Vụ Dự báo, Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) vừa có báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III. Dữ liệu được đưa ra dựa trên khảo sát tại toàn bộ TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, với tỷ lệ trả lời gần 95%.
Đáng chú ý, kết quả cuộc khảo sát cho thấy hầu hết ngân hàng đang lo ngại về việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng chậm lại nửa cuối năm.
Cụ thể, các TCTD dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống tăng 4,7% trong quý III và đạt mức tăng 13,1% trong cả năm nay. So với kỳ điều tra trước, mức kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm đã giảm 1,6 điểm % (từ mức 14,7%).
Báo cáo cũng cho biết các nhóm TCTD đều điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm nay so với kỳ vọng trước đó, do quan điểm thận trọng hơn trước tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong nửa cuối năm.
Trước đó, trong kỳ điều tra quý II, trong bối cảnh dịch Covid-19 được khống chế và cầu tín dụng tăng trở lại, nhiều TCTD đã kỳ vọng tín dụng tăng nhanh từ cuối quý II đến cuối năm, đưa tăng trưởng tín dụng cả năm nay đạt 14,7%.
Hầu hết ngân hàng đã giảm dự báo tăng trưởng tín dụng tại đơn vị mình trong năm 2021 do lo ngại tác động của dịch Covid-19 nửa cuối năm. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 đang có dấu hiệu phức tạp tại các trung tâm kinh tế lớn, đặc biệt là TP.HCM, các ngân hàng đang giảm kỳ vọng tăng trưởng chỉ tiêu này của mình.
Trước đó, số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 21/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 5,47%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng cùng thời điểm năm 2020 là 2,45%.
Nếu tính theo số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 kể trên tương đương việc các ngân hàng đã bơm ròng hơn 500.000 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay.
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết với mức tăng trưởng nửa năm tương đối tích cực, con số tăng trưởng tín dụng kế hoạch 12% cho năm nay có thể đạt được. Thậm chí, nếu giữ xu hướng khống chế tốt được dịch bệnh, NHNN có thể xem xét mở rộng tín dụng cao hơn con số 12% này.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG TỪ ĐẦU NĂM 2021 | |||||
Nguồn: SBV, Tổng cục Thống kê, tổng hợp | |||||
Nhãn | Cuối tháng 3 | Cuối tháng 4 | 15/6 | 21/6 | |
Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm | % | 1.47 | 4.17 | 5.1 | 5.47 |
Dư nợ tín dụng/tuần | tỷ đồng | 11.3 | 24 | 15 | 34 |
Ở chiều ngược lại, các nhà băng cho rằng huy động vốn toàn hệ thống có thể tăng bình quân 5,5% trong quý III này và tăng 11,9% trong cả năm, tương đương kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
So với kỳ điều tra hồi tháng 3, có 3/6 nhóm TCTD nâng dự báo tăng trưởng huy động vốn cả năm nay trong khi 3 nhóm ngân hàng còn lại hạ mức dự báo tăng trưởng chỉ tiêu này so với năm 2020.
Cũng theo số liệu các ngân hàng cung cấp, thanh khoản của hệ thống được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt với cả VNĐ và ngoại tệ từ nay đến cuối năm.
Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được dự báo dao động quanh mức hiện tại, riêng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính kỳ vọng giảm nhẹ.
Về nợ xấu, tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng quý II đã có những chuyển biến tích cực hơn so với quý I, các nhà băng này đánh giá nợ xấu trong quý II có xu hướng giảm nhẹ và sẽ tiếp tục giảm trong quý III.
Về kết quả kinh doanh, hơn một nửa các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý III tăng so với quý II liền trước. Ngoài ra, 1/3 các ngân hàng kỳ vọng mức lợi nhuận quý III không đổi so với quý trước.