Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 5,47%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng cùng thời điểm năm 2020 là 2,45%.
Đáng chú ý, nếu so với một tuần trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã cao hơn 0,37 điểm %.
Cụ thể, cập nhật trước đó từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 15/6, tổng dư nợ nền kinh tế đạt 5,1%, cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Như vậy, chỉ trong một tuần giữa tháng 6, mức tăng trưởng tín dụng cao thêm 0,37 điểm % tương đương đã có thêm hơn 34.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ra thị trường thông qua kênh cho vay.
Tốc độ bơm tiền qua cho vay này cao gấp đôi so với một tháng liền trước đó và cao gấp rưỡi so với mức bình quân 4 tháng đầu năm.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9,575 triệu tỷ đồng, tăng 4,17% so với cuối năm 2020. Tính theo tỷ lệ tăng trưởng này, các tổ chức tín dụng đã bơm ròng ra thị trường trên 380.000 tỷ đồng qua kênh cho vay sau 4 tháng, tương đương mức bơm tiền 24.000 tỷ/tuần trong giai đoạn này.
Tiền đang được các ngân hàng bơm nhiều hơn ra thị trường qua kênh cho vay. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong khi đó, đến ngày 15/6, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,1%, cao hơn tỷ lệ ghi nhận cuối tháng 4 là 0,93 điểm %. Tính bình quân giai đoạn này, mỗi tuần chỉ có khoảng 15.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ròng ra nền kinh tế qua kênh cho vay, chưa bằng một nửa so với tuần thống kê gần nhất.
Điều này cho thấy tốc độ bơm tiền qua kênh cho vay của các ngân hàng đã tăng nhanh trong tuần gần nhất, sau khi ghi nhận xu hướng giảm từ đầu tháng 5 khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ và trái phiếu tuần gần nhất (21-25/6), các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng tăng trưởng tín dụng đang khá mạnh, và nếu các ngân hàng thương mại được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tuần này, tăng trưởng nửa đầu năm 2021 có thể ở mức 6%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay và thực tế của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay có thể đạt 5,5-6%, cao hơn mức 3,6% của cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trong năm 2019 khi không có dịch bệnh (tăng 7,4%).
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG TỪ ĐẦU NĂM 2021 | |||||
Nguồn: SBV, Tổng cục Thống kê, Tổng hợp | |||||
Nhãn | Cuối tháng 3 | Cuối tháng 4 | 15/6 | 21/6 | |
Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm | % | 1.47 | 4.17 | 5.1 | 5.47 |
Dư nợ tín dụng bình quân/tuần | tỷ đồng | 11300 | 24000 | 15000 | 34000 |
Hiện tại, NHNN đã hoàn thành việc giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các ngân hàng. Trong đó, nhóm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp room khoảng 6,5-7,5%, trong khi Vietcombank được giao 10,5%.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, hạn mức của VIB, ACB, Sacombank vào khoảng 8,5-9,5% và MBBank, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.
Tuy nhiên, hiện đã có khoảng 10 ngân hàng xin NHNN nới room tăng trưởng tín dụng. Trường hợp các ngân hàng được nới room tín dụng, cùng với việc Hà Nội bắt đầu cho phép các hoạt động kinh tế trở lại, dòng tiền từ các ngân hàng có thể tiếp tục được bơm ra thị trường nhiều hơn nữa thông qua kênh cho vay.
Cũng theo số liệu mới công bố từ cơ quan thống kê, tính đến ngày 21/6, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng ghi nhận cao hơn 3,13% (cùng kỳ tăng 4,35%).
Trên thị trường bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường nửa đầu năm đã tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 22% và phi nhân thọ tăng 7%. Đến hết tháng 5, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 512.900 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm đạt 628.400 tỷ đồng, tăng 23%.