Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cha công tử Bạc Liêu thành lập ngân hàng đầu tiên của người Việt

Với hai trụ cột là ông Trần Trinh Trạch (cha công tử Bạc Liêu) và ông Lê Văn Gồng, Công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng) hoạt động rất thành công và phát triển.

Một nhân tố quan trọng được tác giả Nguyễn Đức Hiệp đề cập trong cuốn Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XX đến năm 1945 (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018) đó là sự thức tỉnh của người Việt trong việc thay đổi tư tưởng khinh thương trọng sỹ.

Tác giả sách cho biết, cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 hầu như các công ty, doanh nghiệp quan trọng trong nền kinh tế Sài Gòn và Nam kỳ đều là của người Pháp và người Hoa. Khi ấy, tiếng nói của người Việt trong Hội đồng Thành phố lép vế hơn hẳn cộng đồng Pháp, Ấn, Hoa vì do lâu nay chỉ làm khách hàng của họ. Xác định chỉ có phú cường, sức mạnh kinh tế trong xã hội thì người Việt mới có ảnh hưởng chính trị ở Nam Kỳ, nên những trí thức Việt Nam đầu tiên bước vào thương trường ấy đã vận động một phong trào làm ăn của người Việt. Phong trào đó gọi là Minh Tân, khởi đầu từ đầu thế kỷ 20.

Ngan hang dau tien cua nguoi An Nam anh 1
Trụ sở công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng)  ở góc Boulevard Charner và Ohier, Sài Gòn (góc đại lộ Nguyễn Huệ và Tôn Thất Nghiệp, TP. HCM ngày nay). Ảnh tư liệu.

Từ phong trào này, bên cạnh các thương hiệu hàng hóa của người Việt xuất hiện, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của Pháp, của người Hoa, người Ấn trên thị trường, lại còn xuất khẩu đi các nước, Công ty tín dụng An Nam ngân hàng đầu tiên của người Việt, với hai trụ cột Lê Văn Gồng, Trần Trinh Trạch (tức Hội đồng Trạch - cha công tử Bạc Liêu) được thành lập.

Ngan hang dau tien cua nguoi An Nam anh 2
Ông Trần Trinh Trạch (thân phụ công tử Bạc Liêu), trụ cột quan trọng của  công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng). Ảnh tư liệu

Tác giả sách cho biết, ngày 8/11/1926, một số doanh nhân, nhà báo, điền chủ và trí thức đã họp tại trụ sở của Hội kỹ nghệ và doanh nhân An Nam tại số 76 rue La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng Sài Gòn) để thành lập Công ty Tín dụng An Nam (ngân hàng đầu tiên của người Việt). Tại buổi họp ban đầu, điều lệ của công ty do ông Lê Văn Gồng soạn thảo đã xem xét, bàn luận và chấp thuận. Trong số những người sáng lập có các ông: Kỹ sư Lưu Văn Lang, nghị viên hội đồng thành phố Nguyễn Tấn Văn, chủ tiệm “Au Tisseur” Nguyễn Khắc Trương, vận động tiếp thị cho công ty (promoteur de la sociéte) Nguyễn Văn Gồng, chủ “Garage Cental” Nguyễn Văn Kiêu, nghiệp chủ Nguyễn Văn Thơm, doanh nhân Cần Thơ Lê Kim Danh…

Ông Lê Văn Gồng, linh hồn của công ty, là một người lịch thiệp, nói lưu loát tiếp Anh và tiếng Pháp, được cử làm đại diện công ty.

Điều lệ công ty sau một vài sửa đổi chi tiết đã được chấp thuận. Số vốn ban đầu là 250.000 đồng từ 10.000 cổ phần, mỗi cổ phần 25 đồng. Ngày 1/3/1927, công ty chính thức kêu gọi công chúng hùn vốn mua cổ phần qua tài khoản ngân hàng Đông Dương với khẩu hiệu hãy coi đây là công trình thuộc tất cả mọi người Việt.

Ngày 24/8/1927, ở đại hội lần thứ 2, công ty chính thức hoạt động với trụ sở ở số 54 Pellerin (nay là Pasteur). Lần này qua sự vận động của ông Lê Văn Gồng, ông Trần Trinh Trạch, tức “Hội đồng Trạch”, một địa chủ giàu có ở Bạc Liêu, đã tham gia góp vốn và vào hội đồng quản trị.

Đây là sự tham gia có ý nghĩa vì qua đó công ty có triển vọng hoạt động bền vững, lâu dài nhằm đạt được sự tin tưởng của khách hàng. Lúc này, Hội đồng quản trị công ty gồm có các ông: Trần Trinh Trạch - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tấn – phó chủ tịch, Nguyễn Văn Của, đại diện quản lý. Ban quản lý gồm các ông: Lê Văn Gồng - Giám đốc, Trương Tấn Vị (điền chủ Châu Đốc), Nguyễn Tấn Văn (nghị viên hội đồng thành phố và nghiệp chủ ở Sài Gòn)…

Ngan hang dau tien cua nguoi An Nam anh 3
Quảng cáo của  công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng) trên báo Sài Gòn, 26/2/1935. Ảnh tư liệu

Theo báo cáo hoạt động của công ty, tính đến tháng 6/1928, sau 10 tháng đầu tiên hoạt động, công ty đã lời 18.192 đồng. Tiền ký gửi của khách hàng được lãi 4% và cho tiền tiết kiệm mỗi năm là 5%.

Đến đầu năm 1931 thành phần lãnh đạo công ty gồm có, chủ tịch hàm (danh dự) ông Huỳnh Đức Khiêm (chủ đất Gò Công), phó chủ tịch hàm (danh dự) ông Trần Trinh Trạch, chủ tịch hội đồng ông Trương Tấn Vị, giám đốc điều hành Lê Văn Gồng…

Công ty tín dụng An Nam hoạt động rất thành công và phát triển tốt đẹp. Công ty có lúc quảng cáo còn lấy tên là Việt Nam Ngân hàng với tôn chỉ: Làm vẻ vang cho xứ sở mình. Đầu năm 1939, công ty mua lại tòa nhà ở góc đường Charner và Ohier (cạnh Tòa hòa giải) của công ty Pháp Sociéte Marseillaise d’Outre-Mer. Số tiền bỏ ra là 120.000 đồng, trong đó 78.000 đồng là mua nhà và đất, 41.500 đồng là dùng tu bổ và trang bị lại tòa nhà. Công ty sau đó dời trụ sở từ đường Pellerin đến trụ sở 117 đường Charner. Tòa nhà mới này là trụ sở của Công ty An Nam bảo hiểm xe hơi.

Sau 12 năm hoạt động, dưới sự điều hành của ông Lê Văn Gồng, từ lúc thành lập năm 1927 với số vốn 250.000 đồng, công ty đã tăng trưởng hơn 5 lần và có hơn 1 triều đồng trong tài khoản khách hàng.

Từ năm 1942-1943, công ty không còn 2 trụ cột là ông Trần Trinh Trạch (mất năm 1942) và ông Lê Văn Gồng. Lúc này Nhật Bản đã vào Đông Dương. Hoạt động tín dụng của công ty cũng không thuận lợi như trước. Chưa có tư liệu cho biết công ty hoạt động ra sao sau thời gian năm 1943.




Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm