ ràng về kinh doanh vàng miếng, nên không chỉ cửa hàng này mà hầu hết các điểm kinh doanh vàng bạc đá quý khác tại trục đường 32 cũng đã ngừng kinh doanh vàng miếng.
Lãnh đạo một số ngân hàng, tuy không nói thẳng, nhưng đều tỏ ra lạc quan với việc kinh doanh vàng miếng. Tổng giám đốc TienPhongBank - ông Nguyễn Hưng - cho biết, với giới hạn tỷ lệ vàng nắm giữ 2% vốn tự có, rủi ro hầu như không nhiều. Đối với ngân hàng này, nếu có, rủi ro cũng chỉ khoảng 150 lượng vàng, tương ứng vài tỷ đồng trong khi phần lợi nhuận kỳ vọng mang lại khoảng 5-10% lợi nhuận toàn ngân hàng năm 2013. Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB - đơn vị được cấp phép mua bán vàng miếng đợt 2 cũng cho biết tin tưởng khách hàng sẽ hài lòng với dịch vụ mới này tại SHB.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc kinh doanh, mua bán vàng miếng cần nhìn vào “bài học” mà một số nhà băng đi trước để lại, đó là khoản thua lỗ do kim loại này gây ra. Chuyên gia này cho rằng, thói quen tích trữ của dân vẫn còn, song không bức thiết đến mức cần phải dồn lực cho thị trường như hiện nay, mà có thể chỉ phục vụ cho một số nhóm đối tượng.
Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về trạng thái vàng cuối ngày, mỗi ngân hàng chỉ được phép mua vào tối đa 2% vốn tự có, số bán ra phụ thuộc vào mua vào, nếu mua được nhiều sẽ được bán nhiều, và ngược lại. Một số chuyên gia cho rằng, có thể, đây là lý do một số phòng giao dịch ngân hàng chỉ mua vào, không bán ra. Với quy mô vốn điều lệ phổ biến 3.000 tỷ đồng đến khoảng 10.000 tỷ đồng, 22 ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng mỗi ngày cũng chỉ được mua vào tối đa khoảng 60-200 tỷ đồng/ngân hàng (tương đương khoảng 1.300 đến hơn 4.000 lượng vàng). Số bán ra lại phụ thuộc mua vào, do đó, nếu không mua được vàng, ngân hàng cũng khó trong việc chủ động phân phối đầu ra.
Giá vàng giảm 300.000 đồng, cao hơn thế giới hơn 4,2 triệu
Đầu giờ chiều nay, giá vàng trong nước bất ngờ giảm mạnh về vùng trên 45,7 triệu đồng/lượng chiều thu mua và trên 46 triệu đồng chiều bán. So với giá đầu ngày niêm yết tại 46,05-46,35 triệu đồng (mua-bán), mức chiều nay đã giảm 300.000 đồng. Giá thế giới trong xu hướng ngược lại, nhích về vùng 1.661 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hàng Ngoại thương, giá quốc tế tương đương với 41,77 triệu đồng/lượng - thấp hơn Việt Nam 4,23 triệu đồng/lượng. |
Lan Anh
Theo Infonet